ISSN-2815-5823

Hà Giang: Nông dân đổi đời nhờ sự đồng hành của hợp tác xã

(KDPT) - Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã thúc đẩy việc phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho các thành viên.

Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 838 HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực: Nông lâm, ngư nghiệp, thương mại, dịch vụ, vận tải, du lịch, xây dựng và khai thác vật liệu xây dựng. Trong đó, HTX nông lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất lên đến 57%. Cũng tại khu vực HTX này đã hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất, xuất hiện hình thức liên kết, hợp tác đa dạng với nhiều mô hình kinh tế tập thể hiệu quả, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển.

Đặc biệt, từ sự hoạt động hiệu quả của các HTX đã thúc đẩy, hỗ trợ người dân làm ra nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa chất lượng cao. Đồng thời, đưa các sản phẩm nông nghiệp đến tay người tiêu dùng nhiều hơn.

Chia sẻ với báo chí, bà Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, với quan điểm phát triển kinh tế tập thể, HTX không chạy theo số lượng mà tập trung xây dựng HTX theo chiều sâu, tỉnh Hà Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ HTX phát triển bền vững, từng bước xây dựng các mô hình HTX điển hình có sự liên kết chặt chẽ với các hộ thành viên trong sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất theo chuỗi giá trị để nhân rộng.

Hà Giang: Nông dân đổi đời nhờ sự đồng hành của hợp tác xã
Phát triển, nhân rộng mô hình HTX giảm nghèo. (Ảnh: ITN)

Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm trở lên; trong đó tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 6%/năm trở lên.

Phấn đấu 95% các hộ sinh sống ở huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được tiếp cận thông tin. 100% các huyện nghèo, xã thuộc huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa, kết nối thị trường và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản.

HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Sà Phìn A (xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn) là một ví dụ điển hình về việc thoát nghèo nhờ tham gia HTX. Khi mới thành lập HTX chỉ có 20 thành viên, chuyên sản xuất các sản phẩm thêu, dệt, nhuộm vải lanh truyền thống.

Hà Giang: Nông dân đổi đời nhờ sự đồng hành của hợp tác xã
HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Sà Phìn A giới thiệu sản phẩm do chính các thành viên thực hiện. (Ảnh: VnBusiness)

Sau 5 năm, HTX có bước phát triển nhanh chóng, hình thành chuỗi khép kín, tự cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho hàng chục thành viên ở xã Sà Phìn và nhiều xã trong huyện Đồng Văn.

Chị Sùng Thị Sy, Giám đốc HTX cho biết, HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Sà Phìn A luôn có đơn đặt hàng ổn định từ các nước như Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật Bản... Đặc biệt, các cửa hàng thời trang trong nước cũng đến đây nhập sản phẩm của HTX. Với công việc đều đặn, mỗi thành viên HTX có thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng, nhiều hộ thành viên đã vươn lên thoát nghèo, có thu nhập ổn định./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 14/05/2024