ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 02h40 09/03/2019

Dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội: Liệu có tiếp tục “cài số lùi”?

(KDPT) – Là tuyến đường sắt đô thị thí điểm của Thủ đô, dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội từng được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc của thành phố. Thế nhưng đến thời điểm này, dự án vẫn chưa hoàn thành dù đã qua nhiều lần điều chỉnh tiến độ. Hiện, Ban quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội đặt mục tiêu chậm nhất đến quý IV.2022 hoàn thành toàn tuyến, song mục tiêu này liệu có khả thi?

Đạt 47,24% tiến độ

Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội dài 12,5km, gồm 8,5km trên cao và 4km đi ngầm, qua 6 quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Dự án được phê duyệt vào tháng 4.2009 với tổng mức đầu tư 783 triệu Euro (khoảng 18 nghìn tỷ đồng) và đến tháng 10.2010 thì khởi công xây dựng. Năm 2014, dự án được điều chỉnh kéo dài thời gian hoàn thành vào ngày 31.12.2018, với tổng mức đầu tư 1,176 tỷ euro (khoảng 33 nghìn tỷ đồng).

Liệu tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội có tiếp tục “cài số lùi”? Ảnh: Đan Thanh

uy nhiên, đây vẫn chưa phải là mốc thời gian cuối cùng. Trưởng ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) Nguyễn Cao Minh thừa nhận, thời điểm cuối năm 2016, nhận thấy tình hình triển khai dự án chậm rất nhiều so với kế hoạch, Ban Quản lý đã yêu cầu tất cả nhà thầu, tư vấn rà soát và lập lại tổng tiến độ dự án, không thay đổi tổng vốn đầu tư, báo cáo UBND TP Hà Nội và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngày 21.12.2018, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định phê duyệt chủ trương điều chỉnh tổng tiến độ dự án. Theo đó, cuối năm 2020 đưa vào vận hành đoạn trên cao, năm 2022 vận hành 4km đường hầm, hoàn thành toàn bộ dự án.

Theo MRB, tính đến ngày 31.12.2018, dự án đã hoàn thành được 47,24% tiến độ. Câu hỏi đặt ra là, liệu dự án này có tiếp tục “lỡ hẹn” với nhân dân Thủ đô và cả nước, sau nhiều lần phải lùi mốc thời gian hoàn thành?

Phê duyệt thiết kế tích hợp trong tháng 3

Trưởng ban MRB Nguyễn Cao Minh cho hay, không chờ đến khi Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh dự án, trước đó, MRB đã tích cực triển khai các phần việc có liên quan để bảo đảm đúng tiến độ đề ra.

Theo đó, về thủ tục pháp lý, MRB đang tích cực hoàn thiện các thủ tục để gia hạn hiệp định vay vốn liên quan đến 4 nhà tài trợ. “Kế hoạch của chúng tôi là phải hoàn thiện các thủ tục đó trong quý II năm nay để bảo đảm giải ngân cho các dự án. Bởi thực tế, hiệp định vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hết hạn từ tháng 6 năm ngoái, hiện vẫn chưa gia hạn được, đồng nghĩa từ đó đến nay chúng tôi không giải ngân được để làm”, ông Minh cho biết.

Bên cạnh đó, MRB cũng xây dựng kế hoạch triển khai đàm phán về 9 hợp đồng của dự án này theo thứ tự ưu tiên, báo cáo UBND TP Hà Nội về từng hợp đồng. Hiện, Ban đã báo cáo 1 hợp đồng xây lắp và 2 hợp đồng gia hạn. Đại diện MRB khẳng định, mục tiêu trong năm nay sẽ hoàn tất đàm phán hầu hết các hợp đồng còn lại, trừ hợp đồng của gói thầu số 3 là hầm và các ga ngầm.

Về các phần việc ngoài hiện trường, đối với đoạn trên cao, MRB đã cùng nhà thầu, tư vấn triển khai chi tiết kế hoạch tích hợp các gói thầu thi công với nhau để bảo đảm mốc khai thác là cuối năm 2020. “Các vấn đề về kỹ thuật, thiết kế cơ bản đã được giải quyết trong năm 2018. Trong tháng 3, chúng tôi sẽ phê duyệt tích hợp này, bảo đảm khi hoàn thành tất cả các khâu phải trùng khớp với nhau”, Trưởng ban MRB nói.

Song song đó, các nhà thầu đang tích cực triển khai theo tiến độ bảo đảm mốc thời gian. Đơn cử, năm ngoái tích cực triển khai về đoàn tàu, hiện đang lắp đặt chế tạo bên Pháp; hoàn thiện toàn bộ cầu cạn và hợp long vào cuối năm ngoái. Đối với các ga trên cao, phần bên tông đã xong, chỉ còn phần lắp mái sắt theo tiến độ.

Với đoạn ngầm vốn phức tạp hơn nhiều khi có thêm hệ thống thông gió, hệ thống bơm nước, thoát nước…, một mặt MRB xác định trong năm nay sẽ xong phần thiết kế để tích hợp. Mặt khác, dự án thực hiện theo hướng có mặt bằng đến đâu sẽ triển khai thi công ngay ở đó. Hiện đã mở được 3/5 điểm công trường trên toàn tuyến, gồm đoạn chuyển tiếp (RAM) ở công viên Thủ Lệ, ga S9 ở phố Ngọc Khánh, một nửa ga S10 ở Cát Linh. Đối với ga S11 ở Văn Miếu và ga S12 ở Trần Hưng Đạo dự kiến sẽ mở điểm công trường lần lượt trong tháng 4 và tháng 5 tới. Sau khi đã thiết kế tất cả các ga ngầm xuống tầng đáy mới thả máy đào hầm (TBM) xuống đào.

Khó khăn lớn nhất là mặt bằng và vốn

Mặc dù cam kết “dứt khoát phải hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2022 đúng như tiến độ điều chỉnh dự án” với việc quy rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu để bảo đảm về mặt thời gian, song Trưởng ban MRB Nguyễn Cao Minh cũng tỏ ra thận trọng bởi “khó khăn lớn nhất hiện nay là về mặt bằng và vốn”, trong khi đây lại là những nguyên nhân hoàn toàn khách quan.

Hiện, “vốn trung hạn của chúng tôi hết từ năm 2017. Tháng 10.2018, Quốc hội đã ra Nghị quyết nới vốn trung hạn cho dự án là 3.000 tỷ đồng, hiện đang được Chính phủ triển khai. Hiệp định cho vay của ADB hết hạn từ tháng 6 năm ngoái, trong khi chờ gia hạn thì đồng nghĩa chúng tôi không được giải ngân một đồng vốn nào từ ADB. Do đó, nếu không sớm giải quyết vấn đề về vốn sẽ ảnh hưởng tới việc triển khai dự án”, ông Minh nói.

Liên quan giải phóng mặt bằng, dù TP Hà Nội đã có chỉ đạo quyết liệt các quận thực hiện từ hai năm nay, song hiện vẫn còn một số mặt bằng chưa xong do liên quan đến công tác đền bù. Dự kiến tháng 5 tới, thành phố sẽ bàn giao mặt bằng sạch để tiếp tục triển khai dự án đối với đoạn ngầm.

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân, Trưởng ban MRB Nguyễn Cao Minh nhiều lần đề cập về những khó khăn khi thực hiện dự án, trong đó có cả yếu tố về năng lực, kinh nghiệm với lối ví von “đường cày đầu tiên không bao giờ thẳng”. Rõ ràng, thách thức đặt ra với MRB cũng như các đơn vị liên quan không hề nhỏ, đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn để giải quyết những vấn đề nội tại. Cùng với đó, nếu không sớm giải quyết các vấn đề về vốn, mặt bằng, khả năng “lỡ hẹn” của tuyến đường sắt đô thị thí điểm là điều có thể dự đoán được.

Tháng 5.2020 máy đào hầm mới về Việt Nam

Máy đào hầm TBM là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định đến việc có thể hoàn thành 4km ngầm vào năm 2022 như kế hoạch không, qua đó bảo đảm tiến độ của toàn dự án.

Trước đó có thông tin tháng 7 năm nay, máy đào hầm TBM sẽ về Việt Nam. Tuy nhiên, theo thông tin từ Trưởng ban MRB Nguyễn Cao Minh: “Trong năm nay sẽ quyết định mua máy đào hầm TBM ở đâu, chế tạo thế nào để kế hoạch vận chuyển máy khớp với kế hoạch thực hiện. Trong hợp đồng, đây là vấn đề nội bộ của nhà thầu, nhà thầu sẽ mua máy này. Hiện, nhà thầu đang dự kiến tháng 5.2020 sẽ đưa về Việt Nam để triển khai thi công”.

Theo Đại biểu nhân dân



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024