Giải pháp thúc đẩy sự hồi phục cho các công ty kinh doanh bất động sản
Thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản đã phải chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường bất động sản. Nhưng sắp tới khi những luật mới như Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được áp dụng hứa hẹn sẽ tháo gỡ được phần nào những khó khăn đối với ngành này.
Vướng mắc trong thủ tục pháp lý
Trong vài tháng trở lại đây, thị trường bất động sản nói chung và việc tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đang thực hiện dở dang nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện đang có 404 dự án, qua rà soát phân loại khó khăn, đã tháo gỡ vướng mắc cho 81 dự án, 10 dự án đã thu hồi đất, chấm dứt hoạt động, 67 dự án tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tốc độ.
Hiện nay, Hà Nội đang tích cực triển khai việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khoảng 246 dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành. Đảm bảo trong thời gian sớm nhất sẽ giúp các dự án này khôi phục lại tiến độ thực hiện.
Tại TP.HCM cũng đang tích cực triển khai việc giải quyết theo thẩm quyền của 33/72 dự án do Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, 44/148 dự án do Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án…
Trong vài tháng trở lại đây, thị trường bất động sản nói chung và việc tháo gỡ khó khăn đối với các dự án đang thực hiện dở dang nói riêng đã có những chuyển biến tích cực
Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay một số địa phương vẫn chưa thành lập Tổ công tác, chưa giải quyết những khó khăn đang vướng mắc trong việc tổ chức triển khai thực thi pháp luật đối với hoạt động bất động sản… Đồng thời, có những địa phương chưa phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển nhà ở 5 năm và hàng năm làm cơ sở để chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án phát triển nhà ở trong tương lai.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp phải nhiều vướng mắc liên quan đến pháp lý. Cụ thể ở đây là việc sợ sai, sợ trách nhiệm và rủi ro có thể xảy ra nếu vi phạm quy định nên họ không dám đề xuất, không dám quyết định vội vàng. Có những địa phương lại chú trọng vào hành chính khiến cho các thủ tục trở nên rườm rà, kéo dài thời gian giải quyết các dự án bất động sản trên địa bàn địa phương. Trong thời sắp tới, những vướng mắc, khó khăn về thể chế sẽ được tháo gỡ phần nào nhưng những Luật sửa đổi chưa được áp dụng nên không thể giải quyết ngay được vướng mắc tại thời điểm hiện nay.
Tháo gỡ vướng mắc trước khi luật mới được áp dụng
Vừa qua, trong cuộc họp của Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ đối với công việc rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với việc triển khai dự án bất động sản tại các địa phương, doanh nghiệp sau khi các luật được áp dụng thực thi, ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhận xét những vướng mắc được đề ra là rất đúng và sát với thực tiễn.
Ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, đối với vấn đề liên quan tới công tác định giá đất để tính tiền sử dụng, trong Luật Đất đai 2024 phải chờ đến ngày 1/1/2025 mới được áp dụng và chính thức có hiệu lực nhưng ông cho rằng trong thời gian chờ đợi Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2024/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất và Nghị định 10/2023/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai), để thống nhất bốn phương pháp xác định giá đất theo Luật Đất đai 2024 là điều rất cần thiết và kịp thời. Tổ Công tác có thể dựa vào đây để nghiên cứu, tháo gỡ những khó khăn trước mắt, giúp công tác định giá sát với thực tế mới có thể khơi thông nguồn lực đất đai.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, khi thị trường bất động sản có thể phát triển mạnh mẽ sẽ góp phần vào quá trình tăng trưởng kinh tế - xã hội, đảm bảo được việc làm cho nhiều người, giúp người dân tiếp cận được với nhiều mức giá. Phó Thủ Tướng cũng đề nghị Bộ Xây dựng phải tổng hợp được những vấn đề vướng mắc thành các nhóm để giải quyết trong các bộ Luật sửa đổi kịp thời. Thông qua đó sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để ban hành các văn bản có thẩm quyền cho phép áp dụng Luật trước thời điểm có hiệu lực.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Tổ Công tác của Chính phủ phải thống kê được số dự án bất động sản đã được giao đất nhưng đang gặp phải vướng mắc về thủ tục pháp lý, xây dựng tiêu chí để tìm ra nhà đầu tư bất động sản đủ năng lực, tổng kết và thí điểm cho các địa phương trong quá trình điều chỉnh cục bộ quy hoạch cho những dự án bất động sản nhưng không ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung được đưa ra.
Bên cạnh đó, cần phải có phương án để mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội cho những người có thu nhập vừa và thấp, các nhân viên trong khu công nghiệp, hướng dẫn cho các địa phương thực hiện đầy đủ theo các cơ chế và chính sách đã có về thu hồi đất, triển khai nhanh việc giải phóng mặt bằng, tái định cư… Để giải quyết được những vấn đề này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, cá nhân…
Các công ty bất động sản vẫn đang ở trong giai đoạn khó khăn rất cần đến sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, cơ quan quản lý Nhà nước để có thể hồi phục trở lại, tăng trưởng tích cực cùng với thị trường./.
- Khắc phục tình trạng thiếu nhà giá rẻ trên thị trường bất động sản
- Chính sách và pháp lý bất động sản hỗ trợ nhà ở xã hội cần quyết liệt hơn