ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 11h44 31/10/2024

Doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực cà phê: Đối mặt với nhiều rủi ro

(KDPT) - Lĩnh vực cà phê đang giảm về sản lượng, nhưng giá trị xuất khẩu lại lập kỷ lục - thị trường cà phê Việt Nam do đó đang bị đẩy vào thế khó.

Lĩnh vực cà phê chưa có nhiều khởi sắc

Ngành cà phê Việt Nam là trụ cột quan trọng của thị trường cà phê toàn cầu và có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia.

Việt Nam hiện là nước sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, với khoảng 97% sản lượng là cà phê Robusta. Phần còn lại bao gồm cà phê Arabica và các giống đặc sản khác.

Hoạt động giao dịch cà phê tại Việt Nam hiện chưa có nhiều khởi sắc, khi các thương nhân đang chờ đợi nguồn cung mới từ vụ mùa tới. Tại vùng Tây Nguyên - trung tâm sản xuất cà phê của cả nước, giá cà phê hiện vẫn giữ ổn định ở mức 113.300-113.800 đồng/kg, không thay đổi nhiều so với tuần trước.

Doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực cà phê: Đối mặt với nhiều rủi ro - ảnh 1

Tuy nhiên, điều này cũng phản ánh sự chờ đợi của thị trường khi phần lớn sản lượng cà phê mới sẽ đến trong những tháng tới. Đáng chú ý, mặc dù nông dân đã bắt đầu thu hoạch một số loại cà phê Arabica, sản lượng vẫn rất nhỏ và chưa đủ để phục vụ thị trường quốc tế.

Trong khi đó, giá cà phê Robusta trên thị trường quốc tế giảm nhẹ trong các phiên giao dịch gần đây. Theo báo cáo của Reuters, sản lượng cà phê niên vụ 2024/2025 của Việt Nam có thể giảm từ 5% đến 10% so với niên vụ trước. Điều này đã và đang khiến giá cà phê đầu niên vụ 2024/2025 duy trì ở mức cao, với giá cà phê tại khu vực Tây Nguyên luôn trên 110 nghìn đồng/kg, gần gấp đôi so với niên vụ trước.

Hạn hán là yếu tố chính ảnh hưởng đến chất lượng cà phê

Theo TS. Devmali Perera, Giảng viên Tài chính đến từ Đại học RMIT, ngành cà phê Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức và thay đổi đáng kể trong bối cảnh thị trường nhiều biến động và áp lực môi trường tăng cao.

“Thị trường cà phê Việt Nam phải đối mặt với 2 thách thức chính trong năm nay: Sản lượng giảm và giá tăng. Giá tăng do nhu cầu cả trong và ngoài nước đều tăng cao, đặc biệt là tại các nước Đông Nam Á. Mặt khác, điều kiện thời tiết bất lợi và gián đoạn chuỗi cung ứng góp phần khiến sản lượng giảm”, bà Perera nói.

TS. Majo George, Giảng viên cấp cao ngành Quản trị chuỗi cung ứng và logistics Đại học RMIT cho rằng, áp lực từ khí hậu đặc biệt gay gắt ở Tây Nguyên, nơi hạn hán nghiêm trọng thiêu rụi nhiều đồn điền cà phê và khiến cho tình trạng khan hiếm nước tưới trở nên trầm trọng hơn.

Mặc dù sản lượng giảm, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam lại ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng. Trong niên vụ 2023/2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,46 triệu tấn cà phê, giảm 12,1% về lượng so với niên vụ trước. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu đạt tới 5,43 tỷ USD, tăng 33,1%, vượt qua mốc 5 tỷ USD lần đầu tiên trong lịch sử. Đây là kết quả của việc giá xuất khẩu cà phê bình quân tăng mạnh, lên mức 3.673 USD/tấn, cao hơn gần 50% so với niên vụ 2022/2023 .

Dù giá xuất khẩu cà phê đang ở mức cao, Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những yếu tố chính là sự suy giảm sản lượng cà phê do biến đổi khí hậu. Thời tiết khô hạn trong tháng 5 và tháng 6 - thời điểm phát triển nhanh chóng của quả cà phê - đã làm giảm kích thước hạt cà phê, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng của niên vụ 2024/2025. Bên cạnh đó, việc nhiều nông dân tại Tây Nguyên chuyển sang trồng các loại cây ăn trái có giá trị cao hơn như sầu riêng và bơ cũng làm giảm diện tích trồng cà phê.

Doanh nghiệp cần có hành động gì?

Để có những bước đi khả quan hơn trong hành trình phát triển thị trường cà phê, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường nhằm đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.

Ngoài ra, việc chuyển đổi mô hình sản xuất cà phê sang hướng hữu cơ và thân thiện với môi trường sẽ giúp các doanh nghiệp gia tăng giá trị sản phẩm, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn xanh mà các thị trường lớn như EU đang áp dụng.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), để có thể đảm bảo phát triển bền vững, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào việc nâng cao chất lượng cà phê, đặc biệt là các giống cà phê có giá trị cao như Arabica. 

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và việc tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế cũng là yếu tố quan trọng giúp ngành cà phê Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ xuất khẩu cà phê thế giới.

Dù có hơn 700 nghìn ha đất cà phê nhưng Việt Nam đang chật vật tìm đất phù hợp để nâng cao sản lượng, do lo ngại nạn phá rừng và áp lực đáp ứng các mục tiêu liên quan đến khí hậu. Vì vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực cà phê cần đẩy mạnh đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; nắm bắt cơ hội để tổ chức sản xuất - kinh doanh hiệu quả; tiên phong thực hiện đổi mới mô hình quản trị, kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; tuân thủ pháp luật; quan tâm đến người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường...



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 31/10/2024