Dựng cây Nêu đón Tết tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội
Theo phong tục cổ truyền của Việt Nam và một số nước châu Á, Tết Nguyên đán được xem là lễ tiết quan trọng bậc nhất và thiêng liêng nhất trong năm. Tết được tính theo âm lịch, là thời khắc đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Tại mảnh đất Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, với hơn một ngàn năm văn hiến kéo dài liên tục từ các vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Lê Trung hưng cho đến thời đại Hồ Chí Minh, nơi đây là sự kết tinh, hội tụ và giao thoa giữa văn hóa dân gian truyền thống và văn hóa cung đình, vì thế văn hóa lễ tết lại càng phong phú, đặc sắc. Nhằm phát huy những giá trị văn hóa tinh hoa ấy, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Chương trình Tết Việt để chào đón xuân Ất Tỵ 2025.
Theo PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, các nghi lễ tống cựu nghinh tân, khép lại năm cũ và đón chào mùa xuân mới với mong ước an vui, sum vầy, bao gồm lễ cúng ông Công ông Táo, lễ phất thức, phong ấn, lễ tiến lịch, lễ tiến xuân ngưu, lễ dựng Nêu...
Đây là các nghi lễ truyền thống trong cung đình xưa, mở đầu cho chuỗi nghi lễ được nhà vua và triều đình thực hiện trong dịp Tết Nguyên đán, diễn ra từ cuối tháng Chạp đến rằm tháng Giêng.
Lễ dựng cây Nêu là nghi thức không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Cây nêu là biểu tượng của mùa xuân, mang những ý nghĩa tốt đẹp, phúc lành. Khi cây nêu được dựng lên trong Hoàng cung là lúc dân chúng cũng bắt đầu dựng nêu trước sân nhà mình.
Tham dự buổi lễ, ông Jonathan Baker - Đại diện của UNESCO bầy tỏ cảm xúc: “Tôi vô cùng vinh dự được tham gia buổi lễ tôn vinh các giá trị văn hoá phi vật thể của người Việt nhân dịp Tết Nguyên đán ngay tại chính trung tâm của Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Đây là lần thứ hai tôi tham dự buổi lễ này và cùng là dịp tròn một năm đầu tiên trong nhiệm kỳ là Trưởng đại diện của UNESCO tại Việt Nam. Thực sự, tôi cảm thấy may mắn khi được làm việc tại một đất nước luôn đề cao việc gìn giữ và phát huy di sản”.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, chuỗi hoạt động Tết tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội kéo dài từ ngày 20/1/2025 (21 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến ngày 6/2/2025 (Mùng 9 Tháng Giêng năm Ất Tỵ) bao gồm nhiều hoạt động đặc sắc như: Trưng bày Không gian Tết truyền thống (từ 20/1/2025 tức 21/Chạp năm Giáp Thìn); Giới thiệu và trình diễn tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Thìn ( 22/1/2025). Chương trình thể nghiệm những lễ nghi trong dịp Tết Nguyên đán đã từng diễn ra trong cung đình Thăng Long xưa thể hiện mong muốn hưng thịnh cho quốc gia, sự bình an no ấm cho nhân dân, tiễn năm cũ đón năm mới.
Lễ Khai xuân, dâng hương khai xuân được tổ chức thường niên tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội vào ngày Mùng 9 tháng Giêng với ý nghĩa hướng về cội nguồn tiên tổ, tri ân công đức các bậc tiên đế, các đức vua anh minh, các bậc hiền tài có công với nước, đồng thời tôn vinh các giá trị truyền thống của Thăng Long - Hà Nội.
Chương trình dâng hương khai xuân được tổ chức trang trọng với nhiều nghi thức truyền thống như lễ rước, dâng hương, tế lễ và nhiều hoạt động văn hóa truyền thống có sự tham gia của cộng đồng.
Ngoài ra trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long- Hà Nội còn tổ chức các Chương trình múa rối đặc sắc phục vụ du khách vào các ngày mùng 2, mùng 3, mùng 4 và mùng 5 Tết (Tức ngày 30-31/1/2025 và ngày 1-2/2/2025)./.
- Ngày thơ Việt Nam 2023 sẽ diễn ra ngày 4-5/2 tại Hoàng thành Thăng Long
- Tái hiện Tết Đoan Ngọ tại Hoàng Thành Thăng Long
- Ra mắt tour đêm Hoàng thành Thăng Long dành cho khách quốc tế