Gia Lai: Tổ chức hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô huyền thoại
Ngày 21/10, UBND huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) thông tin, lễ hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng, biểu diễn trang phục truyền thống các dân tộc năm 2022.
Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô được bắt đầu tổ chức năm 2019, đây là một hoạt động ý nghĩa của huyện Ia Grai nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, cách mạng của dân tộc, quê hương, đất nước ca ngợi công ơn của các anh hùng dân tộc... |
Theo đó, hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô dự kiến có khoảng 30 đội thuyền đến từ các xã trên địa bàn huyện tham gia tranh tài. Ngoài ra, nhằm tăng thinh thần đoàn kết với các địa phương khác UBND huyện Ia Grai tổ chức mời huyện Đức Cơ (Gia Lai) và huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) tham gia. Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô sẽ diễn ra vào ngày 4/11 – 6/11 tại bãi bồi làng Dăng (xã Ia O, huyện Ia Grai).
Ông Nguyễn Văn Đông – Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, cho biết: “ Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2022 là một hoạt động rất ý nghĩa, nhằm đẩy mạnh phong trào tập luyện Văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao trong Nhân dân; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các danh lam, thắng cảnh và các di tích lịch sử của địa phương”. “Đồng thời, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện, góp phần đưa Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng trở thành ngày hội truyền thống hàng năm của huyện. Đây cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu đến du khách, bạn bè trong nước và quốc tế về mảnh đất, con người và những tiềm năng, thế mạnh, những di sản văn hoá độc đáo của huyện Ia Grai, điểm đến lý tưởng của du khách”.
Ông Đông, cho biết thêm. Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ III và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng năm 2022, nhằm giới thiệu đến Nhân dân trong, ngoài huyện và du khách thập phương biết về chiến công của anh hùng A Sanh (Puih San), của Đảng bộ và của Nhân dân trên địa bàn huyện Ia Grai.
Anh hùng A Sang (Puih San) là một người con của huyện Ia Grai, trong thời kỳ khàng chiến cứu nước, anh hùng A Sang đã dùng thuyền độc mộc của mình để chở bộ đội, vật tư tham gia kháng chiến.
Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô được bắt đầu tổ chức năm 2019, đây là một hoạt động ý nghĩa của huyện Ia Grai nhằm ôn lại truyền thống lịch sử, cách mạng của dân tộc, quê hương, đất nước ca ngợi công ơn của các anh hùng dân tộc, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của huyện Ia Grai nhằm thu hút du khách về tham dự, góp phần đưa hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô trở thành một sản phẩm du lịch được tổ chức hàng năm.
Huyện Ia Grai có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của tỉnh Gia Lai, khi có 3 hướng tiếp giáp hết sức quan trọng, đó là phía Đông giáp thành phố Pleiku, phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum và phía Tây giáp Campuchia với 12km đường biên giới. Quê hương của Anh hùng A Sanh hiện có 13 xã, thị trấn với diện tích tự nhiên 1.157,3km2, dân số trên 97.000 người, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 48%. Trên địa bàn có một số di tích lịch sử nổi bật của một thời lửa đạn như Đồi chiến thắng Chư Nghé, bến đò A Sanh được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Huyện Ia Grai có địa hình khá đa dạng “lên thác, xuống ghềnh”, đan xen giữa những sườn đồi cà phê, cao su bạt ngàn là những thung lũng, cánh đồng trù phú. Hệ thống sông, suối, hồ, đập phân bổ đều trên địa bàn huyện đã tạo nên khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm.
Một trong những điểm nhấn đó là sông Pô Cô (Sê San) gắn liền với những chiến công huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước giờ đã trở thành dòng sông năng lượng. Những công trình thủy điện như Sê San 4, Sê San 4A, Sê San 3A... không chỉ cung cấp nguồn năng lượng lớn cho đất nước mà còn tạo ra khu vực lòng hồ rộng lớn, bao la để đầu tư nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái.
Từ bãi bồi làng Dăng, xã Ia O (nơi tổ chức hội đua thuyền độc mộc), du khách có thể đi thuyền, ca nô của người dân ở làng chài, trải nghiệm vô vàn điều thú vị của vùng sông nước với lòng hồ thủy điện Sê San 4, diện tích trên 50km2.
Tiềm Năng du lịch thế mạnh của Tây nguyên
Tây Nguyên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh đối với cả nước và khu vực. Nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, tiếp giáp với các vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch với nhiều vùng trong cả nước và quốc tế. Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Tây Nguyên là một trong 7 vùng du lịch của cả nước. Trong những năm qua du lịch vùng Tây nguyên có những bước phát triển khá, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Vùng Tây Nguyên gồm gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với tổng diện tích 54.641 km2, chiếm 16,8% diện tích cả nước, có một số địa điểm có khí hậu ôn đới, mát mẻ quanh năm, là điều kiện tự nhiên lý tưởng để xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp như Tuyền Lâm, Đan Kia (Đà Lạt – Lâm Đồng), Măng Đen (Kon Tum). Đà Lạt đã được xây dựng trở thành thành phố nghỉ dưỡng từ những năm đầu thế kỷ 20. Hiện nay, thành phố Đà Lạt còn bảo tồn được nhiều biệt thự cổ kiểu Pháp, điển hình là Dinh Bảo Đại, có giá trị cao về kiến trúc và cảnh quan du lịch. Măng Đen – Kon Tum đã và đang được xây dựng thành một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp mang tầm cỡ khu vực.
Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, núi, cao nguyên, sông suối, thác nước, hồ… và cả hệ động thực vật hết sức phong phú, trong đó có nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia… Những tài nguyên có giá trị để khai thác phát triển du lịch bao gồm: cảnh quan dọc các sông Đắk Bla, Pa Cô, Serepok, Krông Ana, Krông Nô, Đồng Nai…
Hệ thống các hồ lớn và đẹp như Tuyền Lâm, Đan Kia Suối Vàng (Lâm Đồng), Hồ Lắk (Đắk Lắk), Biển Hồ (Gia Lai), các hồ thủy điện (Yaly, Đại Ninh…), hệ thống các thác nước như Dray Sap, Trinh Nữ, Diệu Linh, Phú Cường, Lưu Ly, Pongour, Cam Ly, Pren… Tất cả những cảnh quan thiên nhiên ấy đều có thể khai thác trở thành điểm tham quan hết sức lý tưởng.
Tây Nguyên còn có nhiều nguồn suối nước nóng, có suối nước nóng đến 55oC như suối Ram Phia, suối Kon Nit… tập trung ở Kon Đào, Ngọc Tụ (huyện Đắk Tô, Kon Tum), Đắk Ring, Ngọc Tem (huyện Kon Plông, Kon Tum); Đạ Long (huyện Đam Rông, Lâm Đồng)… Đây là những suối có chứa rất nhiều khoáng chất có tác dụng chữa bệnh hiệu quả.