ISSN-2815-5823

Độc đáo lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam

(KDPT) – An Giang vốn là vùng đất có nhiều văn hóa tâm linh, tín ngưỡng tôn giáo lâu đời, nổi tiếng linh thiêng, huyền bí. Đến An Giang, không ai là không biết đến lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam, diễn ra vào tháng 4 âm lịch hằng năm. Đây được xem là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng không chỉ ở miền Tây Nam Bộ, mà còn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến nơi này.

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra vào tháng 4 âm lịch hằng năm, thu hút đông đảo du khách đến thắp hương.

Vùng Châu Đốc (An Giang) được coi là “cái nôi” văn hóa tâm linh của miền Tây Nam Bộ, có tiếng thiêng liêng và huyền bí. Thiêng liêng vì thế phong thuỷ tiền tam giang, hậu thất sơn, huyền bí vì cả đồng bằng sông Cửu Long chỉ Châu Đốc là nơi phát tích nhiều tôn giáo bản địa nhất. Thế phong thuỷ của vung đất này cũng khá lạ khi giữa đồng bằng mọc lên những ngọn núi như dãy Hoàng Liên Sơn thu nhỏ – vùng thất sơn hùng vĩ nơi biên giới An Giang. Nhưng càng lạ hơn mỗi ngọn núi đều là di tích, trong đó, núi Sam được mệnh danh là núi cả.

Nguy nga một khu di tích cấp Quốc gia

Nằm tọa lạc ngay dưới chân núi Sam (Châu Đốc), miếu Bà Chúa Xứ được biết đến với tiếng linh thiêng “cầu gì được nấy”, cùng kiến trúc đẹp, độc đáo, bắt mắt đã làm mến mộ lòng du khách. Di tích này hàng năm thu hút hơn 3 triệu lượt khách đến hành hương, tham quan, tạo nên một mùa lễ hội sôi nổi, kéo dài suốt nhiều tháng.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là một công trình kiến trúc chữ “Quốc”, hình khối tháp hoa sen nở, mái tam cấp 3 tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao như mũi thuyền lướt sóng. Tường ốp gạch men, các khung cửa bằng gỗ quý được chạm trổ hoa văn công phu, tinh tế.

Phía trên cao, các tượng thần khỏe mạnh, đẹp đẽ dang tay đỡ những đầu kèo. Các khung bao, cánh cửa đều được chạm trổ, khắc tinh xảo cùng nhiều liễn đối, hoành phi lộng lẫy. Đặc biệt, bức tượng phía sau tượng Bà, bốn cây cột cổ lầu trước chánh điện gần như còn giữ nguyên như cũ.

Bên trong miếu thiết kế và trang trí mang đậm nét nghệ thuật Ấn Độ. Các cánh cửa miếu được chạm trổ, điêu khắc tinh xảo. Đặc biệt, nhiều liễn đối và hoành phi được dát vàng son rực rỡ.

Phía bên trong miếu được thiết kế và trang trí mang đậm nét nghệ thuật Ấn Độ.

Năm 2001, lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Từ đó, ngoài phần lễ truyền thống, phần hội được tổ chức sôi nổi với các chương trình sân khấu hóa, tuần lễ văn hóa – thể thao, trò chơi dân gian, trình diễn văn nghệ dân tộc, múa lân – sư – rồng… phục vụ nhân dân và du khách. Ngày 19/12/2014, lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống.

Năm 2018, Khu du lịch núi Sam với cảnh quan thiên nhiên độc đáo cùng quần thể di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, gồm: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang gắn với Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Khu du lịch quốc gia với định hướng phát triển trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa tâm linh của vùng ĐBSCL và cả nước.

Bí ẩn pho tượng Bà Chúa Xứ núi Sam

Về nguồn gốc tượng Bà Chúa Xứ có nhiều truyền thuyết khác nhau. Theo Ban quản trị lăng miếu núi Sam kể rằng, cách đây hơn 200 năm, núi Sam còn hoang vu, dân làng lên núi phát hiện pho tượng cổ ngồi trên bệ đá sa thạch. Dù nhiều lần với bao nhiêu tráng đinh lực điền được huy động, ra sức khiêng tượng xuống núi nhưng không thể di chuyển được. Các bô lão trong làng làm lễ cầu khấn thì có một bé gái đang chơi đùa đùa bỗng dừng lại, ngồi xuống, mặt đỏ bừng, đầu lắc lư mách bảo: “Hãy chọn 9 cô gái đồng trinh để đưa bà xuống núi”.

Lạ thay, 9 cô gái khiêng tượng bà đi một cách nhẹ nhàng. Xuống đến chân núi, tượng bỗng nặng trịch, không nhấc lên nổi. Dân làng hiểu rằng bà muốn ngự nơi đây nên đã lập miếu thờ tại chân núi. Từ đó người dân gọi là miếu Bà Chúa Xứ, và thường đến cầu Bà Chúa phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tránh được giặc cướp, thoát khỏi dịch bệnh.

Còn theo nhà khảo cổ học người Pháp Malleret nghiên cứu vào năm 1941 cho biết, tượng Bà Chúa Xứ núi Sam thuộc loại tượng thần Vishnu (nam thần), tạc dáng người nghĩ ngợi, quý phái, chất lượng bằng đá son, có giá trị nghệ thuật cao. Bức tượng được tạc vào cuối thế kỷ 6 và rất có thể đây một trong số hiện vật cổ còn sót lại của nền văn hóa Óc Eo xưa. Vào năm 2009, tượng Bà được ghi vào sách Kỷ lục An Giang là bức tượng bằng đá sa thạch xưa nhất Việt Nam và có áo phụng cúng nhiều nhất.

Với những truyền thuyết xa xưa lồng ghép với hiện đại về núi Sam thời mở cõi, tượng Bà càng hấp dẫn du khách, cùng với đó là niềm tin, tiếng đồn sự linh thiêng, ứng nghiệm, cầu được ước thấy khiến miếu Bà ngày căng thu hút nhiều du khách về thăm.

Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam kéo dài từ ngày 24 đến ngày 27, được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: lễ phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ tắm Bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và hai vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc.

Trong đó, ngày 22/4 sẽ diễn ra lễ phục hiện rước tượng Bà từ bệ đá sa thạch năm xưa trên đỉnh núi Sam về miếu Bà, đến đêm 23 rạng sáng 24/4 sẽ cử hành lễ tắm bà.

Lễ Túc yết và lễ Xây chầu là hai lễ chính sẽ được cử hành vào đêm 25 và rạng sáng 26/4 với nghi thức cúng tế cầu cho mưa thuận gió hòa, đất đai phì nhiêu, mùa màng bội thu, dân chúng khỏe mạnh, yên vui. Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam kết thúc vào ngày 27/4 sau khi cử hành lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc.

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam vang danh khắp vùng không chỉ bởi sự tâm linh mà còn bởi ý nghĩa lịch sử to lớn. Từ những di tích vật thể đến những giai thoại được truyền miệng bao đời, đều gắn với các sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc.

MỸ HUYỀN

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024