ISSN-2815-5823
Thứ tư, 09h22 17/03/2021

Dùng người đúng chỗ, thì người tài mới thật sự tài Bài 2: Những gì không có thì tô vẽ mấy cũng chẳng làm nên giá trị

Cover image
(KDPT) – Trong bài 1 “Phải xem họ có thật sự xứng đáng”, chúng tôi đã đưa ra quan điểm dưới góc nhìn của nhà báo Nguyễn Quốc Phong – Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Thanh niên, về việc bổ nhiệm cán bộ làm sao cho đúng và trúng, qua lăng kính thực tiễn từ những vấn đề làm nóng dư luận đã xảy trong đời sống xã hội vừa qua.

Tiếp nối tuyến bài trong Chuyên đề “Dùng người đúng chỗ, thì người tài mới thật sự tài”, Kinh doanh và Phát triển đã có cuộc trò chuyện, cùng trao đổi, đối thoại, phân tích vấn đề với TS. NGUYỄN SĨ DŨNG – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thể hiện một góc nhìn khác, đó là, dù có bổ nhiệm đúng quy trình, nhưng đặt nhầm chỗ, không phải người tài thật sự, thì người giới thiệu nhân sự và bổ nhiệm cán bộ cũng phải chịu kỷ luật, chứ không có chuyện “hạ cánh an toàn”.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

* Vừa qua, UBND tỉnh Vĩnh Phúc công bố quyết định bổ nhiệm bà Trần Huyền Trang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp giữ chức Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Đáng nói ở đây, bà Trần Huyền Trang là con gái của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan. Và bà Trang ở tuổi đời còn rất trẻ, thời gian công tác chưa dài, nhưng có quá trình thăng tiến “thần tốc”. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

– Theo thông tin mà tôi có được thì chị Trang là một công chức được đào tạo cơ bản, năng động và hoàn thành tốt công việc được giao. Điều không may là công chúng ít ai có được thông tin nói trên. Thế nhưng chị Trang là con Bí thư Tỉnh ủy thì gần như ai cũng biết. Và tâm lý chung là người ta nghĩ ngay đến chuyện thiên vị, chuyện ưu tiên, ưu đãi, chuyện con ông cháu cha trong việc đề bạt. Vì vậy, đặt giả thiết, nếu vị con ông cháu cha đó được đề bạt dù có đúng quy trình, đúng tiêu chuẩn bao nhiêu chăng nữa cũng sẽ bị công chúng dị nghị.

* Thực tế, trước khi diễn ra sự việc ở Vĩnh Phúc, công tác bổ nhiệm nhân sự cũng từng làm nóng dư luận với các trường hợp ở Quảng Nam, Bắc Ninh. Người được bổ nhiệm đều có thời gian phấn đấu và cống hiến cho địa phương rất ngắn, mà chủ yếu là họ đi học. Mà việc học đối với ai cũng cần. Nhiều ý kiến cho rằng, khi được tổ chức cử đi học hay là học tự túc thì cũng không nên coi đây là thời gian được xem như họ có quá trình công tác. Vài chục năm trước, nếu ai được cử đi học hoặc xin đi học hàm thụ thì thời gian này còn không được tính để xét nâng lương. Vậy, nhiều người bây giờ chỉ đi học quanh năm và kèm theo đó là sự thăng tiến phi mã, thì liệu có phù hợp với quy luật đào tạo cán bộ, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước hay chưa, thưa ông?

– Chuyện con lãnh đạo được cử đi học cũng giống như chuyên con lãnh đạo được đề bạt thôi, chắc chắn sẽ bị công chúng dị nghị. Còn thời gian đi học có được tính để xếp lương hay không thì phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Theo tôi hiểu, nếu cơ quan cử đi học thì sẽ được tính. Còn xin nghỉ việc để đi học thì sẽ không được tính.

* Chuyện “con ông cháu cha” được ưu tiên trong bố trí công tác cũng có thể chấp nhận, nếu trình độ họ xứng đáng. Có ý kiến đồng tình với quan điểm của lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, rằng việc bổ nhiệm bà Trang không sai, nhưng đặt ngược lại vấn đề là liệu những người tài khác, thậm chí xuất sắc hơn có được bổ nhiệm hay không?Ông có nhận định thế nào và phân tích gì về quan điểm này?

– Như tôi đã nói ở trên, chuyện bố làm lãnh đạo, con được đề bạt bao giờ cũng bị công chúng dị nghị. Những dị nghị mà báo chí đã nêu là hoàn toàn thực tế. Đây là rủi ro khó có thể tránh khỏi nếu chúng ta không áp dụng các quy định của Luật Hồi tỵ trong việc bố trí, sắp xếp, đề bạt cán bộ. Tinh thần chung của Luật Hồi tỵ là không sắp xếp, không bố trí cha con, người thân cũng làm quan chức tại một địa phương, một cơ quan, đơn vị. Đây là đạo luật đã được cha ông ta áp dụng từ hơn 500 năm trước (từ thời vua Lê Thánh Tông). Rất tiếc, không khéo ngày này chúng ta lại đang không minh bạch và không chuẩn tắc bằng cha ông mình trong việc vận hành nền hành chính, công vụ.

* Cũng vẫn quan điểm trên, đánh giá từ khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng: “Quy trình hiện nay cho phép những người có chức quyền cao, kiểu như Bí thư Tỉnh ủy, Bộ trưởng hay các chức vụ khác, có thể “thu xếp” được cho con cháu vào những vị trí quan trọng đặc biệt trong bộ máy Đảng, Nhà nước. Việc làm đó đã làm mất đi cơ hội cạnh tranh công bằng của cán bộ trẻ. Theo ông, chúng ta cần những công cụ gì để kiểm soát quyền lực đúng quy định đối với những “cá nhân quyền lực” ?

“Con vua thì lại làm vua/Con sãi ở chùa thì quét lá đa” là một trật tự xã hội đã bị Cách mạng Tháng Tám năm 1945 xóa bỏ. Để tránh chuyện “dân nổi can qua”, chúng ta cần nhất quyết không để trật tự xã hội đó được từng bước xác lập trở lại. Giải pháp quan trọng nhất ở đây là cần áp dụng trở lại các quy phạm tiến bộ và phù hợp của Luật Hồi tỵ. Thực ra, chủ trương của Đảng ta trong việc luân chuyển các bí thư khỏi địa phương của họ cũng là một cách áp dụng Luật Hội tỵ cho thời đại mới.

* Công tác cán bộ là công việc gốc của Đảng, cho nên không phải cứ sai là được rút kinh nghiệm, mà quan trọng nhất là phải kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, nếu anh bố trí sai thì sau này anh sẽ phải chịu trách nhiệm chứ không có chuyện “hạ cánh an toàn”. Ngoài ra, người giới thiệu nhân sự không tốt cũng phải chịu trách nhiệm. Theo ông đánh giá, thực tế vấn đề này được thực thi nghiêm chưa ?

Tất nhiên, nếu công tác cán bộ là của Đảng, thì sai sót trong công tác cán bộ người đứng đầu của tổ chức Đảng ở địa phương, cơ quan, đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm. Tôi hiểu rằng, các ủy ban kiểm tra của Đảng hiện nay hoạt động rất nghiêm. Những sai phạm như vậy nếu bị tố cáo chắc chắn sẽ được xem xét hết sức công tâm. Kinh nghiệm những năm gần đây cho thấy các hình thức kỷ luật hết sức nghiêm khắc cũng sẽ được áp đặt.

* Thực tế thời gian qua, không ít “hạt giống đỏ” bị “chín ép” do được đẩy lên quá nhanh, quá thần tốc, quá bất ngờ và quá bất thường khiến sự nghiệp chính trị của họ có khi dang dở. Vậy, cần làm gì để khắc phục việc bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình nhưng không đúng người, đúng việc, tránh tình trạng cán bộ “ngồi nhầm chỗ”?

Quan trọng là cần bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo theo thành tích thực tế. Một người lãnh đạo giỏi là người có thể đưa GRDP của địa phương mình tăng trưởng cao hơn nhiều lần so với trước. Cũng tương tư như vậy, các thành tích đo đếm được phải là tiêu chuẩn quan trọng nhất ở đây. Một cán bộ trẻ tuổi như tạo ra được những thành tích xuất sắc thì trẻ mấy cũng nên đề bạt.

* Nếu nói một câu khuyên cán bộ trẻ hiện nay, ông sẽ nói câu gì?

– Tôi không phải là một người quá thành đạt về mặt chức tước, nên có lẽ, không có gì để khuyên bảo ở đây. Tuy nhiên, ở đời những gì mình có thật thì chẳng ai tước bỏ được. Những gì mình không có thì có tô vẽ mấy cũng chẳng làm mình có giá trị hơn.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

THIỆU ANH (Thực hiện)

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/05/2024