ISSN-2815-5823

Đề xuất danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh

(KDPT) - Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương.

Dự thảo Thông tư nêu rõ, danh mục vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam (danh mục vật liệu nổ công nghiệp) bao gồm: Vật liệu nổ công nghiệp quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này và vật liệu nổ công nghiệp phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí được thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Cụ thể, vật liệu nổ công nghiệp quy định tại Phụ lục I bao gồm: 

Thuốc nổ công nghiệp: Thuốc nổ Amonit AD1; thuốc nổ TNP1; thuốc nổ bột không có TNT dùng cho lộ thiên; thuốc nổ ANFO; thuốc nổ ANFO chịu nước; thuốc nổ nhũ tương dùng cho lộ thiên; thuốc nổ nhũ tương năng lượng cao dùng cho lộ thiên; thuốc nổ nhũ tương dùng cho mỏ hầm lò, công trình ngầm không có khí nổ...

Phụ kiện nổ công nghiệp: Kíp nổ đốt số 8; kíp nổ điện số 8; kíp nổ điện vi sai; kíp nổ điện vi sai an toàn; kíp nổ điện tử; dây dẫn tín hiệu nổ; dây cháy chậm công nghiệp; dây nổ chịu nước; dây nổ thường...

Thuốc nổ mạnh: Thuốc nổ Hexogen; thuốc nổ Trinitrotoluen (TNT); thuốc nổ Octogen; thuốc nổ Pentrit; thuốc nổ là sản phẩm hỗn hợp của các loại thuốc nổ mạnh.

Tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp mới chưa có trong danh mục quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này gửi văn bản đăng ký đến Bộ Công Thương (qua Vụ Khoa học và Công nghệ) để công nhận kết quả đăng ký, xem xét và bổ sung vào danh mục vật liệu nổ công nghiệp.

Xây dựng Cơ sở dữ liệu về vật liệu nổ công nghiệp

Việc xây dựng Cơ sở dữ liệu phải bảo đảm phù hợp với kiến trúc hệ thống thông tin quốc gia, kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương, đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin và định mức kinh tế - kỹ thuật; tính tương thích, khả năng tích hợp, chia sẻ thông tin và khả năng mở rộng các trường dữ liệu trong thiết kế hệ thống và phần mềm ứng dụng.

Thiết kế cấu trúc Cơ sở dữ liệu phải bảo đảm việc mở rộng và phát triển.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho Cơ sở dữ liệu bao gồm: Hệ thống số hóa và tạo dựng nội dung số; hệ thống máy chủ (dịch vụ, quản trị); hệ thống sao lưu và lưu trữ dữ liệu; hệ thống an toàn, an ninh và bảo mật thông tin; hệ thống trang thiết bị phục vụ việc truy nhập, khai thác và cập nhật thông tin; hệ thống cơ sở phần mềm hạ tầng.

Bảo đảm an ninh, an toàn Cơ sở dữ liệu về vật liệu nổ công nghiệp

Sử dụng kênh mã hóa và xác thực người dùng cho các hoạt động sau: Đăng nhập quản trị hệ thống, đăng nhập vào các ứng dụng, thao tác trên các chức năng hệ thống của Cơ sở dữ liệu.

Mã hóa và bảo mật đường truyền, thông tin trong Cơ sở dữ liệu. Áp dụng các biện pháp bảo đảm tính xác thực và bảo vệ an toàn dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu.

Thực hiện lưu vết trong việc tạo, thay đổi, xóa thông tin dữ liệu để phục vụ quản lý, giám sát hệ thống.

Thiết lập, duy trì hệ thống dự phòng và sao lưu dữ liệu vào hệ thống dự phòng để bảo đảm hoạt động ổn định, liên tục trong điều kiện có sự cố về thiên tai, hỏa hoạn và sự cố khác./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 15/01/2025