Để tăng “sức đề kháng” trong hội nhập văn hóa
Nhìn lại chặng đường đã qua
Trong hơn 35 năm qua, tính từ giai đoạn thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII của Đảng, sau đó là các Nghị quyết Đại hội của Đảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam, điểm được là chúng ta là đã có bước chuyển trong nhận thức của các cấp ủy chính quyền và người dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội và xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với những nội dung dân chủ, khoa học, nhân văn, tiến bộ. Từ nhận thức đó chúng ta đã đạt được những thành quả rất quan trọng, trong đó đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng văn hóa, con người sáng rõ hơn, đầy đủ hơn và sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, việc thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng bằng hệ thống pháp luật, chính sách, cơ chế cũng đã tốt hơn. Những kết quả thu được rất rõ ràng và thực sự văn hóa đã thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta vẫn thường nói văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong xã hội…
Bên cạnh những thành quả đạt được, chúng ta vẫn nhận thấy những hạn chế, bất cập, kể cả những mặt yếu kém cần phải khắc phục.
Thứ nhất là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, ban, bộ, ngành, địa phương về văn hóa chưa thực sự đầy đủ.
Thực tế văn hóa của dân tộc Việt Nam được xây dựng, vun đắp từ hàng nghìn năm lịch sử và được bổ sung thêm những yếu tố mới. Nền văn hóa chúng ta xây dựng có rất nhiều yếu tố tiến bộ thời kỳ mới là khoa học, dân chủ, nhân văn, tiến bộ. Nhận thức này không phải lúc nào hoặc chỗ nào cũng được hiểu đầy đủ và sâu sắc. Quá trình đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống quan trọng nhất là thể chế hóa bằng chủ trương, cơ chế của Nhà nước. Cũng có lúc này lúc kia, mặt này mặt kia chúng ta làm chưa tốt. Một số nghị quyết xây dựng rất tốt, nhưng khi triển khai lại khó khăn vì thiếu hành lang pháp lý, các chính sách và nguồn lực. Đây cũng là một trong những nội dung tổng kết 35 năm thời kỳ đổi mới, trong đó có lĩnh vực văn hóa đã đề cập rất rõ. Việc xây dựng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ về văn hóa cũng có một số mặt hạn chế. Dường như chúng ta chưa có chiến lược đầy đủ, dài hơn về công tác cán bộ trong lĩnh vực này. Nếu không có con người, dù nghị quyết có hay đến mấy cũng khó đạt được kết quả cụ thể trong cuộc sống…
Thứ hai, việc quy hoạch ở nông thôn, người dân vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm, vẫn ở mức độ “mạnh ai nấy làm”, nhà cao nhà thấp…
Hệ thống thiết chế văn hóa cần có sự quy hoạch chung. Những cơ quan Nhà nước về xây dựng, kiến trúc, mỹ thuật cần vào cuộc để tư vấn cho họ. Hiện nay, chúng ta xây dựng thiết chế văn hóa theo kiểu thiếu mà thừa., thừa mà thiếu. Thiếu những địa điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa cho trẻ em. Ở đô thị, quỹ đất cho các công trình này là không có. Tôi xin nói không chỉ ở đô thị đâu, khi tôi làm Bí thư Huyện ủy Nam Đàn (Nghệ An) thì ngay ở đây cũng có những xã họ sống chật chội như ở đô thị. Chúng tôi tìm khắp nơi trong xã mà không còn đất để làm khu vui chơi cho trẻ em, chỉ có quỹ đất nông nghiệp. Việc quy hoạch cần có tầm nhìn trước cả hàng chục năm. Chúng ta có quá nhiều hội trường, chỉ sử dụng vài lần một năm nhưng lại thiếu một nhà văn hóa trong khu dân cư, dùng chung cho mọi người.
Áp đặt chỉ mang lại hiệu quả nhất thời
Người làm ở bất kỳ lĩnh vực nào chắc chắn phải chịu khó học tập, học trong trường học và trường đời, học qua đồng nghiệp để tích lũy kiến thức và tri thức, kỹ năng trong lãnh đạo quản lý. Trong kinh tế lãi và lỗ rõ ràng. Có thể thắng lợi hàng nghìn tỷ nhưng cũng có thể đứng trước vành móng ngựa. Tuy nhiên, trong văn hóa thì hậu quả không thể đo đếm được nhưng cả xã hội đều có thể nhìn thấy. Ảnh hưởng xấu của lĩnh vực này liên quan đến văn hóa và con người và tất cả những điều đó đều có ảnh hưởng rất lâu dài.
Tôi cho rằng, từ kinh nghiệm của mình, muốn hiểu thì phải có sự am hiểu và kiến thức nhất định. Trong văn hóa mà “tay không bắt giặc” là không làm được. Ngay cả tham mưu cũng phải đi liền với lý trí, kinh nghiệm và tri thức. Nếu không thể tham mưu chính xác 100% thì cần phải khách quan và trung thực với công việc. Riêng trong lĩnh vực văn hóa, phương pháp quản lý thông minh, am hiểu sẽ tạo được sự đồng thuận lâu dài. Áp đặt chỉ đạt được hiệu quả nhất thời.
Tôi nghĩ, nhiều khi chúng ta máy móc và làm theo quy định. Hiện tại, chúng ta có thể đề ra ba-rem cụ thể. Đó là những nghệ sĩ nào nằm ở trên ba-rem của việc xét danh hiệu thì đương nhiên họ sẽ đạt điều kiện đạt danh hiệu NSƯT, NSND. Việc xét danh hiệu cho các nghệ sĩ cần khoa học, nhân văn. Nếu chúng ta làm những người bị trượt danh hiệu NSƯT, NSND một cách oan uổng thì sẽ làm cho họ mất đi động lực để sáng tác, cống hiến.
“Sức mạnh mềm” thực chất là bản sắc văn hóa
Nếu chúng ta phát triển chính trị, kinh tế, xã hội mà không có chiều sâu văn hoá, không có hệ điều tiết bằng văn hóa, không coi trọng việc kế thừa và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, không tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, không tạo dựng cho mình một bản lĩnh, một “sức đề kháng” văn hoá tốt, chúng ta sẽ bị những sản phẩm văn hoá tiêu cực, độc hại tác động, thậm chí lấn lướt. Giới trẻ của ta, các bạn có nhiều ước mơ, hoài bão, háo hức đổi mới, ưa chuộng điều mới lạ. Có những cái mới có giá trị thực nhưng cũng có những cái mới chỉ hàm chức những giá trị ảo. Thậm chí trên mạng có những người xăm trổ, ăn nói tục tĩu, hành vi phản cảm nhưng cũng kéo được một lượng người vào a dua, tán thưởng, đó là những hệ luỵ rất dễ thấy.
Điều đáng nói, hệ luỵ lớn nhất là khi chúng ta đánh mất bản chất, bản sắc văn hoá dân tộc, đi ra thế giới mà không có “căn cước văn hoá” của dân tộc mình, đất nước mình thì dễ bị hoà tan, bị xâm thực. Lịch sử dân tộc ta đã nói lên một cách sinh động và thuyết phục điều này. Chúng ta bị hàng nghìn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm bị các thế lực ngoại bang xâm lăng, nô dịch. Nhưng cuối cùng, sức mạnh văn hoá Việt Nam đã giúp chúng ta không chỉ tồn tại mà chiến thắng và vững vàng.
Việc chúng ta tạo cho mình một bản sắc, bản lĩnh văn hoá, có nguồn sức mạnh nội sinh thì văn hoá mới thực sự vừa là động lực, mục tiêu để phát triển bền vững đất nước, cùng với đó là phát triển con người. Con người vừa là sản phẩm của văn hóa, đồng thời là chủ thể sáng tạo những giá trị văn hoá mới. Nền văn hoá của chúng ta là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mang tính chất dân chủ, khoa học, tiên tiến, nhân văn.
Khi chúng ta xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam hiện nay, thì đó là những giá trị đã được xây dựng, vun đắp, rèn giũa, hun đúc hàng nghìn năm. Đó là lòng yêu nước, là tình đoàn kết, sát cánh bên nhau trong phòng chống giặc dã, thiên tai; là dũng cảm, cần cù, tài trí, hiếu học, sáng tạo; là đức tính khiêm nhường, sự hòa hiếu, nhân văn, khoan dung… Từ những chuẩn mực như thế, mỗi người soi vào đó để thấy tình yêu đất nước, quê hương, với cộng đồng, với con người, với thiên nhiên của mình như thế nào, từ đó điều chỉnh nhận thức, hành vi của mình. Những giá trị ấy có ý nghĩa như những khuôn mẫu để mọi người noi theo.
“Sức mạnh mềm” thực chất là bản sắc văn hóa, bản lĩnh văn hóa để chúng ta không chỉ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam mà còn đi ra thế giới. Để quảng bá văn hóa Việt Nam thì không chỉ là tuyên truyền mà cần phải qua những kênh khác nhau. Đất nước ta cũng mới khởi xưởng công nghiệp văn hóa 10 năm trở lại đây và mấy năm gần đây có sự phát triển mạnh hơn. “Sức mạnh mềm” của dân tộc, gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Những giá trị văn hóa của Việt Nam đã được hun đúc, gìn giữ qua hàng nghìn năm. Những giá trị văn hóa của dân tộc cũng được thể hiện trong phim ảnh, văn hóa nghệ thuật để quảng bá với thế giới. Sức mạnh này sẽ thuyết phục, hấp dẫn thu hút bạn bè quốc tế đến với Việt Nam, kể cả trong hoạt động văn hóa, kinh tế, đối ngoại, chính trị. Đây chính là “sức mạnh mềm” của chúng ta.
Kế thừa, phát huy giá trị tốt đẹp của văn hoá Việt Nam
Tiêu đề của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này là đưa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào cuộc sống, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, kỳ vọng của các cơ quan tổ chức hội nghị là không chỉ nói về một nhiệm kỳ, mà phải nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam từ mấy chục năm nay.
Nếu nhìn một cách dài hơn là bắt đầu từ Đề cương Văn hóa năm 1943, sau đó là Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946) đến nay là tròn 75 năm. Tiếp theo là vào thời điểm giữa tháng 7/1948, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ 2 tổ chức ở chiến khu Việt Bắc; 3 ngày sau đó diễn ra Hội nghị Văn nghệ toàn quốc. Suốt cả quá trình từ đó đến nay, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị về phát triển văn hóa và con người. Chính phủ cũng đã thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng bằng các cơ chế, chính sách để đưa các nghị quyết đó vào cuộc sống.
Thời điểm tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này chúng ta đang đứng trước bước chuyển của đất nước, của dân tộc; đất nước ta cũng bước sang một trang mới. Trong đó có những yếu tố quan trọng, như trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH Việt Nam – bài phát biểu mang tính tổng kết, bao quát rất lớn. Chúng ta cũng đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đi vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập sâu rộng với quốc tế. Chúng ta vẫn nhắc nhiều đến “kinh tế xanh, kinh tế số”, “văn hóa số”, “truyền thông số”, “xã hội số” và “chính phủ điện tử”. Chúng ta cũng đẩy mạnh kinh tế thị trường XHCN, sự hội nhập của Việt Nam với các chế định bên ngoài kể cả về kinh tế, xã hội, văn hóa, tài chính là rất lớn. Do đó, đây là dấu ấn mang tính lịch sử. Kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và mọi người dân Việt Nam là từ hội nghị này việc xây dựng văn hóa con người Việt Nam sẽ có một bước mới vững chắc hơn, mạnh mẽ hơn. Một bước đi của hôm nay có thể bằng thời gian của một tháng, một năm thậm chí nhiều năm trước đây.
Rõ ràng đây là thời kỳ mà chúng ta đang ở trong bước chuyển mới, cả thời cơ và cả thách thức. Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần này một mặt là để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhưng thực ra không chỉ có thế mà cao hơn là nhận thức sâu sắc, toàn diện và đầy đủ đường lối, quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, pháp luật, chính sách của Nhà nước về văn hoá, đưa sự nghiệp văn hóa bước sang giai đoạn mới cao hơn, nhanh và bền vững hơn.
Chúng ta phải thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, từng bước xây dựng, bổ sung, hoàn chỉnh hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá Việt Nam, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam. Giới trẻ cũng phải có những chuẩn mực giá trị của mình. Có lẽ chúng ta phải xây dựng một hệ giá trị bằng những từ ngữ hàm súc, cô đọng, khái quát. Phải có những thang giá trị cho những nhóm người trong xã hội. Cái chung chi phối cái riêng, cái riêng làm giàu cho cái chung. Từ đó, chúng ta mới phát triển văn hoá và xây dựng con người một cách tốt đẹp và bền vững được.
PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ
Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam