Doanh nghiệp Việt bứt phá công nghệ để hướng đến chuyển đổi xanh
Doanh nghiệp xanh và bài toán nhân lực
Một trong những bài toán quan trọng với doanh nghiệp xanh là quản lý hiệu quả nguồn nhân lực và bảo đảm an toàn lao động, nhất là tại nhà máy, công trường, nơi vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro, vừa đòi hỏi tiến độ cao và độ chính xác lớn.
Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực công nghiệp, chuyển đổi số đang mở ra triển vọng rõ nét cho nông nghiệp-ngành chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Startup Hachi đã phát triển mô hình canh tác thủy canh tích hợp IoT và AI, cho phép đo đạc các chỉ số như độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ… từ đó tự động điều chỉnh lượng nước và dinh dưỡng phù hợp.
Mô hình này giúp tiết kiệm tới 70% lượng nước, tăng năng suất từ 3-5 lần so với phương pháp truyền thống, phù hợp với đô thị có diện tích hạn chế. “Không cần diện tích đất lớn hay nhân lực dồi dào, mô hình này đang thích hợp với nông nghiệp thông minh ở cả miền núi và đồng bằng”, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Giám đốc vận hành Công ty cổ phần Công nghệ cao Hachi, chia sẻ. Thông qua ứng dụng tự động hóa, Hachi đã đưa các công nghệ nông nghiệp tiên tiến từ Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc vào Việt Nam.
Theo ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong bối cảnh khí hậu biến đổi nhanh, đất đai suy thoái, áp lực giảm phát thải tăng cao, Việt Nam đang định hình một nền nông nghiệp xanh, thông minh và bền vững. Tuy quá trình này đòi hỏi chi phí lớn, nhưng lợi ích dài hạn sẽ vượt trội. Ngược lại, nếu chậm bước, doanh nghiệp không chỉ tụt lại mà còn mất cơ hội cạnh tranh.
Chỉ khoảng 7% doanh nghiệp tập trung chuyển đổi xanh
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhưng chỉ khoảng 5-7% tập trung vào chuyển đổi xanh. Dù còn khiêm tốn, đây chính là những “mầm xanh” định hình tương lai phát triển bền vững. Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư vừa diễn ra tại Hà Nội cũng khẳng định, trong kỷ nguyên phát triển bền vững, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà đã trở thành điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp Việt Nam tồn tại và vươn ra thế giới.
Trên hành trình chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là nhóm nhỏ và vừa, vẫn đối mặt nhiều rào cản: thiếu vốn, thiếu ưu đãi, thiếu tiêu chuẩn ESG rõ ràng. Nhiều chuyên gia cho rằng, dù đã có các sáng kiến thúc đẩy tín dụng xanh, nhưng để quá trình chuyển đổi thật sự bứt tốc, cần sớm ban hành danh mục dự án xanh và tiêu chuẩn cụ thể. Đây sẽ là cơ sở để doanh nghiệp và ngân hàng tiếp cận vốn một cách minh bạch, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tín dụng xanh cần có lãi suất và điều kiện ưu đãi hơn so với vay truyền thống, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án bền vững. Muốn chuyển đổi xanh hiệu quả, không chỉ cần hành lang pháp lý rõ ràng, mà còn phải đặt mục tiêu cụ thể cho từng ngành nghề, gắn với chính sách dài hạn hướng đến phát triển bền vững.
“Bên cạnh việc doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực, tích hợp công nghệ số, phát triển sản phẩm xanh, Nhà nước cần hoàn thiện chính sách đóng vai trò “bà đỡ” - từ tín dụng xanh, ưu đãi thuế, tiêu chuẩn ESG bắt buộc đến hỗ trợ đào tạo nhân lực và khuyến khích đổi mới sáng tạo”, Phó Cục trưởng Khởi nghiệp và Doanh nghiệp công nghệ Phạm Đức Nghiệm nhấn mạnh.
Ông Nghiệm cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng vào một giải thưởng quốc gia về tăng trưởng xanh, nhằm vinh danh các doanh nghiệp không chỉ tiên phong trong quản lý chất thải, tiết kiệm năng lượng, phát triển sản phẩm thân thiện môi trường, mà còn có sức lan tỏa, truyền cảm hứng cho cộng đồng hướng tới phát triển bền vững. Yếu tố then chốt khác là nâng cao nhận thức xã hội, từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng. Khi thị trường ngày càng ưa chuộng sản phẩm xanh, chính người tiêu dùng sẽ trở thành lực đẩy cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào sản xuất bền vững./.
- Huy động tài chính xanh cho chuyển đổi xanh ở Việt Nam
- Khơi thông nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi xanh