Doanh nghiệp chuyển đổi logistics xanh cho hoạt động sản xuất công nghiệp
Chuyển đổi logistics xanh mang đến giải pháp cho doanh nghiệp
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp xanh chủ đề: “Giải pháp logistics bền vững trong chuyển đổi công nghiệp mới đây, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc ITPC cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc phòng chống và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm hiệu ứng nhà kính ngày càng trở nên quan trọng và trở thành trách nhiệm chung của toàn cầu. Hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0", Chính phủ Việt Nam đã chính thức cam kết tại Hội nghị COP26, từ đó, định hình xu hướng phát triển kinh tế xanh như một mục tiêu tất yếu trong quá trình phát triển của mọi doanh nghiệp và của toàn bộ quốc gia, bao gồm Việt Nam.
TP.HCM đã ban hành Kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030 hướng tới thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, từ đó, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững.
Với kế hoạch này, nhiệm vụ chính bao gồm: tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối xanh, năng lượng xanh, nước sạch và tuần hoàn nước, tuần hoàn vật liệu, tiêu dùng xanh, giao thông xanh, tòa nhà xanh và tiết kiệm năng lượng, khởi nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo xanh, mảng xanh đô thị và nông nghiệp xanh và hệ sinh thái Cần Giờ xanh. Đây đều là những nhiệm vụ cấp thiết giúp thúc đẩy nền kinh tế của thành phố theo hướng bền vững và giảm thiểu các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu.
Bà Phương Nguyễn, CEO một Công ty Cổ phần chuyên tư vấn và phát triển dự án năng lượng mặt trời cho rằng, logistics xanh hiện là thiết yếu; năng lượng sạch và chuyển đổi năng lượng để giảm phát thải carbon trong logistics là con đường cần hướng tới; năng lượng mặt trời và BESS là những giải pháp sẵn sàng cung cấp năng lượng sạch cho xu hướng bùng nổ các phương tiện điện và trạm sạc; hiệu quả năng lượng trên toàn chuỗi cung ứng là cần thiết…
“Việc áp dụng năng lượng sạch và hiệu quả năng lượng có thể giúp các ngành thương mại và công nghiệp tiết kiệm ít nhất 35% năng lượng sử dụng và chi phí, giảm lượng khí thải và bù cacbon”, bà Phương Nguyễn nhận định.
Bên cạnh đó, logistics xanh cũng giúp các doanh nghiệp logistics đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn. Hoạt động logistics xanh sẽ giúp gây dựng hình ảnh thân thiện của doanh nghiệp và có tác động tích cực đến sự hài lòng, gia tăng mức độ thỏa mãn yêu cầu của khách hàng và tác động tới quyết định hành vi mua sắm của khách hàng.
Ngoài ra, logistics xanh góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đạt lợi ích kinh tế từ các chính sách, quy định hỗ trợ của Chính phủ. Điều này cho thấy, logistics xanh đóng góp cho sự tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp. Từ góc độ chi phí, nó giúp giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, tối ưu hóa toàn bộ các hoạt động, giúp giảm tổng chi phí logistics của doanh nghiệp.
Hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động logistics xanh
Để phát triển logistics xanh, theo ông Cao Minh Nghĩa - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, nhà nước cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin, hạn chế việc sử dụng văn bản in ấn thông thường, tiết kiệm thời gian xử lý thông tin; đồng thời, xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm xanh hóa hoạt động logistics, tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức.
Cùng với đó, hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ cho hoạt động logistics xanh, đặc biệt là các quy định về kiểm soát ô nhiễm không khí, điều chỉnh phát thải khí thải, hạn chế lượng khí CO2 từ các phương tiện vận tải; ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển logistics xanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; xây dựng bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logixtics xanh hay chỉ số năng lực phát triển logistics xanh.
Từ phía doanh nghiệp, sớm xây dựng, điều chỉnh hoàn thiện chiến lược phát triển logistics xanh. Kiểm soát logistics xanh ngay tại kho, cải tiến chất lượng phương tiện vận tải, triển khai công nghệ, thông tin tiên tiến. Tận dụng các ưu đãi của nhà nước; đồng thời, tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics.
Bà Catherine Trần, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Leong Lee International, mục tiêu của Việt Nam là giảm khí thải nhà kính xuống 43,5% vào năm 2030; năm 2040 sẽ ngưng hoạt động các nhà máy nhiệt điện và đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050. Để đạt được các mục tiêu trên, cần tích hợp giải pháp bền vững cho cả hoạt động sản xuất và logistics. Bởi khí thải carbon của một doanh nghiệp nhiều khi phát sinh chủ yếu từ các hoạt động bên ngoài công ty, thông qua nhà cung cấp và giao nguyên vật liệu , máy móc, sản phẩm và dịch vị liên quan đến sản phẩm của họ.
Theo đó, doanh nghiệp cần tính toán CO2 và đo lường khí thải, phương án cân bằng cho toàn chuỗi từ nhà máy, khu công nghiệp đến cảng… Một trong những giải pháp phổ biến hiện nay là chuyển đổi nguồn cung năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ, phương tiện dùng nhiên liệu xanh.
Theo thống kê, tham gia thị trường logistics ở Việt Nam hiện nay có khoảng trên 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải và kho bãi, trong đó có những tên tuổi rất lớn của thế giới như DHL, CJ logistics và Maersk Lines… Doanh nghiệp Việt Nam cũng có những doanh nghiệp rất mạnh như Transimex, Sotran, Tân Cảng Sài Gòn là những doanh nghiệp có đủ khả năng cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, một trong những ưu thế của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư và phát triển kinh tế là việc tham gia nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA. Các hiệp định này đặt ra yêu cầu cao về quy trình sản xuất với tiêu chí năng lượng xanh và nguyên liệu sạch, tạo ra cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong việc đổi mới quy trình sản xuất và đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế về bền vững./.
- Viettel Post: Top công ty uy tín ngành logistics
- Logistics xanh - Lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp