Nhà ở vừa túi tiền "biến mất", giải pháp nào tăng cung?
Nhà ở vừa túi tiền “tuyệt chủng"
Không riêng Việt Nam, tại nhiều thủ đô các quốc gia trên thế giới, nhà ở vừa túi tiền đang ngày một xa tầm với của nhiều người lao động.
Thực tế tại Việt Nam, chưa có khái niệm chính thức về nhà ở vừa túi tiền. Tuy nhiên, có thể “nhận diện” loại hình này thông qua tương quan giá nhà ở và chi phí sinh hoạt khác của các hộ gia đình.
Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, nhà ở vừa túi tiền là nhà ở mà chi phí nhà cửa chiếm không quá 30% tổng thu nhập của hộ gia đình. Nếu theo tiêu chí này, hiện nay rất khó để phát triển được các dự án phù hợp.
Tại Việt Nam, nhà ở vừa túi tiền được hiểu là nhà ở thương mại có tổng giá trị bằng thu nhập tích lũy trong khoảng 7 năm của một hộ gia đình. Mức giá cho căn hộ hoàn thiện cơ bản là dưới 1.000 USD/m2, nghĩa là căn hộ 2 phòng ngủ 65 m2, khoảng 1,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, căn hộ chung cư với mức giá này gần như không còn ở Hà Nội và TP.HCM. Hiện "chuẩn" giá nhà bình dân tại 2 “đầu tàu kinh tế” này đã nâng lên 20-30%, ở mức 2-2,4 tỷ đồng/căn.
Đây cũng là cảm nhận của rất nhiều người dân trong hành trình tìm nhà trong những tháng đầu năm 2024.
Anh Lê Văn Tráng - một nhân viên ngành công nghệ cho biết, thu nhập của 2 vợ chồng vào khoảng 35 triệu đồng/tháng, trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng còn dư 10 triệu đồng. Với số tiền này, việc tìm nhà của anh không dễ dàng.
“Nhà đất trong ngõ ở khu vực nội thành gần như không còn giá dưới 3 tỷ đồng. Còn chung cư, những căn hộ khoảng 60 m2 với giá 2 tỷ đồng cũng gần như không còn trên thị trường. Hiện giá chung cư cũ cũng khoảng trên 40 triệu đồng/m2”, anh Tráng nói.
Theo anh Tráng, dù lãi suất cho vay mua nhà hiện đang rất thấp, nhưng với việc giá nhà tăng “phi mã” như hiện nay, nếu mua nhà thì phải vay ngân hàng với tỷ lệ khá cao, áp lực trả gốc và lãi hàng tháng khá lớn.
“Chúng tôi trăn trở khá nhiều giữa 2 lựa chọn. Nếu vay số tiền lớn để mua nhà thì rủi ro “vỡ nợ” nếu công việc hay sức khoẻ có biến động, sẽ không đủ trang trải. Còn nếu không mua thì giá nhà có thể sẽ tiếp tục tăng và ngày mua được nhà có lẽ sẽ không bao giờ đến”, anh nói.
Chị Nguyễn Thị Thuý, một nhân sự ngành truyền thông cũng có cảm nhận tương tự.
“Giá chung cư liên tục tăng. Tôi liên hệ nhiều môi giới, khi nghe tôi nói muốn mua chung cư 2 phòng ngủ khoảng 1,6 tỷ đồng, họ nói ngay là thị trường không thể tìm được nhà với giá này”, chị Thuý nói và cho biết các môi giới khuyên chị có thể xem xét lựa chọn những căn studio với diện tích từ 25 - 29 m2, ở một dự án khá xa nơi làm việc của chị.
Anh Lê Văn Quang - mội môi giới bất động sản chia sẻ, khi được báo giá nhà, gần như tất cả người mua đều “giật mình” với mức giá, dù họ đã “chuẩn bị tâm lý” và biết giá nhà đã tăng thời gian qua. Tuy vậy, với những gia đình có thu nhập ổn định thì họ vẫn mạnh dạn vay ngân hàng để mua nhà bởi vì lãi suất hiện đang khá thấp.
“Nhiều người nói rằng, nên mạnh dạn mua nhà sớm, khi không thể “gồng nợ” được thì vẫn còn phương án bán nhà. Với đà tăng giá hiện tại thì không quá lo việc phải “lỗ vốn”, anh Quang nói.
Ưu đãi chủ đầu tư và người thuê, mua nhà
Theo ghi nhận của Batdongsan.com.vn, giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Một số ví dụ có thể kể đến như Royal City tăng 33%, The Pride 33%, Khu đô thị Mỹ Đình Sông Đà - Sudico tăng 32%, Vinhomes West Point tăng 28%...
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng có kết quả khảo sát tương tự khi giá bán sơ cấp căn hộ đang ở mức cao, các sản phẩm được tung ra thị trường đều có giá trên 40 triệu đồng/m2. Thị trường vắng bóng hoàn toàn các dự án bình dân với giá 30 triệu đồng/m2.
Chia sẻ với phóng viên, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Bá Chí Nhân cũng khá lo ngại về tình trạng lệch pha phân khúc khi dư thừa nhà cao cấp, còn thiếu hụt nhà vừa túi tiền, nhà ở xã hội, trong khi, phân khúc cao cấp chủ yếu phục vụ đầu cơ, không phải để ở.
“Không ít doanh nghiệp chia sẻ với tôi rằng, họ muốn triển khai nhà ở xã hội, nhà vừa túi tiền, nhưng hiện đang vướng mắc khá nhiều về thủ tục hành chính, về tiếp cận nguồn vốn, rất khó thực hiện. Khi thủ tục, cơ chế được tháo gỡ, các doanh nghiệp sẽ tích cực triển khai”, ông Nhân nêu và hy vọng các luật mới được thông qua và sự quyết liệt trong tháo gỡ vướng mắc pháp lý sẽ cải thiện được tình trạng này.
Theo VARS, Nhà nước cần đưa ra định nghĩa về nhà ở vừa túi tiền và có các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển phân khúc này để đáp ứng nhu cầu của người thu nhập trung bình - thấp. Đơn cử, cần chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng để tăng “sức mua", đánh thuế để giảm đầu cơ, phát triển hạ tầng giao thông kết nối.
“Khi khoảng cách không còn là vấn đề cần cân nhắc khi mua nhà thì xu hướng dịch chuyển từ khu vực lõi trung tâm sang ven đô là tất yếu”, VARS nêu.
Ông Đoàn Văn Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đồng tình rằng, cần đưa ra khái niệm, quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí, thiết kế mẫu… xác định nhà ở vừa túi tiền; đồng bộ các quy định về nhà ở vừa túi tiền trong hệ thống pháp luật, khuyến khích phát triển nhà ở vừa túi tiền.
Ông Bình cũng đề nghị, cần chú trọng phát triển quỹ đất cho nhà ở vừa túi tiền; quy định tỷ lệ nhà ở vừa túi tiền trong các khu đô thị; quy hoạch nhà ở vừa túi tiền gần các đấu mối giao thông và đầy đủ hạ tầng xã hội…
Đặc biệt, cần sử dụng công cụ thuế để hạn chế đầu cơ, hướng thị trường đến nhà ở vừa túi tiền thay vì phân khúc cao cấp; ưu đãi về thuế, phí đối với chủ đầu tư và người mua, thuê nhà ở vừa túi tiền; nghiên cứu triển khai Quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác bất động sản; cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp phép nhà ở thương mại vừa túi tiền…/.
- “Kích hoạt” lại phân khúc nhà ở vừa túi tiền để thị trường bất động sản “ấm lên”
- Liệu cơn khát nhà ở vừa túi tiền sẽ được "giải tỏa" trong năm 2024?
- Khuyến nghị khôi phục nhà ở vừa túi tiền khi suốt 3 năm không còn căn hộ giá dưới 30 triệu đồng/m2