ISSN-2815-5823

Giá sàn vé máy bay: Cần tôn trọng quy luật thị trường

(KDPT) – Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vừa trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, đề nghị áp dụng mức giá tối thiểu (giá sàn) bằng 20% mức giá tối đa quy định, từ ngày 1-11-2021 đến hết ngày 31-10-2022.

Áp dụng trong 1 năm

Cụ thể, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu đề nghị áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế – xã hội là 320.000 đồng/vé/chiều, tối đa 1,6 triệu đồng vé/chiều; nhóm đường bay khác dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa 1,7 triệu đồng.

Với những đường bay từ 500 – 850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng; đường bay từ 850 đến dưới 1.000 km, mức giá tương ứng 560.000 đồng và 2,79 triệu đồng. Với đường bay từ 1.280 km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng và tối đa 3,75 triệu đồng. Như vậy, nếu đề xuất này nếu được áp dụng, thị trường hàng không trong nước trong 1 năm tới sẽ không còn mức giá vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng/vé/chiều như thời gian qua.

Lý giải về đề xuất này, Cục HKVN cho biết giai đoạn từ đầu năm 2020 đến nay ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh thu sụt giảm mạnh trong khi chi phí vẫn cao khiến các hãng hàng không bị đứt gãy dòng tiền thanh toán, đe dọa đến sự tồn tại của các hãng. Do đó, việc điều tiết mặt bằng giá nhằm hỗ trợ góp phần giảm bớt khó khăn cho các hãng hàng không, đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines, giảm thiểu thiệt hại cho nhà nước (cổ đông nắm giữ cổ phần chi phối trên 86% vốn điều lệ của Vietnam Airlines).

Ảnh minh hoạ.

Mất thị trường du lịch giá rẻ

Du lịch là ngành mũi nhọn mang lại doanh thu 35 tỉ USD, giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hơn 5 triệu người (năm 2019). Nhưng toàn ngành du lịch từ lữ hành đến khách sạn… đều bị tê liệt vì đại dịch Covid-19.

Tính riêng về doanh thu, năm 2020 ngành du lịch Việt Nam thiệt hại ít nhất 23 tỉ USD, năm nay với “đòn” tăng giá vé máy bay, thiệt hại về kinh tế còn lớn hơn nhiều.

Ngành du lịch được Bộ VH-TT&DL và Chính phủ ưu tiên kích cầu hồi phục sau dịch, nhưng nếu áp giá sàn vé máy bay và làm mặt bằng giá vé tăng cao như phương án Bộ GTVT đề xuất thì triển vọng hồi phục của ngành du lịch rất xấu.

Bởi 70% khách du lịch trong và ngoài nước liên quan đến hàng không. Chi phí vé máy bay chiếm 40-50% giá tour. Trong khi ai cũng biết giá là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng của việc kích cầu, thu hút khách du lịch.

Giá vé máy bay sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ba phân khúc khách, trong đó khách đại trà chiếm số lượng lớn nhất, bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ là những người thu nhập trung bình và thấp, là khách gia đình, khách đoàn. Nhiều người sẽ không đi du lịch nữa nếu giá vé máy bay tăng.

Vì vậy có thể thấy tăng giá vé máy bay vào thời điểm cần kích cầu hồi phục du lịch hiện nay là rất tai hại cho ngành du lịch và nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Cần tạo sự cạnh tranh công bằng

Trong một thị trường nhà nhà, người người đều làm tour, nếu quy định tour đi Phú Quốc phải bán giá 6 triệu đồng trở lên thì chắc chắn những công ty lữ hành tên tuổi lớn sẽ luôn được ưu tiên chọn. Vậy cơ hội nào cho doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lữ hành tham gia thị trường sau?

Họ không thể đợi những hãng lớn hết chỗ thì mới có cơ hội phục vụ khách. Các chương trình khuyến mãi ra đời để kích cầu thị trường, tăng thêm cơ hội lựa chọn và cả sự công bằng trong kinh doanh.

Các chuyên gia cho rằng, việc áp giá sàn vé máy bay tuyến nội địa là không hợp lý, không phù hợp quy luật cung cầu của thị trường, khiến quyền lợi người dân sẽ bị ảnh hưởng.

Mặt khác, có thể vi phạm nhiều luật như Luật Cạnh tranh, Luật Hàng không Dân dụng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và vi phạm các cam kết, hiệp định song phương, đa phương mà Việt Nam đã tham gia ký kết, nên cần phải xem xét thận trọng.

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP. HCM, nếu những “yêu sách” và đòi hỏi của Vietnam Airlines được chấp thuận, chúng ta sẽ phải bay với giá rất đắt, thị trường hàng không mất đi tính cạnh tranh, việc này không có lợi cho người dân.

“Khách bay trong nước sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng mà các hãng đang áp dụng rộng rãi để giải quyết việc làm, cải thiện dòng tiền và tham gia kích cầu cho ngành du lịch…”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống chia sẻ.

Nhà nước chỉ nên can thiệp khi các dòng vé rẻ có những bộc lộ bất thường, giá bán thấp gây ra những xáo trộn, rắc rối và chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp đó phá hỏng hình ảnh của các ngành hàng không, đem lại trải nghiệm bất tiện cho khách hàng, rủi ro cao. Vì lúc này, những chiếc vé giá rẻ bất thường kia đã ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng, thiệt hại uy tín của cả ngành.

Việc can thiệp của cơ quan quản lý nên nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, định hướng cho thị trường phát triển lành mạnh và phát triển thị trường một cách bền vững.

QUỲNH ANH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024