ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 09h18 03/07/2020

Đơn giản hóa quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh

Cover image
(KDPT) – Sáng nay (3/7), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm “Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh” nhằm cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Tọa đàm có sự tham gia của bà Nguyễn Chi Lan – Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự – kinh tế; ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật; bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực kinh doanh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

Với quyết tâm kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, ngày 12/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.

Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đang tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế – xã hội quá trình rà soát, đơn giản hóa các quy định pháp luật càng được đẩy mạnh để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa tháo gỡ khó khăn bất cập để hỗ trợ phát triển kinh tế giúp các doanh nghiệp “an tâm” trong hoạt động đầu tư.

Tọa đàm cung cấp thông tin kịp thời cho doanh nghiệp

Nghị quyết 68/NQ-CP đặt mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Với mục tiêu này ông Tô Hoài Nam cho biết, đây là mục tiêu khó bởi nhiều rào cản lý do khách quan từ bên trong các cơ quan hành chính khiến doanh nghiệp và người dân không đồng thuận.

Theo ông Nam: “Muốn đạt kết quả vào năm 2025 phải tìm ra và phá bỏ các lý do đó. Phải cẩn trọng trong việc ban hành các quy định văn bản pháp luật mới”. Ngoài ra, cần đẩy mạnh sức sáng tạo trong quản lý, đặc biệt, thống nhất nguyên tắc giao quyền cho các cán bộ địa phương, cấp trên chỉ can thiệp khi cấp dưới không làm tốt. Đồng thời người được giao quyền phải chịu sức ép từ pháp luật để nâng cao trách nghiệm khi làm việc. Cùng với đó là nâng cao vai trò của cơ quan giám sát trung thực khách quan.

Tọa đàm nêu ra một số giải pháp để công tác rà soát, cắt giảm các quy định của pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập như: thủ tục nào có thể bỏ được thì nên bỏ, thủ tục nào có thể sử dụng thông qua điện tử được thì nên sử dụng, kết nối với cộng đồng doanh nghiệp.

Theo bà Nguyễn Minh Thảo: “Doanh nghiệp là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ các chính sách pháp luật, do đó, sự tham gia của đại diện doanh nghiệp để tìm kiếm giải pháp đạt được sự đồng thuận vừa đảm bảo sự quản lý của Nhà nước vừa tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp”.

Ngoài ra, yếu tố nguồn lực con người cũng rất được coi trọng, cán bộ ngoài nhiệt huyết ra cần có trình độ để có khả năng tiếp cận thông tin mới, quy trình mới.

Để Nghị quyết 68/NQ-CP đạt được mục tiêu đề ra cần có nhiều sự quan tâm vào cuộc của các bên liên quan và những giải pháp thiết yếu để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp giúp phát triền kinh tế đặc biệt trong giai đoạn cuộc sống mới hậu Covid-19.

BÍCH NGA

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/05/2024