ISSN-2815-5823
Thứ tư, 06h42 06/02/2019

Giáo dục – “đường băng” để “con người tự do” cất cánh

(KDPT) – Ngành Giáo dục và Đào tạo đã trải qua một năm không ít sóng gió, trong đó có cả sự vụ làm “chấn động lịch sử” của ngành. Nhưng như ánh mặt trời – có thể bị mây đen che khuất nhưng chưa bao giờ ngừng cháy sáng – khát vọng vươn lên trong giáo dục vẫn là mạch ngầm bền bỉ, mạnh mẽ ngay cả ở những nơi “ánh mặt trời không làm ấm được”.

Em Nguyễn Phương Thảo

1. Tại phiên họp ngày 15/11/2018 kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân nói rằng: “Một nền giáo dục thiếu triết lý cũng như thiếu ngọn hải đăng dẫn đường… Những gì là tinh hoa của nhân loại, dân tộc và thời đại cần được chắt lọc để hướng dẫn thế hệ trẻ. Quốc hội đã quyết tâm cho một lần sửa đổi toàn diện thì cần thêm một lần mạnh dạn tư duy cho một nền giáo dục thỏa mãn tư duy, nhu cầu và điều kiện của cuộc cách mạng lần này”.

Cùng quan điểm, trong một cuộc phỏng vấn, TS Tâm lý học Lê Nguyên Phương chỉ ra: “Cần thay đổi nhận thức về bản chất của con người và giáo dục. Điều đó đòi hỏi mỗi người có liên quan tới giáo dục phải nhận diện được ý nghĩa của việc làm người trong mối quan hệ với thiên nhiên, xã hội, và với chính mình”.

Không hẹn mà gặp, nhiều ý kiến về triết lý giáo dục dù tiếp cận ở các góc độ khác nhau đều hướng tới khát vọng tự do. Nhà giáo Giáp Văn Dương cắt nghĩa: Con người tự do là tự do về tư tưởng, tự do tư tuy, tự do lựa chọn-quyết định, tự do kiến tạo. Và TS. Lê Nguyên Phương khẳng định: “Chỉ có những con người tự do mới giáo dục được một thế hệ tự do đứng ra gánh vác việc bảo vệ quốc gia và xây dựng xã hội. Việc này đòi hỏi việc thay đổi hệ thống lẫn sự chuyển hóa ở mỗi cá nhân”.

2. Trong khi “người lớn” bàn chuyện vĩ mô thì các bạn học sinh “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, “…biết học hành là ngoan”. Trong số đó, có những tấm gương ngời sáng để chúng ta trân trọng, tự hào và noi theo.

Em Nguyễn Phương Thảo, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, tham gia cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 29. Kết quả chung cuộc, em đoạt Huy chương Vàng và là thí sinh đạt tổng điểm cao nhất cuộc thi trên tổng số 261 thí sinh.

Đỗ Nhật Nam – cậu bé “thần đồng” được báo chí ca ngợi – được Đại học Pomona – top 6 trường Liberal Art College (giáo dục khai phóng) của Mỹ – gửi thư chấp thuận tuyển sinh sớm (17 tuổi) đồng thời trao tặng suất học bổng trị giá 71.900 USD/năm.

Không còn cơ hội như chị Thảo, anh Nam và rất nhiều anh chị em, bạn bè, cô bé Hải An 7 tuổi ở Hà Nội bị ung thư thần kinh đệm não cầu. Biết mình sẽ qua đời, cô bé quyết định hiến giác mạc đem lại ánh sáng cho 2 bệnh nhân. Sau nghĩa cử cao đẹp của Hải An, số lượng người đăng ký hiến tạng tăng lên gấp 100 lần. Đôi mắt Hải An khép lại cũng là lúc em mở ra ánh sáng và sự sống cho biết bao người!

3. Không phải những cá nhân đạt thành tích xuất sắc hay có những việc làm phi thường, thầy trò trường nghèo xã Tri Lễ (Nghệ An) lặng lẽ dạy và học nơi vùng biên giới Việt – Lào, nơi quanh năm bị bao phủ mây mù, sương giá bao phủ.

Những học trò trường Tri Lễ

Xã Tri Lễ không đường, không điện, không sóng điện thoại, không nước sạch. Lũ trẻ con chân trần, áo quần mỏng manh, quanh năm bụng lúc nào cũng đói. Học sinh Tri Lễ thường đi bộ 5-15km đường đồi núi đến trường. Và trường học chỉ có những lớp học vách gỗ không kín, gió lùa từ đầu này tới đầu kia, lạnh tê tái. Ấy thế mà chuyện học hành vẫn được duy trì dù có những mùa mưa không thấy mặt trời, sáng sớm cũng như chiều tối. Khát khao được đến trường, được học chữ của những đứa trẻ vùng cao khiến nhiều người từng đặt chân tới vùng đất này cảm động.

Ừ thì có thể chúng không trở thành ông nọ bà kia. Ừ thì có thể có những đứa không bước chân khỏi nơi chúng sinh ra. Nhưng ít nhất khi lớn lên, chúng sẽ biết trồng cái gì ở đồi trọc, nương rẫy cho đủ cái ăn cái mặc; biết nuôi con gì để làm giàu; biết tính toán cơ bản để đem đồ xuống chợ bán không bị thua thiệt… Chỉ cần nghe tụi nhỏ bập bẹ tiếng Kinh, các thầy giáo trường Tri Lễ lại bừng lên hi vọng về một tương lai sáng sủa hơn cho con người và mảnh đất quanh năm sương phủ này.

4. Chưa cần đến giáo dục. Bản năng của con người là luôn khao khát vươn lên, như cây xanh vươn về ánh sáng. Khắp mọi miền Tổ quốc, không phân biệt vùng miền, dân tộc, tôn giáo, kinh tế… chúng ta đã có những học sinh khát chữ, yêu chữ; đã có những học sinh tư chất vượt bậc… Và việc giáo dục cần làm là tổ chức, sắp xếp, vận hành, tạo “đường băng” cho những khát vọng, ước mơ tự do cất cánh. “Con người tự do” phải là mục tiêu, là triết lý của ngành giáo dục mới có thể tạo nên một cộng đồng, một quốc gia hùng cường.

Ngân Anh

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024