ISSN-2815-5823

Gia Lai: Dân nghèo nguy cơ mất đất do vay tiền “siêu lãi suất” để phát triển kinh tế

(KDPT) – Nhiều hộ dân nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ia Le, huyện Chư Pưh tỉnh Gia Lai lâm vào cảnh khốn đốn, bị chủ nợ xiết đất đai, nương rẫy nhưng vẫn chưa đủ tiền trả nợ do vay theo kiểu “siêu lãi suất”, “lãi mẹ đẻ lãi con”. Trước đó họ chỉ vay với số tiền nhỏ để đầu tư trồng cây tiêu phát triển kinh tế.

Các hộ dân đang thấp thỏm sợ mất hết đất đai nhà cửa của mình sau khi vay tiền của bà Lê Thị Thanh

Luẩn quẩn trong vòng vây lãi mẹ đẻ lãi con

Bà Siu H’ Siên ở làng Kênh Hmét, xã Ia Le, huyện Chư Pưh cho biết, năm 2016, do hoàn cảnh kinh tế của gia đình khó khăn, bà muốn có khoản tiền 20 triệu đồng để đầu tư vào việc trồng trọt. Ðang không biết vay mượn ở đâu thì bà được mọi người mách tới hỏi bà Lê Thị Thanh, trú thôn Phú An, xã Ia Le. Sau trao đổi, thấy bà Thanh nói “bùi tai”, hơn nữa, lại nghĩ bà Thanh là người Kinh, sống cùng làng, lại quen biết nhiều người nên bà Siên tin tưởng, rồi ký vào một cuốn sổ của bà Thanh. Theo lời bà Siên, bà được vay ngay 20 triệu đồng mà không cần phải thế chấp bất cứ tài sản gì, chỉ là mấy dòng chữ được bà Thanh ghi vào sổ riêng và cất giữ.

Sau hai năm, gia đình Siên chưa thể trả nợ, cùng thời gian này, bà Thanh yêu cầu bà Siên trả tiền, buộc gia đình bà Siên phải trả tiền lãi bằng 1 con bò cái, sau năm kế tiếp bà Thanh tiếp tục đến lấy thêm con bò cái thứ 2, năm ngoái (2021) bà Siên trả cho bà Thanh thêm 15 triệu tiền mặt. Tuy nhiên, bà Thanh thông báo số nợ của bà Siên đến thời điểm còn 100 triệu đồng.

“Năm 2016 em có vay bà Thanh 20 triệu, hai năm sau bà qua lấy một con bò, một năm sau bà lấy thêm một con nữa thành hai con bò trị giá 16 triệu. Năm 2021 có trả cho bà Thanh thêm 15 triệu. Bà cộng tiền lãi là còn nợ 100 triệu nữa. Năm nay bà Thanh đến nhà đòi lấy 10 mét đất thổ cư, bà trả 1 mét 3 triệu…” bà Siên nói và lo lắng.

Cùng cảnh ngộ, chị Rmah H’Đoan trú Làng Kênh Hmét, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai cũng là một trong số nhiều nạn nhân của chiêu cho vay đầu tư trồng tiêu với lãi suất “trên trời” của người tên là Lê Thị Thanh.

Rớm nước mắt, chị Rmah H’Đoan buồn bã kể lại, vì không có tiền nên vợ chồng chị đã vay nợ 38 triệu của bà Thanh, sau thời gian vay làm ăn không hiệu quả, hồ tiêu chết hết nên không có tiền, gia đình đã trả bà Thanh 2 bao tiêu, 25 bao bắp (ngô), khi đi làm thuê có tiền lúc trả được 5 triệu, lúc trả được 10 triệu. Nhưng năm ngoái bà Thanh lấy đi của gia đình bà Đoan 5 sào đất ruộng và hiện còn ghi nợ 120 triệu đồng nữa.

“Nhà mình vay nợ bà 38 triệu, mình trả lúc 5 triệu, lúc 10 triệu, 2 bao tiêu, 25 bao bắp, 5 sào ruộng, dọa mình lấy nhà, lấy xe, dọa mình phá nhà cửa. Bà nói còn nợ tiền ghi lại 120 triệu nữa nghe chưa, còn dọa mình lấy thêm diện tích trồng bắp nữa…” chị Đoan nghẹn ngào.

Đau lòng hơn là gia đình ông Rmah Lan, vay 50 triệu để đầu tư trồng hồ tiêu từ năm 2012, đến năm 2017 lãi lên đến 150 triệu. Không thể chịu nổi sự “khủng bố” triền miên của bà Thanh, vợ chồng ông buộc phải trả 50 mét đất mặt đường, chiều sâu 30 mét, giá tại thời điểm dao động trên dưới 30 triệu 1m ngang.

“Đầu tiên mình vay 50 triệu để đầu tư trồng hồ tiêu từ năm 2012, đến năm 2017 mình cũng có trả lãi, còn thiếu là chưa trả tiền gốc, trả lãi không đủ họ cộng dồn vào tiền gốc. Ví dụ như 50 triệu mà lãi đến hai mấy triệu nhưng không đủ tiền, mình trả trước mười mấy triệu còn 10 triệu nó cộng dồn vào gốc…” ông Lan buồn bã.

Cũng ở xã Ia Le, phóng viên của Kinh doanh và Phát triển còn gặp nhiều trường hợp khác (hầu hết là đồng bào thiểu số) bị “sập bẫy” sau khi được bà Thanh “hào phóng” cho vay nợ tiền để đầu tư nông nghiệp lúc đầu chỉ mấy chục triệu sau vài năm sẽ lên đến vài trăm triệu.

Theo các “con nợ”, điều kiện được vay rất đơn giản, cần có đất là được ưu tiên vay. Đặc biệt, các “con nợ” đều không giữ lại giấy tờ làm chứng, chỉ ký vào giấy xác nhận nợ do “chủ nợ” đưa. Do nhận thức hạn chế và sợ hãi nhiều người thậm chí còn không hỏi số tiền mình đang nợ sau khi trả dần tiền lãi còn lại bao nhiêu. Hầu như khi được hỏi người dân ở đây cũng không biết tờ giấy ghi nợ của mình đang ở đâu và hiện còn nợ bà Thanh bao nhiêu…?

“Cứ đưa giấy ra là người dân mình ký thôi, chứ đâu biết gì đâu”, ông Rmah Lan chua xót nói thêm.

Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc

Sự việc xảy ra trong một thời gian dài, tính chất nghiêm trọng như vậy, người dân thì bối rối, sợ hãi chưa có giải pháp nào để tháo gỡ

Ông Ksor Sương trưởng thôn Làng Kênh Hmét, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết. Tôi cũng đã nắm được người dân phản ánh, nhiều hộ trong làng vay tiền của bà Thanh, do lãi suất cao cho nên dân chưa có tiền trả được. Bây giờ bà Thanh nói rằng không có tiền trả thì bà ấy lấy bìa đỏ đất. Vụ việc tôi cũng báo lên chính quyền địa phương xã.

Ông Sương cũng mong muốn xã tổ chức họp dân để thống kê có bao nhiêu người vay vốn của bà Thanh, hiện tại bà Thanh lấy bao nhiêu số đỏ của dân rồi. Sau đó đại diện cho hộ gia đình làm đơn kiến nghị để giúp người dân giải quyết vấn đề cho thỏa đáng, ổn định sau này dân khỏi bức xúc nữa.

“Người dân khó khăn, do đó vay vốn để đầu tư vào cây tiêu để phát triển kinh tế. Nhưng thời gian qua, cây tiêu chết nhiều cộng với giá thấp nên nông dân thất thu không có tiền để trả. Cũng có một số hộ dân vay vốn của bà Thanh rồi không có tiền trả nên bị bà Thanh tới nhà bắt con bò, mà chưa được sự đồng ý của người ta, làm như thế ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế người dân tại thôn làng” ông Sương nói.

Hiện hàng chục hộ gia đình dân tộc thiểu số ở xã Ia Le, huyện Chư Pưh là nạn nhân của vụ việc nêu trên đang thấp thỏm nỗi lo bị mất trắng nhà cửa, đất đai… Ðây cũng là bài học đắt giá, cảnh tỉnh mọi người dân trong đó nhất là các hộ dân, dân tộc thiểu số hạn chế hiểu biết pháp luật cần cẩn trọng trước khi có những giao dịch ký kết, giấy tờ liên quan đến vay, mượn tiền, tài sản. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, điều tra, làm rõ. Nếu có các biểu hiện của hành vi lừa đảo, cho vay nặng lãi cần xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

TÔN BẢO

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024