ISSN-2815-5823
AN NHIÊN
Thứ hai, 14h53 06/11/2023

Dùng AI để phát hiện hành vi trốn thuế

(KDPT) - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, ngân sách tăng rất tốt từ hóa đơn điện tử và tập trung quản lý hóa đơn điện tử thông qua AI, phân tích dữ liệu lớn, từ đó phát hiện hành vi trốn thuế.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn sáng 6/11. (Ảnh: Quochoi.vn).
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn sáng 6/11. Ảnh: Quốc hội.

Khuyến khích người dân lấy hóa đơn

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Phó đoàn Hưng Yên) cho biết thời gian qua, việc bán hàng không ra hóa đơn vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt tại các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại. Việc này không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế mà còn tạo điều kiện để hàng kém chất lượng đến tay người tiêu dùng và đã vô tình tiếp tay cho hành vi trốn thuế. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tài chính nêu giải pháp ngăn chặn.

Trả lời đại biểu Nguyễn Đại Thắng về việc xuất hóa đơn và cho biết hóa đơn điện tử, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã chỉ đạo trong toàn quốc thực hiện xuất hóa đơn điện tử từ 1/7/2022. Đến nay thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Đối với cơ sở kinh doanh nhà ăn, nhà hàng, siêu thị và kinh doanh xăng dầu cũng chỉ đạo yêu cầu xuất hóa đơn điện tử. Đồng thời có hỗ trợ hướng dẫn kết nối máy tính tiền với cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế. Đến nay, trên 50% các siêu thị, nhà hàng và 100% cửa hàng kinh doanh xăng dầu của Petrolimex đã có kết nối với cơ quan thuế. Bộ Tài chính kết nối dữ liệu thuế với Cơ sở dữ liệu dân cư. Bộ cũng có những giải pháp khuyến khích người dân lấy hóa đơn.

Cần đơn giản hóa thủ tục hành chính cho đầu tư công

Trả lời đại biểu Hà Đức Minh về kéo dài thời gian thực hiện vốn đầu tư công hàng năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ Luật Đầu tư công quy định thẩm quyền phê duyệt và quyết toán vốn đầu tư công và dự án đầu tư công. Theo đó, thẩm quyền ở trung ương giao cho Chính phủ, ở địa phương giao cho Hội đồng nhân dân. Muốn thay đổi thẩm quyền thì phải sửa Luật. Bộ sẽ xem xét để có kiến nghị về vấn đề này.

Về tháo gỡ khó khăn thực hiện Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng cần cải cách thủ tục hành chính nhất là phần về chuẩn bị đầu tư từ chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư, phê duyệt dự án, thẩm định thiết kế, dự toán, lập hồ sơ mời thầu, giải phóng mặt bằng…. Đây là những khâu kéo dài nhất, khiến vốn không giải ngân được gây ứ đọng ngân sách gây ra lãng phí. Do đó cần có giải pháp rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính các khâu này. Trong đó, giải phóng mặt bằng cần tách ra khỏi dự án. Vốn chuẩn bị đầu tư nên cho dùng chi thường xuyên giao địa phương, bộ ngành lập dự án và trên cơ sở đó để có bố trí vốn. Vốn ODA cũng cần có cải cách.

Trả lời vấn đề chậm thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết trong nhiệm kỳ tiến hành cổ phần hóa chậm do nhiều nguyên nhân. Như doanh nghiệp muốn mua vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa thường nhìn vào giá trị các khu đất “vàng” nhưng đến nay không cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thuê chuyển sang đất ở nên không còn địa tô chênh lệch nên không hấp dẫn doanh nghiệp; phương án sử dụng đất thì chính quyền địa phương không phê chuẩn, tính giá trị sử dụng đất vào trong giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá…các bộ ngành doanh nghiệp chưa trình phương án cổ phần hóa nên dẫn đến chậm thực hiện.

Về hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 17 ngày 15/6/2023 về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, theo đó, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách. Các thôn nghèo, đặc biệt khó khăn ở trong xã không phải đặc biệt khó khăn vẫn được hưởng chính sách và nâng mức vốn vay, đảm bảo tiền vay.

Chi trả bảo hiểm xe máy 2.300 tỷ đồng

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính có giải pháp gì để bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ôtô, xe máy thực sự phát huy được ý nghĩa và mục đích bảo vệ quyền và lợi ích của người dân.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn đề bảo hiểm xe cơ giới được quy định tại Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo hiểm, đây là một hình thức bảo hiểm bắt buộc.

Thời gian qua, xe máy bị tai nạn chiếm 64%, từ năm 2021 đến tháng 9/2023, các công ty bảo hiểm đã chi trả cho người bị tai nạn số tiền rất lớn, lên tới 2.300 tỉ đồng.

"Điều đó thể hiện Luật Kinh doanh Bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ đã bảo vệ người lái xe máy" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Theo ông Phớc, người sử dụng xe máy đa số thu nhập không cao, khi có ảnh hưởng đến tính mạng, thì bảo hiểm được chi trả tối đa là 150 triệu, xe hư hỏng thì trả tối đa 50 triệu.

Ông cho biết, để thuận lợi hơn cho chi trả, Nghị định 67 đã quy định trong vòng 3 ngày, công ty bảo hiểm phải chi trả cho người dân bị tai nạn.

Nếu bị ảnh hưởng tới tính mạng thì mới cần có biên bản, giấy tờ của công an, còn không bị ảnh hưởng tới tính mạng thì chỉ cần có tư liệu ảnh và cung cấp hồ sơ điện tử là sẽ được giải quyết các thủ tục cần thiết để được hưởng bảo hiểm.

Phấn đấu sớm nâng hạng thị trường chứng khoán

Đặt câu hỏi chất vấn về kết quả xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam do các tổ chức quốc tế đánh giá, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đề nghị Bộ trưởng Tài chính cho biết Chính phủ có giải pháp gì cải thiện mức tín nhiệm quốc gia Việt Nam và nâng lên mức xếp hạng đầu tư để cải thiện khả năng huy động vốn cho doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua tín nhiệm quốc gia Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Nếu như một số quốc gia bị hạ điểm thì Việt Nam được đánh giá nâng hạng với mức “triển vọng và ổn định”, hay BB+. Điều này tạo niềm tin cho các quỹ tài chính, quỹ đầu tư đổ tiền vào nền kinh tế và thúc đẩy phát triển.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thêm, vừa qua trong chuyến công tác tại Mỹ có làm việc tổ chức như NP và Moody và cho thấy các tổ chức này đều đánh giá cao thị trường tài chính Việt Nam, tin tưởng năng động phát triển và khuyến nghị cho Việt Nam.

Đặc biệt các tổ chức này có đặt ra các câu hỏi về giải quyết vấn đề nợ tín dụng nợ xấu tăng cao, nợ trái phiếu quá hạn, giải ngân đầu tư công, quan điểm về xử lý thị trường bất động sản… và đều hài lòng và tin tưởng về những giải pháp đề ra của Việt Nam.

"Bộ Tài chính cùng các cơ quan như Ủy ban Chứng khoán, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam", Bộ trưởng nói.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 30/10/2024