Bộ Tài chính cho biết, ở nước ta hiện nay số lượng doanh nghiệp có quy mô nhỏ, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và đang giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Trong tổng số hơn 815 nghìn doanh nghiệp đã được thành lập và hoạt động thì số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm hơn 93%.

Xác định nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ luôn là đối tượng cần phải có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đồng thời cũng là nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài cho NSNN, trong giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2012, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội ban hành các giải pháp hỗ trợ về thuế đối với nhóm doanh nghiệp này (trong đó có giải pháp về giảm thuế TNDN).

Cùng với đó, trong giai đoạn từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 31/12/2015, doanh nghiệp có quy mô nhỏ (doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 20% (thấp hơn mức thuế suất 25%, 22% áp dụng đối với các doanh nghiệp khác).

Từ 01/01/2016 đến nay, doanh nghiệp có quy mô nhỏ đang áp dụng chính sách thuế TNDN như các doanh nghiệp khác (mức thuế suất phổ thông là 20%), riêng năm 2020-2021 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 các doanh nghiệp này còn được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp.

Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế hiện nay cho thấy doanh nghiệp có quy mô nhỏ vẫn luôn là mục tiêu trọng tâm của các chính sách phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia. Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên nhiều phương diện khác nhau nhằm tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp có quy mô nhỏ, trong đó chính sách hỗ trợ về thuế cũng là công cụ thường được các nước sử dụng theo hướng quy định mức thuế suất ưu đãi (có thể là mức thuế suất cố định hoặc mức thuế suất lũy tiến theo quy mô thu nhập) dành cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Thực tế là phần lớn các nước áp dụng mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất phổ thông cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, có phân biệt theo quy mô doanh thu, thu nhập chịu thuế.

Một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ Tài chính đề xuất đó là nghiên cứu bổ sung quy định về mức thuế suất đối với doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thấp hơn mức thuế suất thông thường để đồng bộ với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa và khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.

Đánh giá sơ bộ về tác động của việc giảm 30% thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, Bộ Tài chính cho biết, chính sách này sẽ làm giảm thu NSNN năm 2020 khoảng 15.840 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, số giảm thu do hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng cho tiêu dùng và đầu tư; đồng thời, sẽ góp phần tăng thu từ thuế TNDN vào giai đoạn tiếp theo do doanh nghiệp có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.

Nhưng mặt trái của việc giảm thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể sẽ gây ra tình trạng lợi dụng chính sách để tránh thuế bằng cách giữ các tiêu chí để được xác định là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nhằm hưởng ưu đãi về thuế.

Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ (i) Phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế; (ii) Xây dựng kế hoạch, chương trình để tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này sau khi được Quốc hội thông qua, trình Chính phủ ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Nghị quyết phù hợp với quy định của Luật thuế TNDN và quy định của pháp luật khác có liên quan; (iii) Chủ động phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện phổ biến các nội dung của Nghị quyết và các quy định liên quan đến các cơ quan, tổ chức và người dân, giúp hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời để thực hiện.