Giá điện trong nước rẻ do được trợ giá
Theo chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh chia sẻ tại tọa đàm về tiết kiệm điện do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 15/5, do chính sách an sinh xã hội và các chính sách khác của Chính phủ nên giá điện của Việt Nam được trợ giá.
Ông Sơn cho biết nhiệt điện than hay một số dạng năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, mặt trời xưa kia dùng than tự khai thác trong nước sẽ rẻ hơn. Trong khi, hiện nay giá năng lượng trên toàn cầu giống nhau về bản chất, gồm chi phí sản xuất và nhiên liệu đầu vào.
Theo ông Sơn, có thể nhắc tới ví dụ Nhà máy nhiệt điện Ô Môn phải nhập khẩu khí, dầu bằng giá quốc tế. Hiện nay, ngay cả Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đề nghị giá than bán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải phản ánh theo thị trường. Bởi vậy, theo chuyên gia này, không có lý do gì để năng lượng của Việt Nam lại có giá rẻ hơn các nước.
Ông cho hay Chính phủ và Bộ Công Thương hiện đang cải cách về giá theo các cơ chế khác nhau nhằm bám dần vào thị trường. Ông nói rằng điều đó tránh tình trạng EVN thua lỗ mà không phải là lỗi của họ. Theo ông giải thích, tập đoàn này phải mua nhiên liệu đầu vào với giá cao, song bán giá cố định trong nhiều năm mà không được chỉnh theo giá năng lượng toàn cầu.
Giá điện của Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều quốc gia từng được nhắc đến nhiều lần. Globalpetrolprices hồi tháng 9/2023 đã công bố chi phí năng lượng của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Giá điện trung bình thế giới theo đó là 0,155 USD một kWh với người dùng là hộ gia đình.
Thế nhưng, mức giá này chưa cập nhật lần điều chỉnh tháng 11. Giá điện trung bình của Việt Nam sau khi tăng giá là 2.006,9 đồng một kWh, tương ứng 0,083 USD/kWh theo tỷ giá quy đổi khi đó. So với giá điện của Philippines được Globalpetrolprices cập nhật hồi tháng 9, mức này bằng khoảng 43,%, thấp hơn Indonesia (0,09 USD/kWh), Thái Lan (0,125 USD/kWh)... và đa số nước phát triển khác.
Mặt khác, sau khi tăng, giá điện bình quân nước ta cũng cao hơn Lào (quốc gia có tới 70% thủy điện giá rẻ) hay một số nước như Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ…
Vốn là mặt hàng đặc biệt, điện được dùng nhiều, tác động lớn đến đời sống kinh doanh và sản xuất. Theo ước tính của TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, giá năng lượng này tăng 8% khiến tăng trưởng GDP giảm 0,36%, CPI tăng 0,4-0,5% (cả trực tiếp và gián tiếp).
Do đó, nhiều chuyên gia nhận định mặt hàng này tăng giá cần có lộ trình và kế hoạch phù hợp với thời điểm và mức độ. Điều đó đảm bảo về tính thị trường cũng như mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Bên cạnh vấn đề giá, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) dự báo rằng nhu cầu dùng điện năm nay sẽ tăng mạnh vì kinh tế và sản xuất hồi phục, đặc biệt là các ngành chế biến xuất khẩu.
Bên cạnh việc tăng đầu tư nguồn, lưới, cũng cần tiết kiệm năng lượng để đảm bảo đủ điện. Ông Vũ cho biết Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn EVN, PVN, TKV cũng như 63 UBND tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng kể từ cuối năm 2023.
Thế nhưng, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN cho rằng thách thức là tỷ lệ sử dụng năng lượng của Việt Nam chưa hiệu quả, gấp 2-3 lần so với một vài quốc gia. Chẳng hạn như, Việt Nam cần 376 tấn dầu quy đổi để có 1.000 USD, trong khi trung bình toàn cầu chỉ cần 170 tấn dầu, Singapore là 99 tấn, Nhật Bản là 90 tấn…
Theo Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, chính phủ phải chủ động để tiết kiệm điện có ý thức như một nét văn hóa./.