Doanh nghiệp công nghệ số đặt mục tiêu chinh phục thế giới, mang tiền về Việt Nam
Doanh nghiệp tích cực “đi ra thế giới”
Chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế và xung đột Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng, kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghệ thông tin giảm 4,9% so với năm trước đó, chỉ đạt 127 tỷ USD vào năm 2023.
Điểm sáng trên thị trường công nghệ thông tin Việt Nam là mảng xuất khẩu phần mềm khi tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 2 chữ số tại thị trường Nhật Bản và Châu Á - Thái Bình Dương (APAC).
Theo Gartner (Mỹ), chi tiêu cho lĩnh vực phần mềm toàn cầu trong năm 2023 tăng 12,3% và năm 2024 tăng 13,1%. Điều này giúp cho ngành xuất khẩu phần mềm của Việt Nam có thêm cơ hội xuất khẩu.
Tổng doanh thu từ thị trường nước ngoài trong năm 2023 đạt 7,5 tỷ USD, do khoảng 1.500 doanh nghiệp Việt Nam mang về, tăng gần 7% so với năm 2022. Trong đó, riêng FPT đã mang về 1 tỷ USD từ dịch vụ công nghệ thông tin tại thị trường quốc tế, chủ yếu đến từ 3 thị trường chính là Nhật Bản, Châu Mỹ và Châu Á, đều đạt mức tăng trên 30%.
Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) - ông Nguyễn Văn Khoa cho biết: “Dù kinh tế vẫn nhiều biến động, nhưng các doanh nghiệp công nghệ số vẫn ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Tại thị trường dịch vụ xuất khẩu có MOR Software, Savvycom đã tăng gấp 2 lần; CMC Global tăng 70%. Thị trường nội địa cũng đạt được các con số tăng trưởng lớn như: One Mount tăng 80%; ITSOL tăng 90%; Viettel Cyber Security, FPT Smart Cloud tăng 100%... Trong đó có doanh nghiệp tăng trưởng tới 2.800%”.
Ông Khoa cho rằng, nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới như chip bán dẫn, Blockchain, Generative AI... Những doanh nghiệp này đã xuất hiện tại 20 quốc gia, có hàng chục ngàn nhân sự, thực hiện chuyển đổi số cho các tập đoàn trong danh sách Fortune 500 và những tập đoàn hàng đầu thế giới.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam có những bước phát triển đáng khích lệ. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30% và doanh thu tăng 32%. Đặc biệt là tỷ trọng "make in Viet Nam" tăng 29% từ mức tăng 21%.
Trong đó, lĩnh vực sản xuất phần mềm cho thị trường quốc tế tăng 43%. Việt Nam hiện đang có hơn 1.500 doanh nghiệp công nghệ số với doanh thu trên 10 tỷ USD.
Xác định mục tiêu cao hơn, xa hơn
Kinh tế toàn cầu thời gian này đang tăng trưởng chậm, tuy nhiên chi tiêu cho công nghệ thông tin toàn cầu vẫn ổn định nhờ việc các doanh nghiệp đang hoàn thành giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số, tập trung ứng dụng công nghệ cao vào những yếu tố thúc đẩy kinh doanh như gia tăng nhu cầu, tăng cường trải nghiệm khách hàng. Ở giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng quản lý hệ thống ERP và hiệu quả hoạt động của nhân viên, cũng như cải thiện năng suất lao động.
Tổng hợp các báo cáo, có thể thấy chi tiêu cho công nghệ thông tin toàn cầu được dự báo đạt 5.100 tỷ USD năm 2024, tăng 8% so với năm 2023. Trong đó, chi tiêu cho dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm chiếm 51%, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, lần lượt tăng 11,6% và 14,1%. Đáng chú ý là các khoản đầu tư vào lĩnh vực AI, đây là những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu cho công nghệ thông tin.
Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu cho doanh thu công nghiệp ICT là 3.636.752 tỷ đồng (hơn 149,3 tỷ USD) và năm 2025 là 3.828.160 tỷ đồng (157,1 tỷ USD).
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết, FPT nuôi tham vọng lớn hơn và đạt được đẳng cấp cao trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin, hướng đến cột mốc 5 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ cho thị trường quốc tế vào năm 2030.
“FPT hướng tới ước mơ có 1 triệu nhân sự chuyển đổi số, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào những lĩnh vực công nghệ mũi nhọn là chip bán dẫn, AI, công nghệ ô tô… hướng tới đạt được những tỷ USD tiếp theo trong một ngành, một thị trường, một hợp đồng duy nhất”, Chủ tịch FPT chia sẻ.
Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang tích cực hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2035, một số mục tiêu cụ thể như: Đạt 100.000 doanh nghiệp công nghệ số trên toàn quốc, đạt tỷ lệ một doanh nghiệp công nghệ số trên 1.000 dân; năng lực cạnh tranh quốc tế, phát triển 15 doanh nghiệp công nghệ số với vai trò dẫn dắt, doanh thu trên 1 tỷ USD…
Mục tiêu trong năm nay hoàn thiện thể chế với việc xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số. Xây dựng, triển khai chiến lược phát triển ngành như chiến lược vi mạch bán dẫn, chiến lược công nghiệp công nghệ số và thúc đẩy phát triển hạ tầng phục vụ ngành. Thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt Đề án mở rộng khu Công viên phần mềm Đà Nẵng.
Từ nay đến hết năm 2025, phát triển 1 - 2 khu công nghệ thông tin tập trung tại những vùng kinh tế trọng điểm, tạo hạ tầng, trở thành động lực thúc đẩy công nghiệp công nghệ số. Tập trung quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ công nghệ số. Phát triển hệ thống đánh giá rủi ro sản phẩm và dịch vụ công nghệ số ứng dụng AI. Hướng tới làm chủ thiết bị 5G, phục vụ nhu cầu triển khai mạng lưới 5G trong nước.
Theo bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đang có mật độ doanh nghiệp công nghệ số rất dày. Các doanh nghiệp trong nước đều khao khát chinh phục thế giới bằng các sản phẩm, công nghệ của mình và mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành giao cho doanh nghiệp những nhiệm vụ to lớn để phát triển hơn nữa mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghệ sẽ là công cụ thể thực hiện hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng và đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ số toàn cầu./.
- Công nghệ số đã thay đổi ngành dầu khí như thế nào?
- Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra chinh phục thế giới