Giá vàng giảm sốc, các nhà đầu tư non trẻ nên gồng tiếp hay bán cắt lỗ lúc này?
Hội mua vàng lúc đỉnh có tâm trạng ra sao?
Trên mạng xã hội những ngày gần đây, tình hình thảo luận về giá vàng đang thu hút sự chú ý của nhiều người. Nguyên do bởi sau nhiều tuần miệt mài tăng cũng như liên tiếp lập đỉnh cao mới, thì vào ngày 13/3 vừa qua, cả giá vàng miếng và vàng nhẫn đều đồng loạt giảm sốc.
Trước sự lao dốc bất ngờ này, trên các hội nhóm thảo luận giá vàng xuất hiện các bài đăng có nội dung như: “Có nên bán cắt lỗ lúc này?”. Đáng chú ý, đối tượng nhận được nhiều quan tâm nhất lại chính là hội đu đỉnh vàng, bởi họ là những người chấp nhận bỏ số tiền lớn mua vào lúc giá vàng tăng vùn vụt.
Vũ Dũng (32 tuổi, Thanh Hóa) cho biết, anh mua 3 lượng vàng nhẫn vào giai đoạn đỉnh với giá 70 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, trong ngày 13/3, giá vàng nhẫn đảo chiều giảm xuống còn 68,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ sau 3 ngày mua vào, anh Dũng đã lỗ ngay 4,5 triệu đồng cho 3 lượng vàng.
“Cả đêm qua mình mất ngủ, suy nghĩ sao giá vàng lại đi xuống. Mình cũng chán rồi, không muốn tra giá vàng hôm nay nữa. Mình kệ thôi, quyết định không bán vàng. Bởi mình quan sát vàng chỉ giảm giá độ 2-3 hôm nay thôi, sau này có tăng hay không thì chưa ai biết chắc”, đồng thời, anh Dũng cũng khuyên những ai đang đu đỉnh vàng lúc này nên bình tĩnh, tránh bán tháo thì người lợi chỉ là chủ tiệm vàng mà thôi.
Chia sẻ về việc tại sao lại chọn đu vàng ở thời điểm giá cao, Vũ Dũng cho biết, thứ nhất do bản thân đang có dòng tiền nhàn rỗi, nên mới dám chi số tiền lớn như vậy để mua vàng. Thứ hai là vì thời điểm đó thấy giá vàng đi lên, bản thân cũng muốn “lướt sóng” một ít vàng nên tính toán chờ vàng lãi khoảng 4-5 triệu đồng/lượng thì bán ra, nhưng không ngờ vàng lại đảo chiều giảm nhanh như vậy.
Anh Dũng cho biết thêm, dù giá vàng giảm mạnh nhưng vì là dân đầu tư nên anh cũng chấp nhận tình huống này có thể xảy đến. Anh cũng đưa lời khuyên cho những người chưa có nhiều kinh nghiệm mà đang có ý định lướt sóng thì nên cân nhắc chuyện mua vàng ở giai đoạn đỉnh. Nếu không muốn rơi vào cảnh gồng lỗ như anh chàng.
“Nói chung, mình là dân đầu tư nên khi mua vàng cũng chấp nhận rủi ro rồi. Vàng để lâu dài thì không sợ mất giá trị đâu, chỉ lo nay mai cần tiền mà lúc đó phải bán vàng còn lỗ nhiều hơn. Thêm nữa, mình biết mua vàng lúc này khá rủi ro vì chênh lệch hai đầu rất lớn. Nên với người không có nhiều tiền, mình nghĩ mua chứng khoán để lướt còn an tâm hơn, thay vì đu đỉnh vàng”, anh chàng chia sẻ.
Cũng trong tình cảnh tương tự, chị Nguyễn Phương (35 tuổi, Hà Nội) cho biết đã mua 2,5 lượng vàng miếng với giá 67,5 triệu đồng/lượng và 5 chỉ vàng nhẫn với giá 7 triệu đồng/chỉ. Chị Phương cho biết, nếu tính theo giá vàng ngày 13/3, thì chị đã lỗ nặng vàng nhẫn. Tuy nhiên, chị vẫn khá ung dung và chọn cách “tâm bất biến” khi đọc tin tức trên mạng rằng nhà nhà người người đang đổ xô đi cắt lỗ vàng.
Chị Phương cho biết, bản thân dự tính sắp tới sẽ giữ cả vàng miếng và vàng nhẫn vì giá đang giảm. Chị cũng lo lắng chuyện giá cả nhưng sau khi bàn bạc lại với chồng thì cả hai quyết định: Không chịu lỗ khi mua vàng.
“Vì thời gian gần đây, giá vàng tăng cao nên vợ chồng vẫn kỳ vọng sau đợt giảm này, giá vàng sẽ quay đầu. Nói chung, mua vàng thì tin tưởng vào bản thân thôi. Mình nhất định không cắt lỗ, chờ đợi ngày vàng tăng lên. Giờ mình cũng đang chờ vàng giảm sâu hơn để còn mua thêm vàng”, chị Phương nói.
Trong khi đó, có những người đang cảm thấy may mắn vì không tham gia vào làn sóng đu đỉnh vàng, từ đó tránh được việc thua lỗ. Trường hợp của Hồng Nhung (26 tuổi) là một ví dụ.
Cụ thể, Hồng Nhung cho biết: “Trưa qua, vợ chồng mình bàn nhau đem tiền tiết kiệm, mượn thêm người thân ít nữa để mua 5 cây vàng, vừa dành làm của hồi môn cho con sau này, cũng là để nếu có cơ hội thì chốt lãi. May mà mình chưa mua, nếu không thì giờ tiếc lắm khi giá vàng đi xuống”.
Nhà đầu tư cẩn trọng khi “đu đỉnh” vàng
Giá vàng trong nước kể từ tháng 2 trở lại đây liên tục biến động với những con số đầy bất ngờ. Các kỷ lục về giá lần lượt bị phá bỏ khiến nhiều người nảy sinh ý định “lướt sóng” vàng để ăn chênh lệch. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mua bán có nhiều rủi ro vì chênh lệch giữa 2 đầu vàng lớn, không chỉ vậy, giá vàng trong nước còn cách xa so với giá vàng thế giới.
Theo anh Nguyễn Minh Tuấn (Chuyên gia quản lý tài chính cá nhân), nhà đầu tư nên cẩn trọng khi mua bán vàng trong thời gian giá đạt đỉnh. Nguyên tắc đầu tư sinh lời mà chuyên gia này gợi ý đó là mua tài sản khi giá thấp, bán lại khi giá cao. Ngoài ra, trước tiên nhà đầu tư nên coi vàng là một tài sản trong danh mục đầu tư dài hạn chứ không phải một tài sản đầu cơ mua đi bán lại trong thời gian ngắn.
Còn theo chuyên gia Trần Duy Phương cho hay, những ngày gần đây, số liệu kinh tế Mỹ công bố liên tục xấu làm thị trường dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.
Chính sách tiền tệ của Fed có tín hiệu đảo chiều, nhu cầu vàng của thế giới vẫn liên tục tăng cùng với tình hình xung đột chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến giá vàng còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng giá trong thời gian tới. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần cẩn trọng áp lực chốt lời, vì giá vàng thế giới thời gian qua đã tăng quá nhanh và đang trong trạng thái quá mua. Do đó, nguy cơ sập mạnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Người dân cần hết sức cẩn trọng./.
- Vượt mốc 82 triệu đồng/lượng, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư vàng cần tỉnh táo
- Không chọn mua vàng, Gen Z có tư duy đầu tư tài chính khác biệt để “tiền đẻ ra tiền”
- Nhiều người lao vào “đu đỉnh” giá vàng, chuyên gia nói gì?