ISSN-2815-5823

Du lịch phục hồi và nỗi lo thiếu nhân lực

(KDPT) – Nhân lực ngành du lịch vốn đã thiếu và yếu, nay thêm tác động của đại dịch Covid-19 khiến tới 90% doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải dừng hoạt động hoặc đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự; lượng lớn hướng dẫn viên, nhân viên ngành du lịch chuyển nghề để mưu sinh. Sự thiếu hụt này đặt ra câu hỏi, khi du lịch phục hồi nhân lực trông vào đâu?

Bài toán khó càng thêm rối

Từng là hướng dẫn viên du lịch quốc tế “đắt giá”, nhưng khi đại dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh, khiến “bầu trời đóng cửa” thì anh Đinh Văn Phương (Cầu Diễn, Hà Nội) cũng phải chuyển nghề để đảm bảo cuộc sống. Qua bạn bè, anh Phương chuyển sang làm môi giới bất động sản từ tháng 6/2021. Lợi thế đi nhiều tỉnh, thành, có tư duy nhanh nên công việc của anh khá tốt.

Nhiều địa phương, doanh nghiệp đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Còn chị Nguyễn Ngọc Uyển Nhi (Cầu Giấy, Hà Nội), có thâm niên 10 năm trong ngành du lịch, nhưng cũng phải từ bỏ công việc yêu thích khi Covid-19 bùng phát mạnh. Để trang trải cuộc sống, chị chuyển sang bán yến sào Bình Định (đặc sản quê hương chị), cũng đảm bảo được mức thu nhập trung bình 10 – 12 triệu đồng/tháng, và hiện tại chị thấy bằng lòng với công việc này.

Hai ví dụ trên cho thấy, nguồn nhân lực vốn đã là bài toán nan giải của ngành du lịch nhưng khi đại dịch “tàn phá” thì càng khó tìm ra đáp án, khi mà số lượng lao động buộc phải chuyển nghề tăng cao.

Chỉ riêng tại Hà Nội, báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội cho thấy, tính hết năm 2021, số cơ sở lưu trú tạm dừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề khoảng 1.550 cơ sở; lao động tạm thời không có việc làm khoảng 21.500 người, chiếm 34% tổng số lao động phục vụ trong khối cơ sở lưu trú; lao động làm việc cầm chừng, bán thời gian ước khoảng 13.400 lao động, chiếm 21,2%; lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động khoảng 11.600 lao động, chiếm 18,3%; số làm việc đủ thời gian khoảng 16.800 lao động, chiếm 26,7% tổng lao động trong khối lưu trú du lịch trên địa bàn Hà Nội.

Bà Đặng Hương Giang – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội – thông tin thêm: Khi dịch bùng phát trở lại đợt thứ tư đến nay, báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp lữ hành tạm tính đã có hơn 29.000 lượt khách hủy, gần 10.000 lượt khách hoãn, chuyển ngày các tour đi và đến Hà Nội tập trung vào giai đoạn tháng 5, 6, 7/2021. Bên cạnh đó, nhiều hợp đồng mới không được ký kết do lo ngại dịch bệnh kéo dài; trên 95% doanh nghiệp, đại lý lữ hành đóng cửa, tạm dừng hoạt động.

Cần phương án phù hợp với xu thế

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, 2 năm qua, nhiều đơn vị kinh doanh du lịch chỉ giữ lại lực lượng chủ chốt để làm “bộ khung” cho sau này phục hồi. Khi phải lựa chọn giải pháp cuối cùng này, nhiều doanh nghiệp cũng đã lường trước được việc rất khó để “kéo” nguồn nhân sự cao cấp quay lại làm việc khi du lịch phục hồi.

Tuy nhiên, dựa trên xu hướng du lịch mới, đi theo gia đình hoặc nhóm nhỏ để có thể đảm bảo sức khỏe, đồng thời xây dựng một không gian vui chơi, khám phá riêng tư… hình thức du lịch này sẽ không cần quá nhiều nhân lực như trước. Vì thế, khi xây dựng kịch bản phục hồi, các đơn vị kinh doanh đã, đang tính toán phương án sử dụng, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với sự thay đổi này.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Tài – CEO VietSense Travel – nhận định, khi Covid-19 được khống chế, du lịch sẽ bật dậy rất nhanh sau thời gian dài bị dồn nén. Nhưng lúc đó, nhân lực du lịch có thể đã “ấm chỗ” với những công việc khác và không thiết tha quay lại, khiến nguy cơ thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng. Giải pháp giúp cải thiện vấn đề này trong ngắn hạn là tổ chức những khóa học du lịch lữ hành thực tế. Trong đó, tập trung đào tạo kỹ năng hành nghề cho từng vị trí cụ thể như sale tour, điều hành, tiếp thị… để học viên có thể đảm nhiệm được các công việc khác nhau.

Hiện nay, nhiều đơn vị kinh doanh lữ hành tại Hà Nội đã triển khai chương trình đào tạo trực tuyến miễn phí cho lực lượng lao động du lịch; đồng thời có kế hoạch riêng nhằm giữ chân nguồn lao động còn lại và “lôi kéo” lao động trở lại ngành.

Theo ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, đơn vị hiện đã đào tạo trực tuyến cho cán bộ, người lao động về kỹ năng tiếp cận, quảng bá, xây dựng sản phẩm và xử lý tình huống phát sinh khi có ca nghi nhiễm. Vấn đề an toàn trong việc tổ chức tour trong giai đoạn này được đặt lên hàng đầu.

Lường trước thực trạng này, ở mảng khách sạn, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đã xây dựng chương trình “Giải pháp cấp bách cung ứng nguồn nhân lực chất lượng quốc tế cho ngành quản trị khách sạn Việt Nam”, nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của du lịch và gia tăng năng lực cạnh tranh nguồn nhân lực trong nước.

Việt Nam có khoảng 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, chưa kể lực lượng lao động ở những mảng liên quan. Nhiều khảo sát cho thấy, tình trạng nhân viên nghỉ việc tại các công ty du lịch tăng cao.

THANH TÂM

Theo link gốc: https://congthuong.vn/du-lich-phuc-hoi-va-noi-lo-thieu-nhan-luc-170402.html



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024