Doanh nghiệp Việt Nam đã chủ
Doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa

Đội ngũ lớn mạnh

Ở nước ta, cộng đồng doanh nghiệp đang ở vào giai đoạn phát triển khá nhanh chóng cũng như được cải thiện dần về chất lượng. Kết quả đó dựa trên 2 trụ đỡ lớn nhất gồm sự tiến bộ tự thân của mỗi đơn vị sản xuất kinh doanh bên cạnh sự hỗ trợ, đồng hành của Nhà nước, xã hội… Trong thời kỳ đổi mới, trước đòi hỏi về một sự tiến bộ mạnh mẽ cũng như để hội nhập một cách sâu rộng và hiệu quả vào đời sống kinh tế quốc tế thì lớp doanh nhân mới của Việt Nam ngày càng tỏ ra năng động, dấn thân hơn và xứng đáng với vai trò, vị trí của những “người lính thời bình”. Họ được xã hội ghi nhận, ủng hộ. Đặc biệt, hơn 2 năm qua, khi đất nước vật lộn với đại dịch Covid cũng thấy sự hiện diện, tham gia hoạt động từ thiện của không ít doanh nhân-mà theo xác nhận của VCCI thì đã có người đóng góp tới hàng trăm tỷ đồng để chung tay hỗ trợ cộng đồng, đồng bào bị dịch. Từ đó, ta có thể ‘vẽ” chân dung doanh nhân thời đại mới là các cá nhân mong muốn làm giầu cho bản thân, đóng góp vào xã hội bằng trí tuệ, bản lĩnh cũng như tấm lòng của mình. Đã có một số doanh nhân chia sẻ rằng nếu chỉ nghĩ cho riêng mình, kiếm tiền cho gia đình mình thì không khó, nhưng nuôi dưỡng khát vọng, làm doanh nghiệp để đóng góp vào cuộc sống mới là mục đích cao hơn, sâu sắc hơn và họ tự nguyện mang “cái nghiệp” ấy vào mình.

Đến nay, Việt Nam đã có hơn 800 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động và con số này sẽ tiếp tục gia tăng qua thời gian. Đặc biệt, bức tranh doanh nghiệp hiện đang trên đà phục hồi rõ nét, cho thấy sự bứt phá, phát triển của đội ngũ này trong bối cảnh hậu Covid-19 mặc dù chưa hẳn bứt khỏi tình trạng khó khăn. Theo Cục quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong giai đoạn 9 tháng đầu năm từ trước đến nay với 163.300 doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần mức bình quân doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2021.

Đặc biệt, với quan điểm đối xử công bằng, tạo điều kiện cho tất cả doanh nghiệp thuộc thành phần khác nhau nên doanh nghiệp dân doanh Việt Nam đã có bước củng cố, tăng trưởng rất tích cực trong những năm qua. Hiện khu vực này đã chiếm hơn 40% GDP, tạo việc làm và thu nhập cho 85% lực lượng lao động, trực tiếp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Đặc biệt, doanh nghiệp cũng ngày càng chủ động tham gia xuất khẩu, giúp Việt Nam mở rộng thị trường cũng như khuyếch trương hình ảnh, thương hiệu quốc gia. Những đóng góp của các doanh nghiệp nói chung ngày càng to lớn và đầy dấu ấn cũng như được đánh giá cao bởi gặt hái được trong bối cảnh bất lợi. Đơn cử, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022. Đó là minh chứng, thể hiện kết quả và sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp. Các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế–xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.

Chính các doanh nghiệp đã đưa nền kinh tế Việt Nam lọt vào tốp 40 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu. Qua thời gian, một số doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu và tiềm lực mang tầm vóc khu vực, được đối tác, dư luận công nhận với sự đóng góp đáng kể trên nhiều lĩnh vực.

Đó là các tập đoàn kinh tế nhà nước như Viettel, VNPT, PETROVIETNAM…bên cạnh những cái tiên nổi bật của khu vực tư nhân như Sungroup, VinGroup, Tân Á Đại Thành…

cộng đồng doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp, chung sức với đất nước, nhân dân trong lúc khó khăn
Dù ở thời điểm nào, cộng đồng doanh nghiệp cũng có nhiều đóng góp, chung sức với đất nước, nhân dân trong lúc khó khăn.

Đóng góp to lớn

Suốt chặng đường phát triển và đồng hành cùng đất nước, kể từ khi cách máng tháng 8 thành công đến nay, doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam luôn lấy tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam dẫn đường, cùng sự chỉ đạo sang suốt của Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp - doanh nhân đã đạt được những thành tích lớn và là lực lượng chủ lực đóng góp nguồn lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đặc biệt, sau hơn 2 năm đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID -19, chúng ta càng thấy rõ hơn những đóng góp tích cực của giới doanh nghiệp, doanh nhân.

Thời điểm đất nước phải chống chọi với đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, tốc độ lấy lan nhanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đơi sống nhân dân cả nước buộc Nhà nước phải áp dụng nhiều biện pháp chống dịch chưa có tiền lệ. Tuy phải đối mặt với những khó khăn được ví “ngàn cân treo sợi tóc”, song điều đáng trân trọng là các doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ chủ động có những giải pháp linh hoạt thích ứng, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh mà còn có nhiều hoạt động hỗ trợ nhân dân, cộng đồng thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp đối với đất nước.

Có thể kể tới như, Tập đoàn Bưu chính viễn thông quân đội, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Bưu chính viễn thông, … Khối các ngân hàng lớn cũng có những đóng góp đáng kể, mỗi ngân hàng đóng góp đến cả ngàn tỷ đồng. Trong số doanh nhân tham gia các hoạt động tài trợ, phòng chống dịch tại Việt Nam thì người được nhắc đến đầu tiên đó là tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup. Trong hai liên tiếp, vị tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã quyên góp hơn 320 triệu USD (tương đương 7.360 tỷ đồng) để hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Hay như tỷ phú Trần Bá Dương - THACO đã trao tặng hơn 1.000 tỷ đồng chung tay phòng chống COVID-19. Ngay từ khi bùng phát dịch COVID-19, THACO đã xây dựng chương trình “Chung tay phòng chống dịch” và liên tục hỗ trợ hoạt động phòng chống dịch trên cả nước. Công ty đã tích cực hỗ trợ các máy thở ECMO cho các bệnh viện tuyến đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh, các vật tư y tế cho các tỉnh thành có dịch bệnh bùng phát mạnh như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, cùng các tỉnh thành khác trên cả nước.

Và còn rất nhiều các doanh nhân, doanh nghiêp khác đã chung tay, góp sức cùng đất nước vượt qua gian khó để đến hôm nay chúng ta đã bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển với những thành tựu được cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế ghi nhận.

Từ những minh chứng nêu trên có thể thấy rằng, ở bất cứ giai đoạn nào, doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam đều có những đóng góp to lớn giúp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và tạo nên vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới. Đúng như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Tin rằng, đội ngữ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam với truyền thống Tâm - Tài - Trí - Tín sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng doanh nghiệp ngày càng phát triển đóng góp tích cực, hiệu quả vì một Việt Nam hùng cường - thịnh vượng, vì hạnh phúc ấm no của nhân dân.

Tiếp tục “gạn đục, khơi trong”

Song, cũng cần nhìn nhận doanh nghiệp Việt vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại cần nhận diện khắc phục. Đó là, tình trạng quy mô nhỏ và siêu nhỏ, thiếu vốn cho hoạt động, mở rộng sản xuất hoặc đầu tư để thay đổi công nghệ. Đến nay 98% doanh nghiệp là quy mô nhỏ và vừa-trở thành yếu tố riêng cũng như thể hiện đặc điểm “đội thuyền nan” tuy “nhiều nhưng nhỏ” của nền kinh tế. Tiếp theo, trình độ quản lý, khả năng tiếp thị-xây dựng thương hiệu và kiến thức pháp luật cũng còn hạn chế bên cạnh công nghệ lạc hậu, chậm đổi mới vẫn là những rào cản rất đáng lo ngai. Những điểm yếu đó đang kìm nén, cản bước doanh nghiệp Việt trên đường “vươn ra biển lớn”.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Tiến Lộc, đến nay Việt Nam vẫn thiếu nhiều doanh nghiệp tầm vóc đầu đàn, có đủ sức làm điểm tựa để lan tỏa, nâng đỡ những đơn vị nhỏ hơn đi theo, phát triển và mang tầm ảnh hưởng lớn ở khu vực cũng như phạm vi thế giới.

Đáng mừng là Chính phủ, các cơ quan chức năng luôn đồng hành, ngày càng quan tâm sâu sát, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp ra đời và phát triển thông qua nhiều giải pháp, hành động phong phú, kịp thời và thực chất. Nhận xét về vấn đề này, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, ngày càng nhiều doanh nghiệp ghi nhận sự chuyển biến rõ nét về cải cách, đơn giản hóa hành chính và doanh nghiệp được thụ hưởng một cách thiết thực. Các ứng dụng tin học cùng tác phong làm việc mẫn cán, cầu thị của đại bộ phận công, viên chức đã mang lại hình ảnh đáng tin cậy, thu được sự đồng cảm của các doanh nhân, doanh nghiệp. Thêm vào đó là những trợ giúp về đào tạo, chuyển gia công nghệ; nhất là hỗ trợ về thuế và lãi suất đang từng bước phát huy hiệu quả thực tế, tiếp sức đắc lực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh ở các đơn vị.

Đứng trước hoàn cảnh và yêu cầu phát triển mạnh hơn, cả về số lượng và chất lượng thì doanh nghiệp Việt đang nỗ lực, tự thân vươn lên nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển, tồn tại trên thương trường và cũng để đóng góp nhiều hơn vào đời sống kinh tế-xã hội đất nước. Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam đang trưởng thành nhannh chóng, thu về nhiều thành công đáng ghi nhận, mang theo cả dấu ấn, bản lĩnh của người Việt. Nhưng trong tình hình mới, với sự thay đổi nhanh chóng, tác động từ cuộc hội nhập quốc tế gắn liền với sự đồng hành cùng dân tộc thì cộng đồng doanh nghiệp cũng đang tiếp tục chuyển mình, hướng tới những giá trị đích thực, bồi đắp tư duy, kiến thức và xây dựng cung cách làm ăn văn minh, lối ứng xử nhân văn mang dấu ấn của thời đại mới. Yêu cầu và mục đích đó giải thích vì sao VCCI vừa công bố thông tin, hình ảnh biểu trưng để trao cho những doanh nhân xuất sắc nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), thể hiện 6 tiêu chuẩn cốt lõi về đạo đức, trí tuệ và yêu cầu đối với người doanh nhân Việt Nam. Đó là: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.