Đề xuất nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng, Nghệ An
Tiếp tục Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và Đà Nẵng.
2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 để sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách nhằm thực hiện chính thức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, phát huy tính ưu việt, khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập của chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như mục tiêu đã đặt ra. Dự thảo Nghị quyết bao gồm 3 chương, 18 điều với các nội dung quy định tiếp tục thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội đang thực hiện có hiệu quả; điều chỉnh, bỏ các nội dung, chính sách không còn phù hợp khi thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị; đề xuất cơ chế chính sách đặc thù sửa đổi bổ sung theo 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.
Các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm (21 chính sách), bao gồm: Quản lý đầu tư (3 chính sách); tài chính, ngân sách nhà nước (3 chính sách); quy hoạch, đô thị và tài nguyên, môi trường (6 chính sách); thu hút nhà đầu tư chiến lược (1 chính sách); thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (1 chính sách); vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (5 chính sách); tiền lương, thu nhập (2 chính sách).Đối với chính sách đề xuất mới theo thực tế, hiện Đà Nẵng đang triển khai xây dựng Cảng biển Liên Chiểu và kêu gọi nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư hạ tầng các bến cảng, lộ trình trong tương lai phấn đấu Cảng biển Liên Chiểu trở thành cảng biển quốc tế và Đà Nẵng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế. Để sớm trở thành hiện thực, việc thực hiện chính sách thu hồi đất để kêu gọi xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật trung tâm logistics nhằm phục vụ cho phát triển cảng biển Liên Chiểu là cần thiết. Chính sách đặc thù này áp dụng cho thành phố Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện cho thành phố triển khai thực hiện các dự án kết cầu hạ tầng logistics được thuận lợi, hiệu quả, phát triển cảng biển Liên Chiểu, đáp ứng các mục tiêu và phương án triển khai quy hoạch phát triển thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, Đà Nẵng đã xác định một số mục tiêu phát triển như xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp bán dẫn, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo về bán dẫn với các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư; tập trung phát triển nguồn nhân lực bán dẫn; xây dựng cơ chế rõ ràng trong sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thông tin phục vụ phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…Để giải quyết một số hạn chế trong đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, dự thảo Nghị quyết quy định 3 nhóm chính sách: Quyết định cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo và các tổ chức, cá nhân hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo được thuê trực tiếp tài sản kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ không thông qua đấu giá để hoạt động; quy định nội dung và mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ, trình tự, thủ tục hỗ trợ kinh phí từ ngân sách thành phố cho các đối tượng sử dụng kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ; quyết định đầu tư, nâng cấp, mở rộng, phát triển và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng khoa học và công nghệ từ nguồn ngân sách thành phố.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 119 đã bảo đảm cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và đúng thẩm quyền.
Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí với quy định về kinh phí hỗ trợ cho phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo; cho rằng, việc xác định kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách thành phố sẽ bảo đảm tính bao quát, đầy đủ hơn, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư phát triển. Song, các ý kiến đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện chính sách trên để làm căn cứ cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc sử dụng ngân sách nhà nước đúng mục tiêu, mục đích, có hiệu quả và tránh lợi dụng chính sách.
4 chính sách đặc thù cho Nghệ An
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thông tin về 4 chính sách đề xuất mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh Nghệ An.
Cụ thể, chính sách 1: Cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 3 điều 3 Dự thảo Nghị quyết).
Chính sách 2: Cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh không có điều kiện tự trồng rừng thay thế phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên (khoản 2 điều 5 Dự thảo Nghị quyết).
Chính sách 3: Tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026-2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 4 điều 3 Dự thảo Nghị quyết).
Chính sách 4: UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch (khoản 1 điều 6 Dự thảo Nghị quyết).
Với các nội dung dự thảo Nghị quyết, Chính phủ kính trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024) theo trình tự thủ tục rút gọn, thông qua tại một kỳ họp.
Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là có căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền.
Về các đặc thù về số lượng cấp phó (khoản 1 Điều 6), dự thảo quy định: "UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch”. Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, đây là nội dung liên quan đến chủ trương tinh giản biên chế, giảm cấp phó theo các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị và đã được Bộ Chính trị đồng ý tại văn bản số 10036-CV/VPTW ngày 27/5/2024. Do đó, nhất trí với dự thảo nghị quyết.
Về điều khoản thi hành, đa số ý kiến cho rằng, dự thảo nghị quyết chưa thể hiện rõ thời hạn có hiệu lực của nghị quyết. Do vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung này và quy định cụ thể trong nghị quyết thời hạn áp dụng là 5 năm.
Có ý kiến đề nghị xem xét thống nhất hiệu lực thi hành của nghị quyết này cùng với hiệu lực thi hành của Nghị quyết số 36/2021/QH15 để bảo đảm đánh giá đồng bộ các cơ chế thí điểm của tỉnh Nghệ An.