ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 04h44 07/08/2021

Giả mạo phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phòng, chống dịch

(KDPT) – Nhiều tài khoản Facebook cá nhân đang chia sẻ, phát tán nội dung thông tin được cho là phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có 7 lời khuyên. Trung tâm Xử lý Tin giả Việt Nam (VAFC) cho biết, nội dung trên là giả mạo.

Qua xác minh, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, nội dung thông tin trên là giả mạo, xuyên tạc phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Trước đó, ngày 23-7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn bản số 2765/BTTTT-PTTH&TTĐT về việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, sai sự thật về Covid-19 trên mạng gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, qua thực tiễn công tác chỉ đạo, quản lý, giám sát thông tin trên không gian mạng thời gian qua, tình trạng phát tán tin giả, sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng, trong đó tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc-xin Covid-19; xuyên tạc chính sách phân bổ, cung cấp vắc-xin của Chính phủ; việc sử dụng Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19. Các thông tin giả, sai sự thật cũng liên quan đến diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương… Đáng chú ý, nhiều thông tin có nguồn từ các video của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.

Việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào công tác phòng, chống dịch bệnh; gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội; nếu không xử lý tốt sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương; gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.

Các chuyên gia gọi những thông tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội mà một loại virus “siêu lây lan” và gây nguy hiểm không kém gì virus SARS-CoV-2.

Hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19

1.1 Mức phạt: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

1.2 Ngoài ra còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm

1.3 Điều khoản áp dụng: Quy định tại Điểm a, Khoản 1 và Khoản 3, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

1.4 Xử lý hình sự: Trường hợp đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật có thể bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015.

HỒNG ANH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024