ISSN-2815-5823

Giải pháp nào giúp đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam?

(KDPT) - Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là việc cần thiết hiện nay. Do đó, cần có một lộ trình phù hợp để nền kinh tế có thể đi theo đúng hướng.

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là gì ?

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế là việc xác lập khuôn khổ chung, hay mô thức chung định hướng vận hành nền kinh tế trên cơ sở tối ưu hóa các nguồn lực của quốc gia với một cơ cấu kinh tế hợp lý, hiệu quả, hiện đại, nhằm đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao theo hướng phát triển bền vững.

Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng lao động, phụ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năng suất lao động thấp, hiệu quả đầu tư không cao, nghĩa là chất lượng tăng trưởng thấp... là điều dễ nhận thấy của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.

Mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu là dựa vào khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả, chất lượng của tăng trưởng, như nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tăng năng suất lao động, nâng cao sự đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TFP), hướng hoạt động của nền kinh tế vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, chủ động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao, trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế của đất nước.

Giải pháp nào giúp đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam? - ảnh 1

Cơ cấu lại nền kinh tế là việc hiện thực hóa cách thức vận hành nền kinh tế đã được lựa chọn. Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế có quan hệ hữu cơ với nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, bởi để thực hiện việc đổi mới mô hình tăng trưởng, phải cơ cấu lại nền kinh tế, nhằm khắc phục khuyết điểm, hạn chế nảy sinh trong quá trình tăng trưởng; đồng thời, xây dựng một cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu của mô hình tăng trưởng. Trong điều kiện hiện nay, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế phải là quá trình hiện thực hiệu quả ba trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường. Đây là những yếu tố quan trọng nhất, cũng là những nét mới trong tư duy phát triển hiện đại.

Thực trạng mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay

Theo PGS. TS Bùi Quang Tuấn - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mô hình tăng trưởng những năm gần đây vẫn dựa vào lao động giá rẻ, tồn tại nền kinh tế nhị nguyên (nước ngoài và trong nước), lan tỏa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế, nhất là năng lực công nghệ.

Trong đó, đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng vào tăng trưởng còn ít. TS Tuấn nhấn mạnh.

Khoa học và công nghệ là đòn bẩy kinh tế thời đại 4.0. (Ảnh minh họa)
Khoa học và công nghệ là đòn bẩy kinh tế thời đại 4.0. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, chưa cải thiện nhiều về năng suất lao động (NSLĐ): 2016-2020 tăng bình quân 5,8%/năm, 2011-2015 tăng 4,3%, vẫn chậm. NSLĐ vẫn bị tụt hậu: tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là 5,11%, cao hơn mức trung bình của ASEAN (3,11%), thấp hơn của Trung Quốc (7%) và Ấn Độ (6%), Campuchia.

Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, nguyên nhân được ông chỉ ra là do đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, thể chế cho KHCN và ĐMST còn bất cập, chưa đột phá, doanh nghiệp ư nhân đầu tư cho R&D thấp... Thị trường cấu phần chưa phát triển đầy đủ (do chưa được công nhận). Khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng (44% GDP), DN Việt vẫn còn bé, ít tập đoàn lớn....

Ông Tuấn cũng chỉ ra một số vấn đề khác khiến nền kinh tế chưa phát triển được như kỳ vọng bởi mô hình tăng trưởng chưa xanh, chưa đóng góp nhiều cho phát triển bền vững (ví dụ năng lượng tái tạo, ô nhiễm môi trường (đặc biệt rác thải nhựa), phát thải khí nhà kính...). Kinh tế tuần hoàn còn mới manh nha, chưa phát triển, thể chế tuy có được cải thiện nhưng còn nhiều điểm nghẽn, thiếu đột phá, thí điểm, nhất là cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, và cho các loại hình kinh tế mới (chia sẻ, fintech, dữ liệu...). Liên kết vùng kém, chưa phát huy tiềm năng, lợi thế vùng. Công nghệ, kỹ năng thấp làm hạn chế sự tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và hạn chế sự lớn mạnh về qui mô và chất lượng của các doanh nghiệp Việt...

Các giải pháp mang tính đột phá thúc đẩy chiến lược cho phát triển kinh tế

Đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho rằng cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trưởng định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ. Huy động, sử dụng các nguồn lực thực hiện theo cơ chế thị trường. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại. Hoàn thiện thể chế thị trường các thị trường cấu phần.

Muốn kinh tế phát triển, cần rất nhiều yếu tố trong đó con người là chủ thể quan trọng nhất.
Muốn kinh tế phát triển, cần rất nhiều yếu tố trong đó con người là chủ thể quan trọng nhất.

Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới.

TS Tuấn cũng nhận định việc hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu là mục tiêu kiên quyết cần thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó là cần nỗ lực phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế và cải thiện năng lực thực thi pháp luật đi kèm với nguồn lực. Cũng như phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển, là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững. TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024