ISSN-2815-5823
QUANG MINH
Thứ năm, 10h10 22/12/2022

Động lực nào thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023?

(KDPT) - Năm 2022 nền kinh tế đã đối mặt với nhiều thách thức, từ sự ảnh hưởng của yếu tố bên ngoài như cuộc xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng... cho đến các khó khăn nội tại về vốn, nguồn cung, niềm tin thị trường.... Câu hỏi đặt ra, đâu là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2023?
Kinh tế Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong năm 2022.

Những chỉ dấu tích cực và "nốt trầm" 2022

Phân tích về những kết quả đạt được của nền kinh tế trong năm nay, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí... tuy nhiên tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

“Những chỉ số này cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khu vực doanh nghiệp đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh cho thấy niềm tin vững chắc của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tới” – đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Dưới góc độ chuyên gia, theo T.S Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, kinh tế Việt Nam 3 quý vừa qua có mức phục hồi khá ấn tượng, thậm chí là vượt kỳ vọng trong bối cảnh đặt ra hai thách thức lớn với kinh tế vĩ mô: Một là, biến động của tình hình thế giới mà ta không thể đoán định được, như là dự báo về diễn biến cuộc xung đột Ukraine… Hai là, chúng ta thực hiện cùng lúc nhiều mục tiêu, vừa ổn định vĩ mô, vừa giảm khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển.

Đây là những mục tiêu không hề đơn giản khi cả bên ngoài và nội tại đều có những khó khăn. Mặc dù vậy, so sánh với nhiều quốc gia thì chúng ta đã đạt được sự ổn định một cách tương đối. Lạm phát tăng nhưng không phải quá mạnh. Đồng Việt Nam có mức mất giá trung bình thấp so với nhiều nước. Lãi suất tăng hơi mạnh trong tháng 10, 11 nhưng ít nhiều thì lãi suất cho vay tăng không mạnh như lãi suất huy động. Chính sách nới room tín dụng được thực hiện và có thể sẽ tiếp tục, chứ không chỉ room của năm nay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, khi nhìn lại, ông Thành cũng bày tỏ cũng có sự tiếc nuối rằng, giá như chúng ta thực hiện được chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh và mạnh hơn; nếu thực hiện được đầu tư công nhanh, mạnh hơn, kết quả phục hồi sẽ tốt hơn và đặt thêm nền tảng cho những năm sau.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, sau thời gian dài lao đao vì Covid-19, doanh nghiệp bước vào quá trình phục hồi nhưng lại đối mặt với khó khăn khi kinh tế toàn cầu đối mặt với khủng hoảng, lạm phát cao, lãi suất trong nước điều chỉnh tăng và khó về dòng tiền.

Dù vậy, kinh tế Việt Nam 2022 vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về tốc độ tăng trưởng. Trong bài viết "Bất chấp những thách thức, kinh tế Việt Nam vẫn trên đà phát triển nhanh," trang vietnam-briefing nêu rõ không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam là một trong số ít quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế khả quan trong thời kỳ đại dịch, tăng trưởng 2,6% vào năm 2021.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong dự báo mới nhất đều có những đánh giá lạc quan, nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 từ 7% lên 7,5% GDP, cao hơn 1 điểm % so với dự báo của 3 tháng trước đó.

Moody’s vào tháng 9/2022 đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định (chỉ kém mức đầu tư một bậc). Fitch cũng đang xếp Việt Nam ở hạng BB và triển vọng tích cực.

Ngân hàng Standard Chartered vừa qua cũng đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,7% lên 7,5% cho năm 2022 và từ 7% lên 7,2% cho năm 2023. Lạm phát sẽ tăng dần và đạt 5,5% trong năm 2023.

Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 8 thế giới về đà phục hồi sau đại dịch Covid-19. Việt Nam được kỳ vọng trở thành thị trường tiêu dùng toàn cầu lớn thứ 10 thế giới vào năm 2030…

Song không thể tự mãn với những kết quả và dự báo trên mà dẫn đến chủ quan. Thực tế trước mắt, nhiều yếu tố mới xuất hiện, chưa từng có tiền lệ và tình hình biến động nhanh, phức tạp, khó lường, vượt khỏi khả năng dự báo.

Ảnh minh họa.

Động lực tăng trưởng trong năm 2023

Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu tổng quát năm 2023 là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và dịch bệnh mới phát sinh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5, về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho phát triển kinh tế năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh phải thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác, bảo đảm hiệu quả tổng thể, phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Theo đó, ổn định thị trường ngoại hối, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình và điều kiện thực tiễn. Điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ; bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế, tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên, phát huy vai trò nòng cốt của các ngân hàng thương mại nhà nước; bảo đảm cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn; bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ những nút thắt của dòng vốn trong nền kinh tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tài khóa hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả. Theo đó, quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; cải cách thủ tục hành chính thuế, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế; sửa đổi, hoàn thiện thể chế quản lý thuế, đặc biệt trong một số lĩnh vực mới như kinh tế số, giao dịch điện tử xuyên biên giới; chống chuyển giá, trốn thuế. Đồng thời, nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí; chủ động có phương án khi các nước áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu; triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; siết chặt kỷ cương, kỷ luật quản lý tài chính, ngân sách nhà nước.

Đề cập đến việc chú trọng đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh và phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững các loại thị trường, nhất là các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, Thủ tướng nhấn mạnh: “Thị trường phải bảo đảm hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững. Khẩn trương có các biện pháp kịp thời, hiệu quả để chấn chỉnh, ổn định, thúc đẩy hoạt động thị trường; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; theo tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và theo đúng quy định pháp luật”.

Nhìn từ góc độ “sức khỏe” của doanh nghiệp, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam-VIAC, sự thích ứng linh hoạt của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 là một số những gợi ý với cộng đồng doanh nghiệp. Năm 2022 là một năm đặc biệt, có 2 mảng sáng tối trong nền kinh tế, có thể thấy 6 tháng cuối năm, màu xám nhiều hơn, nhưng nhìn chung tổng thể những con số vĩ mô đang trong mùa hè, còn doanh nghiệp đang trong mùa đông khó khăn. Trong 11 tháng đầu năm, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 33% so với năm 2021. Điều này minh chứng cho việc trong khó khăn các doanh nghiệp trẻ vẫn có tinh thần khởi nghiệp cao.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, năm 2023 là năm phải thực thi các hành động một cách mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời và đầy đủ các giải pháp đã đề ra. Cần bám sát những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc. Một trong những vấn đề đó là cơ chế, thể chế. Cần tập trung giải quyết các vấn đề căn cơ như vấn đề đầu tư công. Giải quyết các vấn đề phát sinh mới, vướng mắc tránh những giải pháp đột ngột, không dự báo trước được khiến cho các doanh nghiệp khó khăn trong việc thích ứng, chuyển hướng.

“Chúng ta cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và cần quan tâm đặc biệt đến sự minh bạch và công bằng, hướng tới chất lượng cao hơn không chỉ đơn thuần là giải quyết các thủ tục hành chính. Sự tham gia này không chỉ của mỗi Nhà nước mà có trách nhiệm của tất cả các chủ thể. Bản thân doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm, đây là cơ hội, là thời cơ để bứt phá”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, định hướng giải pháp chủ yếu được dự kiến là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, làm cơ sở thúc đẩy tăng trưởng. Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên. Không chỉ vậy, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp..



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024