ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ bảy, 15h24 14/09/2024

Doanh nghiệp trong xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay

(KDPT) - Các doanh nghiệp hiện đã tăng cường đầu tư vào phát triển kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng điện sinh khối.

Mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn vẫn còn chậm

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại diễn đàn Phát triển kinh tế tuần hoàn “Xu hướng thế giới và định hướng chính sách tại Việt Nam diễn ra mới đây cho biết, sau hơn hai năm thực hiện, nhiều nhiệm vụ tại Quyết định số 687 /QĐ-TTg ngày 07/6/2022 về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, chúng ta đã được triển khai và mang lại những kết quả tích cực, nhiều mô hình kinh doanh tuần hoàn được triển khai có hiệu quả, qua đó góp phần thúc đẩy hiện thực hóa và phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Các doanh nghiệp đã tăng cường đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng điện gió, năng lượng điện sinh khối.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Nhiều mô hình tận dụng phế phẩm, phụ phẩm trong sản xuất được áp dụng; nhiều ngành đã thực hiện tái chế phế liệu, rác thải sinh hoạt và công nghiệp (như tái chế giấy vụn, đồ nhựa, sắt, thép...).

Dù vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng thừa nhận thực tiễn cho thấy một số nhiệm vụ triển khai còn chậm. Các chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn còn chưa hoàn thiện, thống nhất và đồng bộ ở cả cấp Trung ương và địa phương dẫn đến khó khăn cho việc thực thi. Bên cạnh đó, nguồn lực cho phát triển kinh tế tuần hoàn còn thiếu, việc tiếp cận các nguồn lực còn hạn chế.

Tuy vậy, theo bà Michaela Baur, Giám đốc Quốc gia GIZ tại Việt Nam đánh giá cao Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm sản xuất xanh, tái chế, sửa chữa và thiết kế lại các sản phẩm và dịch vụ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cần nỗ lực đẩy mạnh các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn

Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện một cách quyết liệt như sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ban hành các quy định, tiêu chuẩn phát triển kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu thế mới trong khu vực và trên thế giới. Sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, công cụ chính sách... nhằm hạn chế việc sử dụng quá mức tài nguyên, hạn chế rác thải trong quá trình sản xuất. 

Doanh nghiệp trong xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn hiện nay - ảnh 2

Thứ hai, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa các nền tảng về thể chế để mọi nguồn lực có thể được huy động, phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả trong các khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn.

Thứ ba, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia vào các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế, các chuỗi giá trị toàn cầu, biến các dòng chảy đó thành lực đẩy cho các cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ khả năng vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ cao, thiết lập cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút nhân tài.

Thứ năm, truyền thông để người dân thay đổi tư duy tiêu dung theo hướng sử dụng các sản phẩm hàng hóa than thiện với môi trường. Nâng cao ý thức về phân loại rác thải tại nguồn nhằm giảm chi phí sử dụng và tái chế rác.

Thứ sáu, tiếp tục thay đổi mạnh mẽ cơ chế thực thi, khuyến khích các sáng kiến, các phong trào thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn phát triển.

Đồng thời nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, năng lực cạnh tranh, nâng cấp chất lượng môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế để mọi thành phần kinh tế đều được trao cơ hội. Qua đó phát huy tối đa năng lực doanh nghiệp trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả. 

Doanh nghiệp chính là những lá cờ tiên phong

Những năm gần đây, tại một số doanh nghiệp, quá trình chuyển đổi sản xuất theo hướng tuần hoàn không còn là lý thuyết, mà đã được áp dụng thực tế và cho kết quả cụ thể, với quy mô đầu tư ngày càng gia tăng.

Ví dụ như Công ty cổ phần lâm sản và khoáng sản Tuyên Quang chuyên sản xuất gạch Tuynel công nghệ cao đã theo đuổi mô hình kinh tế xanh từ những ngày đầu thành lập. Để thay thế những gạch nung từ đất sét, đất ruộng, đốt từ than tự nhiên ảnh hưởng đến môi trường thì  nhà máy đã tìm kiếm các loại phế liệu khác như đất bóc thải của các mỏ khai thác khoáng sản, các chất thải rắn như gạch vỡ, bê tông phá dỡ… và sản xuất với công nghệ tuần hoàn. Thành phẩm có giá thành cạnh tranh, lại đáp ứng mọi tiêu chuẩn về chất lượng.

Hay như Công ty Tái chế Duy Tân (Duy Tân Plastic Recycling - DTR) đã ghi được dấu ấn bằng việc tạo ra “vòng đời mới” cho các sản phẩm nhựa. các sản phẩm nhựa tái chế của DTR đã đạt tiêu chuẩn để có thể sử dụng trong ngành thực phẩm với 15 tiêu chuẩn quốc tế khắt khe như ISO, FDA, HACCP... 

Một điển hình nữa của doanh nghiệp phát triển theo hướng tuần hoàn là Công ty TNHH SX-TM-DV Qui Phúc - doanh nghiệp này chuyên về nội thất inox và nhựa cũng đã có nhiều sáng tạo trong quy trình sản xuất để tận dụng tối đa những nguyên vật liệu dư thừa, phể phẩm trong quá trình sản xuất.như khi sản xuất chiếc bàn tròn, tấm inox sẽ dư ra các tấm tam giác ở 4 góc. Thay vì bỏ những góc này đi hoặc bán phế liệu, Công ty TNHH SX-TM-DV Qui Phúc đã nghiên cứu cách tận dụng phần này để sản xuất ra những sản phẩm mới như kệ góc trong phòng tắm, họa tiết trang trí trên các sản phẩm kệ… và được thị trường đón nhận. Đối với sản phẩm nhựa, Qui Phúc cũng có quy trình sản xuất để các chất thải trong quá trình sản xuất không bị đưa trực tiếp ra ngoài môi trường.

Có thể thấy, Việt Nam có nhiều thuận lợi để chuyển đổi sang mạng lưới kinh tế tuần hoàn như: Sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; khoa học và công nghệ đang góp phần hình thành những mô hình kinh doanh mới, sáng tạo và hiệu quả theo hướng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và chi phí.

Kinh tế tuần hoàn là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế tuần hoàn không phải trong một thời gian ngắn là có thể làm được, đây là một quá trình lâu dài, cần sự cố gắng, nỗ lực, sự đồng lòng của toàn dân trong các lĩnh vực khác nhau, không chỉ riêng lĩnh vực môi trường.

Mỗi người dân, mỗi cơ sở sản xuất, tổ chức và doanh nghiệp cần phải ý thức được tầm quan trọng của môi trường đối với cuộc sống của mình, thực hiện tốt việc phát triển kinh tế tuần hoàn./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine