ISSN-2815-5823
Đỗ Linh
Thứ tư, 10h10 16/04/2025

GSMA đối phó trực diện nguy cơ lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng

(KDPT) - Ngày 15/4/2025, tại Hà Nội, các bên liên quan đã tập trung tại Hội nghị thượng đỉnh số của Hiệp hội Di động Toàn cầu (GSMA), nhằm thúc đẩy tăng trưởng số an toàn, toàn diện và đối phó trực diện với nguy cơ lừa đảo gia tăng khi Việt Nam tăng tốc quá trình chuyển đổi và trở thành nền kinh tế số.

Hạ tầng viễn thông có vai trò trung tâm

Việt Nam đang có sự tăng trưởng vượt bậc trong các dịch vụ di động và có thể sớm trở thành một quốc gia số hàng đầu ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia của Việt Nam đặt mục tiêu đưa đất nước vào top 30 quốc gia số hàng đầu thế giới vào năm 2030, với các mục tiêu táo bạo như phủ sóng 5G và cáp quang trên toàn quốc, phát triển hơn 100.000 doanh nghiệp công nghệ số với lực lượng lao động 1,5 triệu người có kỹ năng về công nghệ số.

Ông Nguyễn Đạt - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel.
Ông Nguyễn Đạt - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel.

Việt Nam cũng là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về việc triển khai IPv6, với hơn 55% người dùng kết nối qua giao thức mới này - một dấu hiệu cho thấy sự sẵn sàng của hạ tầng kỹ thuật số vững chắc. Các công nghệ mới nổi như AI, 5G và Open Gateway đang định hình lại các ngành công nghiệp, cải thiện các dịch vụ công và thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn.

Theo ông Nguyễn Đạt - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel, hạ tầng viễn thông có vai trò trung tâm trong chiến lược số quốc gia. Việt Nam đã phổ cập 4G tới 98% dân số, nhưng để phát triển kinh tế số một cách mạnh mẽ và hỗ trợ doanh nghiệp, 5G là yếu tố không thể thiếu. Viettel đã triển khai hơn 6.000 vị trí 5G và đang ghi nhận kết quả tích cực từ doanh thu thuê bao – cho thấy tín hiệu khả quan trong việc thương mại hóa công nghệ này.

GSMA đối phó trực diện nguy cơ lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng - ảnh 2

Viettel, một trong những nhà mạng hàng đầu tại Việt Nam, đã tích cực thúc đẩy phát triển các ứng dụng 5G. Từ sản xuất thông minh và nông nghiệp chính xác đến nâng cao dịch vụ công, những ứng dụng thực tiễn của 5G đang dần mang lại những lợi ích rõ rệt về mặt xã hội và kinh tế. Điều này phản ánh sự vươn lên nhanh chóng của Việt Nam với vai trò là một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về 5G, đồng thời khẳng định cam kết của đất nước trong việc thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo.

Xây dựng niềm tin, chống “nền kinh tế lừa đảo”

Hội nghị được xây dựng dựa trên những phân tích từ các báo cáo Nền kinh tế di động Châu Á - Thái Bình Dương và các quốc gia số của GSMA, cũng như những phát hiện gần đây từ báo cáo Hướng tới một quốc gia số toàn diện: Giải quyết nền kinh tế lừa đảo và duy trì niềm tin trong hệ sinh thái số, nhấn mạnh những mối lo ngại ngày càng gia tăng trong khu vực. Tại Việt Nam 74% người tiêu dùng hiện sử dụng ví điện tử, nhưng 89% lo sợ bị xâm nhập tài khoản, và 95% quan ngại về việc dữ liệu cá nhân bị lạm dụng trên môi trường trực tuyến.

Ông Julian Gorman - Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của GSMA nhận định: "Việt Nam đang đứng trước thời khắc quyết định trong hành trình số hóa. Một mặt, tỷ lệ sử dụng di động cao và thị trường ví điện tử phát triển mạnh mẽ đang mở ra những cơ hội to lớn cho tăng trưởng kinh tế và tài chính toàn diện. Mặt khác, lừa đảo gia tăng và đe dọa liên quan đến danh tính đang làm lung lay niềm tin của người dùng. Hội nghị này quy tụ các nhà lãnh đạo trong ngành và chính phủ để đưa ra những hành động thiết thực - từ quy định sáng suốt hơn đến các giải pháp chống gian lận sáng tạo - nhằm đảm bảo tương lai số của Việt Nam duy trì được sự an toàn, toàn diện và dựa trên sự tin cậy”.

Ông Julian Gorman - Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của GSMA phát biểu tại hội thảo.
Ông Julian Gorman - Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của GSMA phát biểu tại hội thảo.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những biện pháp thực tiễn để chống gian lận kỹ thuật số, bao gồm xác minh giao dịch theo thời gian thực, xác thực đa yếu tố, giải pháp Silent OTP và tăng cường hợp tác giữa các nhà mạng, ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính.

Các phiên thảo luận cũng đề cập đến nguy cơ gian lận đánh tráo SIM - một vấn đề mà 78% người tiêu dùng Việt Nam lo ngại, cao hơn nhiều mức trung bình của khu vực cũng như cách tích hợp hiệu quả các công cụ bảo mật dựa trên API, như những công cụ được triể khai trong sáng kiến GSMA Open Gateway, vào các lĩnh vực khác nhau.

Một phiên thảo luận chuyên sâu tập trung vào thách thức rộng lớn hơn mang tên "nền kinh tế lừa đảo", nhấn mạnh rằng nếu không được kiểm soát, gian lận có thể cản trở việc ứng dụng các dịch vụ số và làm suy yếu nền tảng của hệ sinh thái số. Các diễn giả nhấn mạnh sự cần thiết của việc phối hợp các hành động trong việc bảo vệ người tiêu dùng, từ việc tăng cường giám sát gian lận đến các chiến dịch giáo dục cộng đồng.

GSMA đối phó trực diện nguy cơ lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng - ảnh 4

Xuyên suốt Hội nghị, các cuộc thảo luận đều xoay quanh một chủ đề cốt lõi: Niềm tin. Dù là trong việc thúc đẩy ví điện tử, bảo vệ dữ liệu hay cung cấp dịch vụ công, thành công của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam phụ thuộc vào việc duy trì sự tin tưởng của người tiêu dùng. Các bên liên quan kêu gọi sự hợp tác liên ngành để xây dựng một môi trường số an toàn và thân thiện với người dùng, dựa trên tính minh bạch và khả năng chống chịu trước các mối đe dọa.

Hướng tới mục tiêu này, GSMA cũng công bố việc đổi tên Diễn đàn Fintech APAC thành Diễn đàn Fintech ASEAN, nhằm tập trung hơn vào hợp tác khu vực trong việc chống lại các vụ lừa đảo và gian lận trong khu vực ASEAN, cũng như ngăn chặn tình trạng xuất khẩu các hình thức lừa đảo và gian lận từ khu vực ra bên ngoài.

Đại diện cho hơn 750 nhà mạng và 400 công ty công nghệ, GSMA là một tổ chức toàn cầu thống nhất hệ sinh thái di động nhằm khám phá, phát triển và mang đến những đổi mới mang tính nền tảng cho môi trường kinh doanh tích cực và sự thay đổi xã hội.

Tầm nhìn của GSMA là khai thác tối đa sức mạnh của kết nối để con người, ngành công nghiệp và xã hội cùng phát triển. GSMA mang lại lợi ích cho các thành viên thông qua ba trụ cột chính: Kết nối vì lợi ích cộng đồng, Dịch vụ và giải pháp ngành và Tiếp cận.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/04/2025