ISSN-2815-5823

Tầm nhìn đột phá của các doanh nghiệp tiên phong trong nông nghiệp công nghệ cao

(KDPT) - Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra những bước đột phá về cả chất lượng lẫn sản lượng. Bên cạnh đó, họ còn chú trọng đến mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, hướng đến một nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế ở nước ta. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt nam là phát triển công nghệ cao gắn với phát triển bền vững.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nền nông nghiệp sử dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có chất lượng, năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.

Thực tế cho thấy, nhiều hộ nông dân cùng các doanh nghiệp lớn đã phát triển các mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau. Song song với đó, các khu vực, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã hình thành, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt, tạo bước đột phá mới và sẵn sàng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu quốc tế.

Các hộ nông nghiệp, doanh nghiệp lớn đã cho ra nhiều mô hình sản xuất, áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau. (Ảnh minh họa)
Các hộ nông nghiệp, doanh nghiệp lớn đã cho ra nhiều mô hình sản xuất, áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp dưới nhiều hình thức khác nhau. (Ảnh minh họa)

Để đạt được những thành tựu này, không thể không nhắc đến những doanh nghiệp nông nghiệp tiên phong trong việc áp dụng công nghệ cao. Mỗi doanh nghiệp đều có những người lãnh đạo tài ba, những "nhạc trưởng" dẫn dắt hướng đi phát triển, tạo nên dấu ấn riêng cho sự thành công của công ty.

Năm 2023, tại COP28, Việt Nam tiếp tục cam kết cùng 147 quốc gia trên thế giới đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Tập đoàn TH, Masan và Pan là những doanh nghiệp Việt Nam đi đầu hưởng ứng chiến dịch Net Zero.

Tấm gương điển hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Anh hùng Lao động Thái Hương chính là một biểu tượng của sự cống hiến và tầm nhìn trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, là Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á và Chủ tịch Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam. Với những đóng góp không ngừng nghỉ cho sự phát triển của ngành nông nghiệp, bà Thái Hương đã tiên phong trong việc đưa công nghệ vào sản xuất, thúc đẩy nền nông nghiệp xanh và bền vững tại Việt Nam.

Tôi luôn tin vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Nước ta có điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển nông nghiệp, lại có hơn 2/3 dân số ở nông thôn, đại đa số gắn bó với nghề nông, rồi dân số thuộc top đầu thế giới nên thị trường tiêu thụ nông sản rất lớn. Tiềm năng này cần được đánh thức bằng các cơ chế, chính sách để phát triển nền nông nghiệp xanh, quy mô lớn, chất lượng cao; trong đó, việc tạo nguồn vốn cho người dân, doanh nghiệp là vô cùng quan trọng.

Anh hùng Lao động Thái Hương

Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐCL Tập đoàn TH

Chính những nỗ lực không mệt mỏi ấy đã giúp bà vinh dự trở thành lãnh đạo doanh nghiệp duy nhất nhận giải thưởng "Visionary CEO of the Year - Nhà lãnh đạo có tầm nhìn xuất sắc" do Tạp chí Global Brands (Vương quốc Anh) trao tặng vào tháng 5/2024, khẳng định vị thế và tầm ảnh hưởng của bà trong cộng đồng doanh nhân quốc tế.

Bà Thái Hương đã định hướng Tập đoàn TH trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong trong ngành nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, góp phần xây dựng nền sản xuất xanh và nền kinh tế bền vững.

Theo đó, Tập đoàn TH tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh và năng lượng tái tạo, cũng như tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính. Từ những sáng kiến này, TH đã đặt ra mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trực tiếp tại trang trại và nhà máy trung bình 15% mỗi năm. Đồng thời, mục tiêu giảm tổng phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp trên mỗi đơn vị sản phẩm tại các cơ sở sản xuất của TH cũng đạt mức giảm 15% mỗi năm. Đây là những đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ông Athur Solomon - Cố vấn nghiên cứu và phân tích thị trường của Global Brands Magazine chia sẻ tại lễ trao giải thưởng Global Brands Awards 2024: “Không khó để thấy tầm nhìn và chiến lược xuất sắc mà bà Thái Hương đã thể hiện trong việc lãnh đạo Tập đoàn TH thành công, đặc biệt là trong ngành thực phẩm và đồ uống. Chúng tôi cũng nhìn nhận bà với vai trò thúc đẩy sự đổi mới của Tập đoàn TH, dẫn dắt doanh nghiệp phát triển sản phẩm, công nghệ và mô hình kinh doanh mới. Tính tác động toàn cầu thể hiện ở những chiến lược bà đưa ra không chỉ có ảnh hưởng đối với Tập đoàn TH mà còn đối với ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống ở châu Á và toàn cầu”.

Cách đây 15 năm, khi khái niệm về nền nông nghiệp 4.0 còn khá mơ hồ tại Việt Nam, Anh hùng Lao động Thái Hương - nhà sáng lập Tập đoàn TH đã có tầm nhìn xa về việc kết hợp khoa học công nghệ và khoa học quản trị đan xen vào nhau để tạo ra những sản phẩm chất lượng hàng đầu có năng suất cao, giá thành hợp lý, vì sức khỏe cộng đồng.

Từ tầm nhìn và quyết tâm đó, Tập đoàn TH đã đầu tư bài bản những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến hàng đầu của thế giới về Việt Nam, áp dụng đồng bộ và xuyên suốt trong mọi quy trình sản xuất khép kín.

Ông Ngô Minh Hải - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn TH, chia sẻ: "Mỗi con bò sữa của chúng tôi được gắn chip để theo dõi sức khỏe với hệ thống quản lý đàn bò tiên tiến của Israel, Hà Lan, quy trình quản lý dịch bệnh, thú y của New Zealand, hệ thống phần mềm kiểm soát phối trộn, lập khẩu phần thức ăn (1-One, DNS)... Ngoài ra, TH hiện đã trở thành đơn vị đi đầu ở Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ IVF - thụ tinh nhân tạo cho bò sữa, góp phần giúp Tập đoàn TH và nền chăn nuôi nước nhà tự chủ hơn trong giống bò sữa chất lượng cao".

Nhà máy sản xuất sữa tươi sạch TH true MILK ngay từ khi thành lập đã được trang bị công nghệ hiện đại từ các nước G7 và châu Âu, hiện đã đạt năng lực sản xuất 1 triệu lít/ngày - một kỷ lục trong ngành sữa Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, TH ứng dụng hệ thống quản trị S4/Hana của SAP - một nền tảng quản trị hiện đại hàng đầu thế giới, đón đầu các xu hướng công nghệ tương lai.

Trang trại bò của TH Group.
Trang trại bò của TH Group.

“Hệ thống quản trị tiên tiến này cho phép theo dõi và phân tích dữ liệu đồng bộ mọi khâu trong chuỗi sản xuất. Nếu trước đây, cần tốn nhiều giờ để phân tích dữ liệu của tệp excel 1.000 dòng, thì nay, với công nghệ mới, chỉ mất 1 giây để xử lý tệp excel 10 triệu dòng. Việc đồng bộ hóa dữ liệu giúp chúng tôi giảm thiểu lãng phí, tối ưu hóa sử dụng nguồn tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường. Ngoài ra, vì hệ thống sử dụng dữ liệu thời gian thực nên TH thường xuyên được cập nhật dự báo nhu cầu thị trường. Từ đó điều chỉnh kế hoạch sản xuất, xác định chính xác thời điểm cần gieo trồng, bón phân và thu hoạch để đảm bảo sản phẩm luôn đạt chất lượng cao nhất”, ông Ngô Minh Hải chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ cao vào mọi lĩnh vực sản xuất và quản trị doanh nghiệp tại TH.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư tỉnh ủy Nghệ An nhận định: “Trong khoảng 5 năm qua, tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh Nghệ An cao gấp 1,5 lần bình quân tăng trưởng GDP nông nghiệp cả nước. Trong đó sản xuất công nghệ cao chiếm tỷ lệ lớn”.

“TH còn thực hiện nhiều quy trình phức tạp để xử lý nước thải, xử lý sản phẩm phụ phẩm, chất thải thành phân bón. Tỉnh Nghệ An xác định xu thế hiện nay là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, để vừa phát huy được kinh tế nông nghiệp, vừa đảm bảo giữ gìn môi trường. Và Tập đoàn TH đã làm rất tốt định hướng này”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Phạm Vinh Sơn - Giám đốc bộ phận bảo trì công ty CP Thực phẩm Sữa TH, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Phân bón xanh (GFT) giới thiệu, hệ thống xử lý nước thải là một trong những hệ thống xử lý nước thải phục vụ riêng cho khoảng 22.000 con bò sữa của Cụm 1, với công suất 2.500m3/ngày đêm, ứng dụng công nghệ của Hà Lan và do tổng thầu uy tín Koastal - Singapore thi công.

Nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn QCVN 62-MT:2016BTNMT, cột B. Hệ thống vận hành liên tục 24/7 và 365 ngày/năm, quan trắc tự động liên tục, trực tuyến số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường. Với ba cụm trại (tổng 9 trang trại), mỗi cụm đều có hệ thống xử lý nước thải riêng, đảm bảo nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn xả thải.

Ông Sơn cho biết thêm, tận dụng bùn sinh học hoạt hóa từ các hệ thống xử lý nước thải cũng như các chất thải, phụ phẩm hữu cơ từ trang trại, TH là chuỗi trang trại tiên phong tại Việt Nam đầu tư xây dựng Nhà máy phân hữu cơ để xử lý triệt để các nguy cơ ô nhiễm môi trường, đồng thời biến chất thải thành các tài nguyên giá trị, thực thi kinh tế tuần hoàn một cách mạnh mẽ.

Bà Thái Hương là tấm gương sáng ngời của nữ doanh nhân Việt Nam, đồng thời Tập đoàn TH là biểu tượng tiêu biểu của sự tiên phong trong nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Với khát vọng không ngừng vươn lên, bà Thái Hương và Tập đoàn TH đã chứng minh rằng, từ mảnh đất Việt Nam, con người Việt Nam có thể xây dựng những tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh, không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước, mà còn làm rạng danh Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiết giảm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, với tầm nhìn chiến lược sắc bén, đã dẫn dắt Masan trở thành một trong những doanh nghiệp tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Dưới sự lãnh đạo của ông, Masan không chỉ chú trọng vào việc đổi mới công nghệ trong sản xuất, mà còn tích cực triển khai các sáng kiến bền vững, nhằm tối ưu hóa quy trình và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Trong kinh doanh của chúng ta, luôn có 1 con đường duy nhất, đó là con đường hướng tới người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Đăng Quang

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan

Ông Quang hiểu rõ rằng, trong kỷ nguyên số, công nghệ không chỉ là công cụ để nâng cao năng suất, mà còn là chìa khóa để xây dựng một ngành tiêu dùng phát triển bền vững. Tầm nhìn của ông không chỉ tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, mà còn góp phần thúc đẩy sự chuyển mình của toàn ngành, hướng tới một tương lai bền vững.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ, Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng Khí hậu diễn ra vào tháng 9/2024, thu hút sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao và các tổ chức quốc tế; Việt Nam đã khẳng định quyết tâm đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, đồng thời cam kết giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính tới 43,5% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo trên 70% vào năm 2050. Cùng với chủ trương này của Chính phủ, Masan, với vai trò là doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Masan nhận thức rõ vai trò của mình trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, đặc biệt là thông qua việc ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh, nhằm quản lý rủi ro khí hậu và giảm phát thải carbon.

Trong báo cáo thường niên mới nhất, Masan đã nêu rõ những mục tiêu quan trọng với các kế hoạch cụ thể để triển khai lộ trình đạt phát thải ròng bằng 0. Doanh nghiệp cam kết đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong mọi hoạt động, từ quản lý năng lượng đến sản xuất và vận hành, để không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Masan sẽ hướng dẫn các mảng kinh doanh và công ty con thực hiện các hành động thiết thực, đồng thời đảm bảo rằng mỗi bước đi đều gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững và giảm thiểu tác động đến khí hậu.

WinEco ứng dụng công nghệ, đảm bảo chất lượng sản phẩm. (Ảnh: Masan)
WinEco ứng dụng công nghệ, đảm bảo chất lượng sản phẩm. (Ảnh: Masan)

Nhằm đạt được mục tiêu khử carbon vào năm 2030, Masan đã tập trung mạnh mẽ vào việc chuyển đổi sang sử dụng nguồn nhiên liệu tái tạo cho các hoạt động của mình. Hiện tại, hơn 50% tổng năng lượng tiêu thụ của Masan và các công ty con đã được cung cấp từ các nguồn năng lượng tái tạo như sinh khối và nhiên liệu sinh học.

Trong năm 2023, Masan MEATLife (MML), một công ty thành viên của Masan, đã thành công trong việc chuyển đổi một trong bốn nhà máy sản xuất sang vận hành hoàn toàn bằng năng lượng sinh khối từ trấu và phế thải mùn cưa. Đồng thời, trang trại tại tỉnh Nghệ An của MML đã tận dụng phân heo để sản xuất khí sinh học, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn điện từ bên ngoài. Theo thông tin từ doanh nghiệp, mặc dù sáng kiến này đã mang lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng đáng kể, mục tiêu tiếp theo của MML là chuyển đổi toàn bộ trang trại này để hoạt động hoàn toàn bằng sinh khối hoặc khí sinh học, khẳng định cam kết bền vững của doanh nghiệp trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường.

Tiếp nối cam kết về việc sử dụng năng lượng hiệu quả, Masan Consumer Holdings (MCH), công ty thành viên của Masan, đã thành công trong việc đưa năng lượng sinh khối trở thành nguồn năng lượng chính cho các hoạt động kinh doanh, với tỷ lệ sử dụng trung bình lên đến 87% tại các cơ sở sản xuất. MCH đã tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu tiêu hao năng lượng bằng cách tận dụng nhiệt thừa trong các quy trình chiên và tiệt trùng, đồng thời áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và tránh các quá trình làm biến đổi nhiệt. Để đảm bảo hoạt động này đạt hiệu quả cao và giảm thiểu rủi ro, công ty đã triển khai các chương trình đào tạo cho nhân viên, tập trung vào việc tiết kiệm điện thông qua bảo trì định kỳ các thiết bị và máy móc.

Cùng lúc đó, tại Masan High-Tech Materials (MHT), doanh nghiệp khoáng sản của Masan, MHT đã thành công trong việc giảm công suất bơm thu hồi nước tại hồ chứa Quặng đuôi Lưu huỳnh bằng cách điều chỉnh kích thước ròng rọc. Sự điều chỉnh này không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng vận hành mà còn làm giảm yêu cầu về áp suất, nhờ vào việc tăng chiều cao phao (RL) từ 75m lên 117m. Những nỗ lực giảm tiêu thụ năng lượng của MHT đã được công nhận khi công ty đạt Chứng nhận Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001:2018, có hiệu lực từ ngày 16.12.2022 đến 15.12.2025. Chứng nhận này càng thúc đẩy Masan triển khai các chương trình tiết kiệm năng lượng trên toàn bộ các cơ sở sản xuất và kinh doanh của mình.

Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững

Một doanh nghiệp hình mẫu khác cũng được đánh giá cao trong việc áp dụng công nghệ cao, phát triển bền vững trong lĩnh vực nông nghiệp là Tập đoàn PAN (The PAN Group) do bà Nguyễn Thị Trà My làm Tổng Giám đốc.

Theo nữ CEO sinh năm 1970, giảm phát thải, đặc biệt phát thải khí nhà kính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được đưa vào mục tiêu phát triển bền vững của Tập đoàn.

“Tập đoàn PAN hiện chưa có doanh nghiệp thuộc diện phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính nhưng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, PAN chắc chắn không bỏ qua mối quan tâm đối với các vấn đề môi trường, xã hội. Chúng tôi đã có kế hoạch và đang trong quá trình xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính từ năm 2024”, bà My cho biết.

Thực tế từ 2020 trước khi có quy định cụ thể về giảm phát thải khí nhà kính, PAN đã khởi động dự án “Nguồn sống lâm sinh”, theo đó đặt mục tiêu trồng được 1 triệu cây xanh đến 2030 nhằm tăng diện tích che phủ, bảo vệ môi trường đất và tạo nhiều cơ hội sinh kế cho người dân địa phương. Đến nay, dự án đã trồng được gần 400.000 cây trên tổng diện tích hơn 1.200 ha tại 8 tỉnh thành trên khắp cả nước.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, PAN chắc chắn không bỏ qua mối quan tâm đối với các vấn đề môi trường, xã hội. Chúng tôi đã có kế hoạch và đang trong quá trình xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính từ năm 2024.

Bà Nguyễn Thị Trà My

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn PAN

PAN Group cũng đang từng bước chuyển đổi việc sử dụng năng lượng mặt trời tại các nhà máy, cơ sở sản xuất và đặc biệt là triển khai nghiêm túc từng bước mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo đó, tận dụng tối đa nguồn lực và tối thiểu hóa tác động đến môi trường. Ví dụ, phụ phẩm cá tra dùng để chiết xuất dầu và làm thức ăn chăn nuôi, nước thải từ nhà máy được xử lý và tái sử dụng tại chỗ.

Chẳng hạn, vỏ và đầu tôm được dùng để sản xuất chitin, chitosan là đầu vào quan trọng của cả nông nghiệp, thực phẩm và y tế. Vỏ hạt điều của Lafooco vừa được tái sử dụng làm nguyên liệu đốt lò sấy, vừa được ép lấy tinh dầu để làm chất đốt và làm chất tạo màng để sản xuất sơn tàu biển hay các loại vật liệu ép, chịu nhiệt.

“Thậm chí, bã mắm được tái sử dụng làm phân bón. Phụ phẩm từ nhà máy gạo như vỏ trấu cũng được tái sử dụng tại chỗ làm chất đốt lò sấy, tấm và cám gạo được bán cho các đơn vị làm thực phẩm, nấu cồn. Ngay cả phụ phẩm sản xuất bánh kẹo cũng được tái sử dụng cho thức ăn chăn nuôi, bao bì được thiết kế để người dùng có thể tái sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như đồ dùng trong nhà, đồ chơi trẻ em...

Ngoài ra, toàn bộ nước thải, khí thải từ các nhà máy và cơ sở sản xuất của Tập đoàn đều được xử lý để hoặc tái sử dụng tại chỗ, hoặc trở lại an toàn với môi trường”, CEO PAN Group cho biết thêm.

Với chiến lược tăng cường sử dụng năng lượng xanh, các công ty thành viên như Vinaseed, PAN Food, Bibica đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho các nhà máy tại khu vực có bức xạ cao. Hệ thống này giúp giảm đáng kể chi phí điện và góp phần giảm lượng CO2 thải ra môi trường.

Tầm nhìn đột phá của các doanh nghiệp tiên phong trong nông nghiệp công nghệ cao đang mở ra một kỷ nguyên mới cho nền nông nghiệp Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước. Những doanh nghiệp này không chỉ áp dụng công nghệ hiện đại để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn tiên phong trong việc bảo vệ môi trường và tạo ra giá trị gia tăng. Với tầm nhìn chiến lược và sự đổi mới sáng tạo, họ đang góp phần thúc đẩy quá trình vươn mình của dân tộc, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ nông sản thế giới./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/01/2025