Diễn đàn khuyến nông tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà nông
Diễn đàn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện cho các nông hộ, chủ trang trại, hợp tác xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn, cùng các nhà cố vấn là chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành nông nghiệp.
Đại biểu chuyên gia, nhà khoa học có Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội các ngành sinh học Việt Nam; PGS.TS Lê Văn Năm, Ủy viên Trung ương Hội Khoa học kỹ thuật thú y Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội sản xuất và kinh doanh thuốc thú y Việt Nam; TS. Ngô Vĩnh Viễn, Nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật; TS. Cao Văn Chí, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây có múi - Viện Nghiên cứu rau quả.

Tại Diễn đàn, đại diện các hợp tác xã; chủ trang trại, gia trại và nông dân đã nêu câu hỏi và được các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trực tiếp giải đáp các kiến thức hữu ích liên quan đến chăn nuôi, trồng trọt như: Giải pháp hạn chế nắng nóng cho chuồng nuôi; biện pháp phòng, trị các bệnh thường gặp trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản; kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, cây trồng ở từng giai đoạn, thời kỳ sinh trưởng; cách sử dụng vắc-xin hiệu quả…
Đồng thời, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cũng phổ biến đến đến người nông dân một số cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 04 tháng 7 năm 2023 của HĐND thành phố Hà Nội quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội…
Khuyến cáo người chăn nuôi về bệnh dịch tả lợn Châu Phi, PGS.TS Lê Văn Năm cho biết, mặc dù hiện nay đã có vacine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh này.

Vì vậy, người chăn nuôi cần áp dụng các phương pháp phòng tránh bao gồm: Vệ sinh, sát trùng tại cơ sở chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất; vệ sinh cá nhân người tham gia chăn nuôi; cách ly lợn bị bệnh, nghi bị bệnh; diệt ruồi, muỗi để tránh mang mầm bệnh phát tán…
Thông qua Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông giúp nông dân huyện Sóc Sơn nâng cao kiến thức, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận, cũng như tổ chức lại sản xuất học hơn, quy mô lớn hơn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế hộ, hướng tới phát triển nông nghiệp của huyện theo hướng bền vững.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp huyện Sóc Sơn đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, huyện đã hình thành vùng chuyên canh bưởi với quy mô trên 700ha, phát triển gần 2.000 đàn ong lấy mật theo hướng VietGAP, mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ, chè, cây dược liệu…
Nhiều sản phẩm chủ lực của huyện đã có thương hiệu, như: Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, gà đồi, dưa lê siêu ngọt, mật ong rừng. Cá mô hình liên kết chuỗi giá trị đã được hình thành và từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp Sóc Sơn vẫn còn gặp không ít khó khăn, việc tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, khả năng tiếp cận thị trường của người dân và hợp tác xã còn hạn chế.
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản là yêu cầu cấp thiết.
Diễn đàn hôm nay do Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội tổ chức là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân cùng nhau trao đổi, thảo luận, tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường cho nông sản địa phương. Đây cũng là cơ hội để huyện Sóc Sơn tiếp thu thêm kinh nghiệm, định hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững hơn.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã tư vấn, trao đổi thông tin, phổ biến kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, đi sâu vào một số bệnh hại trong lĩnh vực trồng trọt và biện pháp phòng trừ./.
- Tầm nhìn đột phá của các doanh nghiệp tiên phong trong nông nghiệp công nghệ cao
- Vĩnh Phúc chú trọng kinh tế nông nghiệp: Chủ động phương án phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2024-2025