ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ ba, 13h55 17/09/2024

Mô hình Logistics đa phương thức: Gia tăng lợi thế cho chuỗi cung ứng hàng hóa

(KDPT) - Mô hình logistics đa phương thức bao gồm tích hợp tất cả các dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng trên đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển.

Mô hình trung tâm logistics đa phương thức tạo nên bước ngoặt mới

Trong hoạt động vận tải quốc tế, có rất nhiều phương thức vận tải khác nhau, trong đó có 1 phương thức vận tải đặc biệt, kết hợp giữa nhiều phương thức vận tải gọi là vận tải đa phương thức.

Vận tải đa phương thức là hình thức vận tải hàng hóa kết hợp nhiều phương thức vận tải khác nhau như: vận tải đường hàng không, vận tải đường biển, vận tải đường bộ, vận tải đường sắt… Việc phối hợp các phương thức vận tải cần được thực hiện một cách khoa học và hợp lý sao cho tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo ra sự yên tâm tối đa đối với chủ hàng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ưu điểm của vận tải đa phương thức có thể kể đến như giảm chi phí logistics, khuyến khích thương mại quốc tế, mở rộng mạng lưới vận tải, tăng khả năng cạnh tranh về giá thành, chất lượng, tiếp cận nhanh hơn với thị trường (đặc biệt là thị trường quốc tế),...

Nhận thấy những giá trị lợi ích mà mô hình đa phương thức mang lại, SuperPort™ Việt Nam - liên doanh giữa Tập đoàn YCH (Singapore) và Tập đoàn T&T (Việt Nam) mới đây đã công bố Chiến lược Tầm nhìn mới tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh mục tiêu phát triển Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc - Vietnam SuperPort™ theo mô hình trung tâm logistics đa phương thức, tích hợp trung tâm phân phối và cảng cạn ICD, thông quan hàng hóa, có khả năng vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt, hàng không và đường biển.

Kết nối chuỗi cung ứng xuyên suốt Đông Nam Á và Trung Quốc

Theo TS. Yap Kwong Weng, Tổng Giám đốc SuperPort™Việt Nam cho biết, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc - Vietnam SuperPort™ được định vị là trung tâm logistics đa phương thức chiến lược, kết nối mạng lưới vận tải hàng hóa Trung Quốc - Đông Nam Á với các thị trường toàn cầu thông qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển. 

Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc - Vietnam SuperPort™.
Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc - Vietnam SuperPort™.

Nằm trên hành lang kinh tế phía Bắc, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc - Vietnam SuperPort™ kết nối 20 khu công nghiệp với các cảng biển và sân bay lớn, bao gồm Hải Phòng, Nội Bài, kéo dài đến các tỉnh Vân Nam và Côn Minh của Trung Quốc.

Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc được khởi công vào cuối năm 2021 có diện tích 83 ha; tổng vốn đầu tư 166 triệu USD, được ghi nhận là “siêu cảng” đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN, có chức năng tích hợp của trung tâm phân phối và cảng cạn (ICD) phục vụ cho hoạt động cung cấp các dịch vụ logistics.

"Dự án đi vào hoạt động kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, cảng cạn thông quan hàng hóa nội địa, góp phần giảm chi phí, thời gian thông quan, vận chuyển, góp phần giảm chi phí đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận", ông Trần Duy Đông nhấn mạnh.

SuperPort Việt Nam được định vị là trung tâm hậu cần đa phương thức chiến lược, kết nối mạng lưới vận tải hàng hóa Trung Quốc - Đông Nam Á với các thị trường toàn cầu thông qua đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển. Là một nút quan trọng trong mạng lưới logistics thông minh ASEAN, SuperPort Việt Nam được xây dựng nhằm tăng cường hội nhập và thương mại xuyên biên giới trong khu vực, thúc đẩy chuỗi cung ứng liền mạch, nhanh hơn và thông minh hơn.

Mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2040

Bên cạnh đó, với Tầm nhìn phát triển mới vừa được công bố, SuperPort™Việt Nam đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2040. 

"Hưởng ứng cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, SuperPort Việt Nam đã đưa các giải pháp phát triển bền vững tiên tiến vào các hoạt động cốt lõi của mình. Chúng tôi cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040, củng cố vị thế dẫn đầu của Việt Nam trong phát triển bền vững", Tiến sĩ Yap Kwong Weng cho biết.

SuperPort Việt Nam đã vạch ra kế hoạch đạt mức phát thải ròng bằng 0. Kế hoạch này bao gồm việc đánh giá lượng phát thải hiện tại; nâng cấp cơ sở hạ tầng bằng các công nghệ như AI và IoT; lắp đặt các hệ thống năng lượng tái tạo và chuyển đổi sang sử dụng xe điện cho vận chuyển hàng hóa vào năm 2030. Lượng phát thải còn lại sẽ được bù đắp thông qua việc mua tín chỉ năng lượng tái tạo và tín chỉ carbon./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/10/2024