ISSN-2815-5823

Đừng để mất nhân sự giỏi

(KDPT) – “Chảy máu chất xám” luôn là một vấn nạn khiến chủ doanh nghiệp đau đầu. Mất đi những nhân viên có năng lực là điều không một lãnh đạo nào mong muốn. Bên cạnh những lý do khách quan, không ít công ty mắc phải những sai lầm khiến nhân viên giỏi bỏ đi mà các nhà quản lý lại không nhận ra.

Ảnh minh họa.

Quy định “ngớ ngẩn”
Các công ty cần phải có quy định, đó là điều đương nhiên, nhưng việc tạo ra trật tự trong nội bộ không thể dựa trên những quy định thiển cận. Chẳng hạn, chính sách đòi hỏi 100% nhân viên phải luôn có mặt đầy đủ ở văn phòng trong giờ làm việc, hoặc một số quy định giám sát không cần thiết khác có thể khiến nhiều người “phát điên”. Khi nhân viên giỏi cảm thấy mình luôn bị theo dõi, họ sẽ cảm thấy nản và tìm một nơi khác để cống hiến.

Thưởng phạt không phân minh
Có thể nói rằng, chất lượng của một ban nhạc jazz chỉ tương đương với chất lượng của thành viên tệ nhất nhóm, vì cho dù những người khác chơi giỏi đến đâu, khán giả chỉ nghe thấy người chơi tồi nhất. Đối với một công ty cũng vậy. Khi nhà quản lý cho phép mắt xích yếu nhất trong công ty tồn tại mà không “hề hấn” gì, mắt xích đó sẽ kéo lùi tất cả mọi người khác, đặc biệt là những người giỏi nhất.

Thiếu sự quan tâm và đồng cảm
Hơn một nửa số người bỏ việc là vì lý do mối quan hệ với sếp. Những công ty khôn ngoan luôn đảm bảo rằng các nhà quản lý biết cách cân bằng giữa hai yếu tố công việc và cuộc sống. Đó là những vị sếp chúc mừng thành công của nhân viên, thông cảm với những người đang có những khó khăn trong cuộc sống, và đặt ra thử thách cho cấp dưới.
Những vị sếp thiếu sự quan tâm dễ để mất nhân viên giỏi, vì con người không thể làm việc suốt 8 tiếng mỗi ngày và không được quan tâm đến điều gì ngoài năng suất công việc.

Lộ trình mờ mịt
Nhiều công ty cảm thấy chỉ giao nhiệm vụ cho nhân viên và khuyến khích họ làm việc là đủ, nhưng không đưa ra được bức tranh toàn cảnh về công ty, công việc sẽ khiến những người giỏi nhất cảm thấy thất vọng.
Những nhân viên giỏi là người gánh vác phần công việc nặng nề hơn vì họ thực sự quan tâm đến công việc, nên công việc của họ phải có một mục đích cụ thể. Khi họ không biết mục đích đó là gì, họ sẽ cảm thấy mình bị “ghẻ lạnh” và làm việc không mục đích, và chuyện họ tìm một công ty khác rất dễ xảy ra.

Hạn chế đam mê và sáng tạo
Công cụ tìm kiếm lớn nhất thế giới Google quy định nhân viên dành ít nhất 20% thời gian để làm “những gì mà họ cho rằng đem lại nhiều lợi ích nhất cho Google”. Những dự án mang tính đam mê này đã đem lại đóng góp lớn cho những sản phẩm đầu bảng của Google như Gmail hay AdSense, nhưng tác động lớn hơn cả nằm ở việc tạo ra những nhân viên gắn gó mật thiết với công ty.
Những người giỏi là những người có đam mê. Tạo cơ hội cho họ theo đuổi đam mê sẽ giúp tăng năng suất và sự thỏa mãn trong công việc. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý muốn nhân viên của mình làm việc trong một chiếc hộp nhỏ, sợ rằng năng suất sẽ giảm nếu họ để nhân viên mở rộng trọng tâm công việc và theo đuổi đam mê.
Nhưng nỗi lo này là không có cơ sở. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có thể theo đuổi niềm đam mê ở nơi làm việc sẽ có được tâm trạng thư thái ở nơi làm việc và làm việc năng suất gấp 5 so với bình thường.

Môi trường làm việc thiếu sự vui vẻ
Nếu nhân viên không cảm thấy vui vẻ trong môi trường làm việc, thì công ty đang sai lầm. Nếu không cảm thấy vui, mọi người sẽ không làm việc hết mình. Bởi vậy, tạo ra một môi trường làm việc vui vẻ là cách tốt để ngăn “chảy máu chất xám”.
Những công ty có môi trường làm việc tốt nhất hiểu rõ tầm quan trọng của việc để cho nhân viên thoải mái một chút. Chẳng hạn, Google làm tất cả mọi việc có thể để tạo ra môi trường làm việc vui vẻ: bữa ăn miễn phí cho nhân viên, sân chơi bowling, các lớp tập thể dục…
Ý tưởng ở đây rất đơn giản: nếu công việc vui vẻ, nhân viên không chỉ làm việc tốt hơn, mà còn gắn bó với công ty lâu hơn.

Khánh Huyền

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024