Giải thích từ ngữ "Bảo hiểm xã hội" được quy định tại Khoản 1 điều 3, Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ban hành ngày 20/11/2014 cụ thể như sau:

Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, hiện nay tại tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp nợ BHXH với thời gian nhiều năm, số tiền nợ BHXH đã lên tới hàng chục tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi người lao động.

Thực hiện chuyên đề này, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển đi sâu nghiên cứu, đối chiếu với các quy định, chính sách, pháp luật về Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đồng thời, nghiên cứu và khảo sát thực tiễn từ ý kiến phản ánh về việc nợ đọng BHXH của hàng trăm công nhân tại Công ty TNHH SYVINA nằm trên địa bàn xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Qua đó, thấy được thực trạng đáng báo động về quyền lợi người lao động khi doanh nghiệp nợ hơn 10 tỷ đồng tiền BHXH, với hàng trăm công nhân nhiều năm không được đóng BHXH.

Công ty TNHH SYVINA nằm trên địa bàn xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Khánh Nguyễn)

Được biết, Công ty TNHH SYVINA là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (Hàn Quốc), đã được Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 99411630293 ngày 29/3/2018 và Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp số 2500581003; ngành nghề sản xuất kinh doanh: sản xuất, gia công các sản phẩm giấy, hàng may mặc, găng tay da, mũ thể thao, túi xách, ví da... với vốn điều lệ là 122.485.044.618 đồng. Người đại diện theo pháp luật là ông JEON JEONGHOON, sinh ngày 07/5/1989, quốc tịch Hàn Quốc, chức danh Giám đốc.

Tổng số lao động hiện tại đang làm việc tại công ty là 220 lao động, trong đó có 217 lao động Việt Nam, 03 lao động người nước ngoài, đều có quốc tịch Hàn Quốc.

Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Đan Lê Thế Đắc trao đổi với phóng viên và nhận định sự việc đang được các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc giải quyết. (Ảnh: Khánh Nguyễn)

Để khách quan trong quá trình thực hiện chuyên đề, Phóng viên đã trao đổi với UBND xã Hoàng Hoa, là cơ quan chính quyền địa phương nắm bắt tình hình an ninh trật tự tại địa phương và được biết, khoảng 8 giờ 40 phút ngày 12/4/2023 có một nhóm công nhân (khoảng gần 70 người) tụ tập tại công ty TNHH Sy Vina có trụ sở đóng trên địa bàn thôn Bắc 2 xã Hoàng Đan để đòi phía công ty thực hiện giải quyết chế độ, quyền lợi liên quan đến BHXH, BHYT và tiền lương. Ngay sau khi nhận được tin báo, UBND xã Hoàng Đan đã lập tức chỉ đạo, triệu tập các thành phần liên quan có mặt tại Công ty TNHH SYVINA để phối hợp giải quyết vụ việc.

Theo như báo cáo của UBND xã Hoàng Đan, Công ty TNHH SYVINA hiện đang gặp khó khăn về đơn hàng nên công ty đã thông báo cho người lao động nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 31/3/2023 đến hết ngày 13/4/2023, tuy nhiên đến ngày 10/4/2023 công ty tiếp tục thông báo cho người lao động tiếp tục nghỉ việc không hưởng lương đến hết tháng 4/2023, khi nào có đơn hàng công ty sẽ thông báo cho người lao động đi làm trở lại.

Đến ngày 11/4/2023 toàn bộ người lao động của công ty TNHH Sy Vina đều nhận được tin nhắn của cơ quan BHXH huyện Tam Dương thông qua ứng dụng VSSID với nội dung thông báo bị gián đoạn thời gian tham gia đóng BHXH, BHTN, BHYT, BHTNLĐBNN trong khoảng thời gian từ tháng 02/2021 đến tháng 3/2023.

Đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc gần 70 lao động đến công ty để đòi quyền lợi, trong đó tập trung ở hai vấn đề chính là yêu cầu phía công ty thực hiện việc nộp tiền đóng các loại hình bảo hiểm đã khấu trừ vào lương hằng tháng của người lao động và trả 50% tiền lương tháng 2/2023 do công ty nợ lại người lao động.

Báo cáo của UBND xã Hoàng Đan (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) về sự việt tại Công ty TNHH SYVINA. (Ảnh: Khánh Nguyễn)

Tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, Đại diện Công ty TNHH SYVINA cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng hết sức khó khăn, tính đến nay doanh nghiệp đang nợ 50% tiền lương tháng 02/2023 của người lao động là 633.489.000 đồng, lương tháng 3 là 1.010.000.000 đồng và nợ BHXH với số tiền doanh nghiệp phải đóng là 9.740.595.000 đồng, trong đó chưa tính tiền lãi theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Tiền bảo hiểm của người lao động doanh nghiệp đã khấu trừ vào lương hằng tháng tuy nhiên doanh nghiệp không thực hiện đóng bảo hiểm cho người lao động mà lại sử dụng để trả lương và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước những việc làm chưa đúng của Công ty SYVINA, các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Doanh nghiệp phải có phương án cụ thể để giải quyết dứt điểm các chế độ liên quan đến bảo hiểm cho người lao động trong thời gian bị gián đoạn một cách sớm nhất, đảm bảo việc tham gia các loại hình bảo hiểm cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, yêu cầu Doanh nghiệp tuyệt đối không được sử dụng tiền khấu trừ bảo hiểm xã hội hàng tháng của người lao động vào mục đích khác.

Chấp hành nghiêm túc biện pháp khắc phục hậu quả tại Quyết định xử phạt đối với 04 hành vi vi phạm được nêu trong Quyết định xử phạt số 62/QĐ- XPVPHC ngày 13/01/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Để có thêm thông tin minh chứng cho chuyên đề, phóng viên đã liên hệ với ông Lê Đình Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh Vĩnh Phúc về việc nợ đọng BHXH của doanh nghiệp SYVINA tại xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương, ông Tuấn cho biết, hàng tháng BHXH Vĩnh Phúc đều có báo cáo sang UBND tỉnh Vĩnh Phúc về các doanh nghiệp nợ BHXH. Để cụ thể và minh bạch hơn về trách nhiệm quản lý và thu hồi nợ đọng của BHXH Vĩnh Phúc không để kéo dài thời gian nợ BHXH, gây ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động, phóng viên đã xin lịch hẹn vào sáng thứ 2, ngày 29/5/2023. Tuy nhiên, khi phóng viên đến trụ sở BHXH vào hồi 11h kém, thì ông Lê Đình Tuấn không có mặt ở phòng và có trao đổi lại là đi họp ở Hà Nội. Tuy nhiên, một nhân viên BHXH làm việc ở phòng đối diện cho biết ông Tuấn vừa đi ra ngoài.

Trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Phúc 8 đường Hai Bà Trưng, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (Ảnh: Khánh Nguyễn)

Với số tiền nợ đọng bảo hiểm lên tới hơn 9,7 tỷ đồng của hàng trăm công nhân lao động, (từ tháng 2/2021 - 4/2023), cùng số tiền phạt chậm nộp lên tới nhiều tỷ đồng, đang đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết dứt điểm vấn đề này, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Thực tiễn đặt ra: Với số tiền nợ BHXH lớn, kéo dài trong nhiều năm như vậy thì cơ quan BHXH Vĩnh Phúc đã có phương án thu hồi nợ ra sao? BHXH có lường trước được việc chậm đóng BHXH này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi người lao động hay không?

Tính đến hết tháng 2/2023, tỷ lệ nợ BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc chiếm 4,05% so với kế hoạch thu với 273 đơn vị nợ; trong đó, có 115 đơn vị kéo dài trên 12 tháng. (Số liệu đăng trên báo Vĩnh Phúc điện tử).

Trước thực trạng trên, Phóng viên đã khảo sát và lấy ý kiến một số nhóm công nhân làm việc tại Công ty SYVINA. Chị Nguyễn Thị N… cho biết, mình ký hợp đồng lao động với công ty từ tháng 3/2018 và làm đơn xin nghỉ tháng 10/2022, do công việc của công ty bập bõm không có việc. Đồng thời, về đóng BHXH của chị công ty chưa đóng cho mình từ tháng 7/2020 đến 10/2022. Đã nhiều lần chị liên hệ lên công ty để được chốt sổ bảo hiểm, tuy nhiên, phía hành chính công ty liên tục hẹn vì chưa có tiền đóng, cố tình kéo dài thời gian đóng bảo hiểm xã hội của chị. Đến nay, để tìm việc làm mới chị gặp khó trong việc tiếp tục đóng BHXH.

Nhiều công nhân lao động phản ánh sau nhiều năm làm việc, đến nay vẫn chưa được làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh: Khánh Nguyễn)

Có mặt tại Công ty TNHH SYVINA chiều ngày 28/5/2023, Phóng viên ghi nhận chỉ còn lại bảo vệ do Công ty thuê trông coi, toàn bộ công nhân đã nghỉ việc (bảo vệ công ty cho biết). Đồng thời, ngay cửa phòng bảo vệ Công ty SYVINA đã dán thông báo gửi toàn bộ cán bộ công nhân viên công ty TNHH SYVINA về việc khó khăn của công ty khi không có đơn hàng mới, và có nhu cầu xin nghỉ việc hoặc muốn báo giảm bảo hiểm tại công ty để tham gia bảo hiểm ở công ty khác thì viết đơn để công ty giải quyết.

Tuy nhiên, theo nhiều công nhân cho biết, công ty đã tự ý cho rất nhiều công nhân nghỉ việc không hưởng lương từ nhiều tháng trước do không có đơn hàng.

Căn cứ theo Điều 99 Bộ luật Lao động 2019 quy định về tiền lương ngừng việc như sau:

"Điều 99. Tiền lương ngừng việc

Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu."

Trên cơ sở những ý kiến kiến nghị được thu thập, chuyên đề đưa ra một số thông tin cụ thể về tình hình nợ đọng bảo hiểm của doanh nghiệp SYVINA và những mong muốn chính đáng của người lao động về quyền lợi BHXH gửi đến các cơ quan chức năng UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Lao động - Tương binh và Xã hội Vĩnh Phúc, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Tam Dương để có những giải pháp căn cơ, xử lý vụ việc, đảm bảo quyền lợi cho hàng trăm lao động đang bị nợ đọng bảo hiểm xã hội. Để sự việc không dẫn đến người lao động bất mãn, tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.