ISSN-2815-5823

Doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xanh trong nông nghiệp

(KDPT) - Hiện doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng các công nghệ xanh trong nông nghiệp, từ hệ thống tưới nhỏ giọt, công nghệ nhà kính đến sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất.

Nền nông nghiệp mang lại giá trị cao cho kinh tế Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp thông qua cơ chế thị trường” do Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Hội Trí thức và chuyên gia Việt Úc (VASEA) đã tổ chức ngày 17/9, tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Nền nông nghiệp hiện đóng góp khoảng 12% GDP của Việt Nam, cung cấp sinh kế cho khoảng 30% lực lượng lao động.

Tuy nhiên, ngành này cũng đang đối mặt với các thách thức lớn như biến đổi khí hậu, với dự báo khu vực đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa lớn nhất cả nước - sẽ mất từ 500.000 đến 1 triệu ha đất nông nghiệp vào năm 2050 do nước biển dâng, gây thiệt hại hàng năm lên tới 3% GDP. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và ít phát thải hơn.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với hậu quả của biến đổi khí hậu.
Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với hậu quả của biến đổi khí hậu.

Đổi mới sáng tạo xanh là yếu tố cốt lõi giúp chúng ta ứng phó với các thách thức nêu trên. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng các công nghệ xanh trong nông nghiệp, từ hệ thống tưới nhỏ giọt, công nghệ nhà kính thông minh đến việc sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất. Các mô hình này đã giúp giảm lượng phát thải CO2, tiết kiệm nước tới 50%, và tăng năng suất cây trồng từ 20% đến 30%. Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu giảm 9% phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với kịch bản cơ sở, đồng thời cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Để đạt được điều này, đổi mới sáng tạo xanh trong nông nghiệp đóng vai trò then chốt.

Doanh nghiệp nỗ lực ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Từ xu hướng phát triển công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp đã ngày một đổi mới tư duy, đẩy mạnh phát triển những mô hình sản xuất nông nghiệp với các công nghệ tiên tiến, chất lượng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tại Hải Phòng, trang trại hoa lan của Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Châu Giang (xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên) được đầu tư hệ thống nhà vòm, máy lạnh, quạt hút, hệ thống tưới theo tiêu chuẩn Israel. Trên diện tích 6 ha, trang trại luôn đảm bảo nền nhiệt độ ban ngày từ 23-28 độ, ban đêm 16-18 độ. Hệ thống máy lạnh làm mát về mùa hè và máy sưới ấm về mùa Đông.

Mạnh tay đầu tư công nghệ cao đã giúp cho trang trại nâng cao chất lượng sản phẩm hoa lan được khách hàng tin tưởng, đánh giá cao. Hiện trang trại cung cấp cả lan giống và hoa lan thương phẩm. Sản phẩm hoa lan của Công ty đã có mặt ở các thị trường từ miền Bắc tới miền Trung.

Theo anh Trịnh Anh Tuấn - Phụ trách kỹ thuật, lan hồ điệp hiện nay nhu cầu thị trường còn rất lớn, Việt Nam mới cung cấp được cho thị trường từ 20-30%, còn lại toàn bộ vẫn phải nhập từ Trung Quốc, Đài Loan về. Chính vì vậy, việc phát triển loại cây này, nếu chú trọng đến việc trồng hoa 4.0, được hỗ trợ của Chính phủ, của các sở, ngành sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người nông dân. Hiện sản phẩm hoa lan của trang trại chủ yếu bán sỉ và không đủ cung cấp cho thị trường.

Còn tại Hà Nội, hiện nay có 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 262 mô hình lĩnh vực trồng trọt, 119 mô hình lĩnh vực chăn nuôi, 25 mô hình lĩnh vực thủy sản; tập trung ở các huyện: Hoài Đức, Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… Thành phố có 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.

Nhìn chung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Hà Nội quy mô chưa lớn nhưng đã tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, mang lại thu nhập cao và đang khẳng định được vai trò trong thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Theo bà Nguyễn Thị Thành Thực, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bagico, việc ứng dụng công nghệ thông tin là yếu tố nền tảng để phát triển chuỗi giá trị hàng hóa. Công nghệ không chỉ giúp giảm chi phí và nâng cao năng suất, chất lượng hàng hoá mà còn kết nối nhanh chóng và trực quan hơn giữa nông dân, hợp tác xã, đồng thời thu hẹp khoảng cách trong quy trình sản xuất.

Dẫn chứng về ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển chuỗi giá trị sầu riêng, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho hay, công ty đã đẩy mạnh nghiên cứu và hỗ trợ người dân, trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất sầu riêng. Công ty đã cung cấp phần mềm kế toán, truy xuất nguồn gốc, trang web, mạng xã hội để quảng bá và khẳng định chất lượng sầu riêng, đồng thời kết nối khách hàng. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ hợp tác xã trong quản lý tài sản và sử dụng nhật ký điện tử, giúp việc liên kết chuỗi trở nên dễ dàng hơn, chỉ cần qua một chiếc điện thoại thông minh.

“Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất và liên kết chuỗi là điều kiện tiên quyết để nâng cao giá trị ngành hàng sầu riêng nói riêng và các ngành hàng nông sản khác tại Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Thành Thực nhấn mạnh.

Việc tăng cường nông nghiệp xanh không chỉ là một xu thế toàn cầu, mà còn là một ưu tiên trong chính sách phát triển nông nghiệp của Việt Nam, nhằm đưa nền nông nghiệp nước nhà phát triển bền vững trên nền tảng công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Phát triển nông nghiệp xanh, hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, do vậy một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc thiết lập các chương trình hỗ trợ tài chính, bao gồm các khoản vay ưu đãi, quỹ đầu tư và các gói tài trợ dành riêng cho doanh nghiệp, nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp là cần thiết hiện nay. Điều này giúp nông dân tiếp cận được nguồn vốn cần thiết để đầu tư vào các thiết bị và công nghệ mới. Chính phủ cũng nên đầu tư vào việc đào tạo và nâng cao năng lực cho nông dân thông qua các chương trình giáo dục, hội thảo và các khóa học chuyên sâu về công nghệ cao trong nông nghiệp./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024