ISSN-2815-5823

EVN ghi nhận lỗ hơn 31.000 tỷ

Cover image
(KDPT) - Năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN") ghi nhận lỗ đột biến 31.360 tỷ đồng. Mức lỗ này, theo Ủy ban Quản lý vốn, "do yếu tố khách quan" khi EVN không được tăng giá điện.

Báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022 ngày 21/12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong năm 2022, các biến động lớn trên thế giới đã tác động, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất điện của EVN. Công tác đầu tư xây dựng các dự án điện gặp nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, khó khăn trong thu xếp vốn,...

Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá bán lẻ điện đã không được điều chỉnh gần 4 năm và đang thấp hơn nhiều so với chi phí giá thành.

Dù đã triển khai thực hiện để tiết giảm chi phí 33.445 tỷ đồng, nhưng EVN cho hay các giải pháp trong nội tại mà tập đoàn đã thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến.

Kết quả là năm 2022 EVN dự kiến sẽ lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo lãnh đạo EVN miền Bắc, báo cáo tài chính lỗ sẽ khiến đơn vị này không thể thu xếp tài chính cho các dự án năm nay và 5 năm tiếp theo. “Nếu đưa báo cáo tài chính này ra, chắc chắn các ngân hàng yêu cầu dừng giải ngân và trả lại cho họ”, EVN chia sẻ.

“EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới”, EVN tiếp tục kiến nghị.

Phân tích rõ hơn, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), cho biết giá thanh toán trên thị trường điện tăng gần 20% so với năm ngoái và 36% so với cách đây 3 năm.

"Phần lớn giá chào các nhà máy trên thị trường đều cao hơn mức giá bán lẻ điện bình quân đang áp dụng 1.864,44 đồng một kWh, có tổ máy giá lên tới 3.000 - 4.000 đồng", ông Ninh cho biết.

Chưa kể, khí cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện khí chỉ đáp ứng 70% năng lực của các tổ máy, nên để đảm bảo cung ứng điện, nhiều thời điểm Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia phải huy động thêm các nhà máy điện chạy dầu DO giá cao.

EVN đã rà soát, tiết kiệm, cắt giảm tối đa chi phí... với tổng mức giảm hơn 33.400 tỷ đồng. Nhưng mức này không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao.

Đầu tháng 10 vừa qua, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các Bộ ngành, địa phương, lấy ý kiến cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới. Bộ Công Thương cho biết biểu giá điện cũ 6 bậc thang, được xây dựng từ năm 2014 hiện nay đã không còn phù hợp. Bộ đề xuất 2 phương biểu giá điện mới, gồm 4 và 5 bậc, trong đó mức giá cao nhất lên tới 3.356 đồng/kWh.

Với phương án 5 bậc thang đang được bộ Công Thương đề xuất Những hộ gia đình sử dụng điện dưới 400 kWh/tháng sẽ được trả thấp hơn so với mức giá điện hiện nay. Ngược lại, những hộ gia đình dùng trên 400 kWh và trên 700 kWh/tháng sẽ phải trả giá cao hơn. Còn với phương án 4 bậc thang, những hộ gia đình dùng dưới 300 kWh/tháng sẽ được trả giá điện thấp hơn và ngược lại.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 03/05/2024