ISSN-2815-5823
PGS.TS ĐẶNG VĂN THANH
Thứ bảy, 06h06 18/11/2023

Doanh nghiệp Việt Nam với công cuộc chuyển đổi số: Thực trạng và giải pháp

(KDPT) - Để đạt được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế -xã hội đến năm 2030, 2045 Việt Nam trở thành nước công nghiệp, công nghiệp hiện đại, Đảng đã nêu ra định hướng và giải pháp phát triển đất nước cho giai đoạn 2021-2030. Trong đó, về kinh tế có chủ trương và giải pháp: Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, năng suất, chất lượng và hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế trên cơ sở nâng cao năng suất lao động xã hội, năng suất tổng hợp, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây là một chủ trương một phương hướng đúng đắn và sáng tạo của Đảng trong giai đoạn từ nay đến giữa thế kỷ XI, để đạt cho được mục tiêu đưa đất nước trở thành nước phát triển, nước công nghiệp hiện đại.
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp chiếm ưu thế trong việc tạo dựng mối tương tác mật thiết, nhanh chóng với khách hàng. Ảnh: Lệ Thủy
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp chiếm ưu thế trong việc tạo dựng mối tương tác mật thiết, nhanh chóng với khách hàng. Ảnh: Lệ Thủy

Doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đã khởi phát và đang diễn ra trên toàn thế giới, tác động mạnh đến toàn bộ các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, các lĩnh vực đời sống, thay đổi thói quen của con người. Những thành tựu khoa học - kỹ thuật, kỹ thuật số được sử dụng để tăng cường năng lực quản trị kinh doanh. Nền kinh tế số đã hình thành. Sự xuất hiện của Interrnet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), Bigdata, Blokchain... sẽ đòi hỏi và tạo cơ hội để các doanh nghiệp thay đổi phương thức kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tạo ra nhiều giá trị mới với chi phí ít hơn. Trước tác động của CMCN 4.0 doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và không ít những thách thức. Chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế - chính trị - xã hội. Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Đây là một trong những nội dung quan trọng, mang yếu tố then chốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Trong xu hướng chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ mới diễn ra hết sức nhanh chóng trên thế giới như hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Cuộc cạnh tranh gay gắt trong nền kinh tế đã chỉ ra, những doanh nghiệp thành công là doanh nghiệp cung cấp cho thị trường, cho người tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ rẻ hơn, chất lượng đảm bảo hơn với hệ thống chăm sóc khách hàng tốt hơn nhờ áp dụng các phương thức sản xuất, phương thức kinh doanh và hệ thống quản trị, quản lý tiên tiến, hiện đại. Đồng thời các doanh nghiệp cần nỗ lực đổi mới, cải tiến không ngừng dựa trên đầu tư có hiệu quả về nguồn nhân lực và công nghệ mới.

Chuyển đổi số là thay đổi phương thức làm việc, sản xuất thông qua sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động của mỗi đơn vị, doanh nghiệp nhằm thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và đem đến những hiệu quả cao hơn, những giá trị mới hơn. Chuyển đổi số còn là sự thay đổi về văn hóa của đơn vị, doanh nghiệp, đòi hỏi sự liên tục cập nhật cái mới, hiện đại và phải chấp nhận cả thất bại bên cạnh những thành công do đổi mới đem lại. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp có thể hiểu là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, như: IoT, Big data, Blockchain, điện toán đám mây,… nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp. Mục đích mà các doanh nghiệp chuyển đổi số thường hướng tới bao gồm: Tăng tốc độ thị trường, tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và đẩy mạnh thực thi chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm định hướng sự phát triển kinh tế - xã hội số. Trên cơ sở đó, xây dựng các chiến lược chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng doanh nghiệp,… góp phần thúc đẩy công nghiệp hóa và tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó Nhà nước - doanh nghiệp - trường đại học, viện nghiên cứu giữ vai trò nòng cốt.

Chuyển đổi số là thay đổi phương thức làm việc, sản xuất thông qua sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động của mỗi đơn vị, doanh nghiệp nhằm thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và đem đến những hiệu quả cao hơn, những giá trị mới hơn.

Những lợi ích của chuyển đổi số đối với đoanh nghiệp

Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, lựa chọn các công nghệ phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mình. Ảnh: TTXVN
Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, lựa chọn các công nghệ phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mình. Ảnh: TTXVN

Một là, giúp kết nối, thu ngắn khoảng cách của các bộ phận trong doanh nghiệp.

Khi ứng dụng chuyển đổi số, sự liên kết thông tin giữa các bộ phận trong doanh nghiệp được kết nối trên nền tảng một hệ thống công nghệ đồng nhất, giúp cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết ngay khi xảy ra và sự vận hành không bị tắc nghẽn, gây tác động xấu đến hoạt động của doanh nghiệp, như: phục vụ khách hàng bị chậm trễ, lượng hàng bán được giảm sút. Ứng dụng chuyển đổi số sẽ phá bỏ bức rào ngăn cách giữa các bộ phận trong doanh nghiệp nhờ nền tảng kết nối số hóa đa chiều, đa chức năng giữa các bộ phận. Qua đó, doanh nghiệp sẽ cải thiện hoạt động, công việc diễn ra trôi chảy, trơn tru,.… Đối với thông tin quản lý, thông tin kế toán, tài chính, người điều hành chủ động và dễ truyền tải, dễ truy xuất, nắm được tình hình, diễn biến hoạt động của doanh nghiệp nhanh hơn, kịp thời hơn. Điều đó tạo điều kiện cho hệ thống kiểm soát nội bộ hoạt động hiệu lực và quản lý doanh nghiệp hiệu quả, minh bạch.

Hai là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả các quyết định kinh doanh.

Chuyển đổi số giúp chủ doanh nghiệp, các nhà quản lý (CEO) hoàn toàn chủ động trong điêu hành, nắm bắt và đánh giá hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể khai thác được tối đa năng lực làm việc của nhân viên. Bởi, những công việc có giá trị gia tăng thấp, hệ thống có thể tự động thực hiện mà doanh nghiệp không tốn chi phí, đồng thời cũng giúp nhân viên có thêm thời gian để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện các công việc quan trọng khác. Chuyển đổi số cũng giúp người quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên qua số liệu báo cáo kịp thời. Nền tảng số hóa giúp doanh nghiệp điều hành các hoạt động kinh doanh và quản lý kinh doanh hiệu quả, chính xác và chất lượng, nâng cao chất lượng, độ tin cậy của các quyết định kinh doanh.

Ba là, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh.

Với các nền tảng ứng dụng công nghệ số, doanh nghiệp có thể sản xuất sản phẩm, dịch vụ với năng suất cao hơn, hiệu quả hơn, tạo lập hệ thống cảnh báo về rủi ro trong kinh doanh, có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu. Ứng dụng chuyển đổi số cho phép doanh nghiệp tối ưu năng suất lao động giúp người lao động tạo ra giá trị cao hơn.

Bốn là, gia tăng chất lượng sản phẩm.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, hạn chế lỗi, hạn chế sản phẩm hư hỏng, chất lượng kém.

Năm là, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp chiếm ưu thế trong việc tạo dựng mối tương tác mật thiết, nhanh chóng với khách hàng, nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng thị trường, thúc đẩy tiến trình mua bán hàng hóa và tăng doanh thu. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được tăng cường nhờ việc tối ưu hóa quản trị chi phí, lợi nhuận, tương tác với khách hàng, chính sách chăm sóc và phục vụ khách hàng.

Sáu là, đổi mới mô hình kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp.

Chuyển đổi số là cơ hội đổi mới phương thức tạo ra giá trị cho khách hàng, phát triển sản phẩm, dịch vụ và tiện ích mới khách hàng, vòng đời của sản phẩm mang tính tổng thể và toàn diện hơn. Những rủi ro trong hoạt động kinh doanh, hoạt động quản lý sẽ được hạn chế, từ đó doanh nghiệp tăng cường quản lý và tối ưu hóa doanh thu hiệu quả nhất.

Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ vào doanh nghiệp góp phần cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, tránh các sai sót do nhập liệu, qua đó tập trung nguồn lực cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Đồng thời đáp ứng đầy đủ hơn, chính xác hơn nhu cầu của khách hàng, giúp doanh nghiệp dễ dàng tham gia vào chuỗi giá trị. Đó cũng là yêu cầu nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp ở một mức độ cao hơn.

Chuyển đổi số đã trở thành một thực tế bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia để có thể phát triển. Nhiều doanh nghiệp đã và đang thực hiện chuyển đổi số và coi trọng giá trị của của dữ liệu doanh nghiệp. Có sự khác biệt rõ ràng giữa thực tế chuyển đổi số cũng như sự kỳ vọng về hiệu quả của chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp có quy mô lớn so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.

Thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp

Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ vào doanh nghiệp góp phần cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, tránh các sai sót. Ảnh: istockphoto
Việc ứng dụng các giải pháp công nghệ vào doanh nghiệp góp phần cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí, tránh các sai sót. Ảnh: istockphoto

Chuyển đổi số đã trở thành một thực tế bắt buộc các doanh nghiệp phải tham gia để có thể phát triển. Nhiều doanh nghiệp đã và đang thực hiện chuyển đổi số và coi trọng giá trị của của dữ liệu doanh nghiệp. Có sự khác biệt rõ ràng giữa thực tế chuyển đổi số cũng như sự kỳ vọng về hiệu quả của chuyển đổi số giữa các doanh nghiệp có quy mô lớn so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Cho đến nay, quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt Nam diễn ra với tốc độ chậm so với nhu cầu kinh doanh thực tiễn. Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đối mặt với một số rào cản và không ít thách thức, như thiếu kỹ năng số và thiếu nhân lực, trở ngại từ công nghệ, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp...

Có nhiều nguyên nhân của thực trạng trên, trong đó có nguyên nhân về nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, về sự gắn kết giữa lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh; về mức độ dầu tư, về phát triển nguồn nhân lực ....

Doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về bản chất của chuyển đổi số, về các xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng năng lực để tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng, thay đổi quy trình, thay đổi cách thức quản trị, điều hành để đáp ứng được với xu thế công nghệ.

Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ số

Hoạt động chuyển đổi số trên thực tế đã diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh.
Hoạt động chuyển đổi số trên thực tế đã diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh.

Để quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp thực hiện một cách nhanh, hiệu quả và bền vững, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Trước hết, cần nâng cao nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp về chuyển đổi số. Các nhà quản lý cần hiểu biết đầy đủ về chuyển đổi số, kinh tế số, cần thấy hết lợi ích của ứng dụng công nghệ số... để có những quyết định, quyết sách cho doanh nghiệp phù hợp với năng lực và khả năng tài chính của doanh nghiệp. Chuyển đổi số (digital transformation) là quá trình sử dụng dữ liệu và các công nghệ số để thay đổi phương thức phát triển, thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống và cách làm việc của con người và tổ chức. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như Big Data, IoT, ICloud... thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của doanh nghiệp được nâng cao. Chuyển đổi số không chỉ thiên về công nghệ mà phải bắt đầu từ mô hình kinh doanh và tư duy lãnh đạo. Công nghệ số cần đi cùng với các nhà quản lý, các nhà quản trị doanh nghiệp và chiến lược kinh doanh.

Cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về bản chất của chuyển đổi số, về các xu thế công nghệ đến ngành, lĩnh vực, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng năng lực để tiếp cận công nghệ, hệ thống hạ tầng, thay đổi quy trình, thay đổi cách thức quản trị, điều hành để đáp ứng được với xu thế công nghệ.

Thứ hai, các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, lựa chọn các công nghệ phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mình, từ đó lựa chọn đối tác cung cấp các giải pháp, các công nghệ để thực hiện số hóa cho doanh nghiệp mình. Đối với các doanh nghiệp thuộc ngành có ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc nền kinh tế, sự nhận thức về tính cấp thiết của chuyển đổi số là tất yếu. Cần phải có hướng đi rất cụ thể và chiến lược dài hạn. Các nhà quản lý cần có hiểu biết đầy đủ hơn về quản trị doanh nghiệp trong CMCN 4.0. Cần nâng cao nâng cao năng lực quản trị kinh doanh trên các lĩnh vực bao gồm: Quản trị chiến lược, tài chính, nhân lực, sản xuất và marketing, tài nguyên (trong đó có tài nguyên số). Phương thức quản trị doanh nghiệp phải đổi mới hoạt động với sự vận hành thật đơn giản nhưng hiện đại, hiệu quả. Nhà quản trị phải luôn khuyến khích đổi mới, đột phá, khuyến khích sự xung kích, dấn thân cho những thay đổi trong tương lai.

Thứ ba, các doanh nghiệp phải chủ động đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị, công nghệ phù hợp với tốc độ phát triển hạ tầng công nghệ thông tin quốc gia, tốc độ phát triển của internet, các ứng dụng của các công nghệ mới do cuộc cách mạng CN 4.0 mang lại. Cần đầu tư cho công nghệ thông tin một cách bài bản. Cân nhắc thận trọng và lường tính rủi ro là cần thiết nhưng không nên quá chậm chạp.

Cần nâng cao trình độ áp dụng công nghệ: Công nghệ mới đi kèm với những đòi hỏi về kỹ năng, kiến thức phải được cập nhật mới để thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của CMCN 4.0. Cần tạo ra sự liên kết về công nghệ về các phần mềm hỗ trợ quản trị.

Thứ tư, các doanh nghiệp cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực, thu nhận và đào tạo nhân lực chất lượng cao có hiểu biết sâu về quản trị kinh doanh, về công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số, quản trị mạng... phục vụ cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Chắc chắn rằng các doanh nghiệp Việt Nam với bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm sẽ thành công trong quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trụ vững, phát triển, tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024