Hà Nội khẳng định vị thế - điểm đến tin cậy của du khách Hồi giáo
Buổi tọa đàm nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp thiết thực để xây dựng hệ sinh thái du lịch thân thiện với du khách Hồi giáo tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Hà Nội – điểm đến ưu thích của du khách Hồi giáo
Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, những năm qua, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thị trường khách du lịch từ các nước có cộng đồng người Hồi giáo lớn đến Hà Nội tiêu biểu như một số quốc gia, gồm: Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Bangladest, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xêut, Các tiểu vương quốc A Rập thống nhất (UAE), Ai Cập, Brunei, Quatar...
Năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ từ thị trường khách các nước này tới Hà Nội so với năm 2023, với tổng số khoảng 650.000 khách (khoảng 15% tổng số khách quốc tế đến Hà Nội), cụ thể: Ấn Độ (với 325.880 lượt khách, tăng 38,3%), Malaysia (tương ứng 2,72%, 121.988 lượt khách, tăng 18,1%), Indonesia (109.390 lượt khách, tăng 3,6 lần), Bangladest (16.389 lượt khách, tăng 2,4 lần), Thổ Nhĩ Kỳ (13.842 lượt khách, tăng 69,1%)…

Trong 5 tháng đầu năm 2025, mức tăng trưởng khá tiếp tục được duy trì với lượng khách từ hầu hết các quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo lớn tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước. Ấn Độ, Malaysia và Indonesia là các thị trường dẫn đầu về lượng khách trong nhóm. Đây là các thị trường khách tiềm năng của du lịch Hà Nội nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Tại Hà Nội có cộng đồng Hồi giáo với gần 2.000 người, tạo ra nền tảng văn hóa quan trọng, góp phần kết nối và thể hiện sự thân thiện của Thành phố với du khách Halal. Thánh đường Al-Noor, được xây dựng từ năm 1885 tại số 12 Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm, là thánh đường Hồi giáo duy nhất tại Thành phố, không chỉ là nơi cầu nguyện của người Hồi giáo địa phương mà còn đáp ứng một trong những nhu cầu thiết yếu của du khách Halal là không gian cầu nguyện thuận tiện.
Du khách Hồi giáo khi đến Hà Nội cũng tìm kiếm các nhà hàng đạt chuẩn Halal, dịch vụ lưu trú có thể cung cấp suất ăn Halal và môi trường sinh hoạt thân thiện với tín ngưỡng của họ. Cần nhấn mạnh rằng Halal không chỉ giới hạn ở thực phẩm mà còn bao hàm các tiêu chuẩn liên quan đến quy trình chế biến, cách thức xử lý các sản phẩm thực phẩm, dịch vụ theo đúng tiêu chuẩn Hồi giáo.
Theo ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, thời gian qua, Hà Nội đã có những bước đầu tích cực nhằm đáp ứng các nhu cầu của phân khúc khách du lịch Halal. Đối với các cơ sở lưu trú đạt chuẩn Halal, hiện trên địa bàn thành phố có Khách sạn Melía Hanoi và Intercontinental Hanoi Landmark72 được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Halal. Các khách sạn nhận phục vụ đồ ăn Halal theo nhu cầu của khách và đơn vị cung cấp thực phẩm, nguyên liệu chế biến món ăn đều có chứng chỉ Halal, như: Hotel Duparc, Grand Mercure, Pullman, Movenpick Living West Hanoi, JW. Marriott, Sofitel Legend Metropole, Khu căn hộ khách sạn Grand K Suites, Khu căn hộ Fraser Suites…

Ngoài ra, khách du lịch Halal còn chú trọng đến sự thoải mái và tôn trọng dành cho du khách Hồi giáo, đặc biệt là phụ nữ. Với danh hiệu “Điểm đến an toàn nhất khu vực dành cho phụ nữ đi du lịch một mình” do chuyên trang du lịch trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á Tripzilla bình chọn năm 2023 và “Top những thành phố an toàn nhất Đông Nam Á” (vị trí thứ 5) do chuyên trang đánh giá chất lượng sống ở các thành phố trên thế giới Numbeo bình chọn năm 2023; Hà Nội khẳng định vị thế và chứng minh sự đáp ứng đối với nhu cầu đặc thù về không gian an toàn, thân thiện và tôn trọng văn hóa của du khách Hồi giáo.
Còn nhiều việc phải làm...
Tuy nhiên, ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận, hệ thống dịch vụ Halal tại Hà Nội vẫn còn phân tán và chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn cấp giấy chứng nhận Halal cho các sản phẩm, dịch vụ. Việc đào tạo nguồn nhân lực am hiểu văn hóa Hồi giáo, xây dựng sản phẩm du lịch chuyên biệt và kết nối thị trường Halal toàn cầu còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Còn ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, do đặc thù riêng về tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, dòng khách Halal có những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, nhất là yêu cầu về ẩm thực tuân thủ quy chuẩn Halal, không gian sinh hoạt tôn giáo (phải có phòng cầu nguyện), cùng với sự tôn trọng các giá trị văn hóa, tín ngưỡng và phong tục tập quán của đạo Hồi. Hiện nay, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn còn ít cơ sở đạt tiêu chuẩn Halal.
Tại buổi tọa đàm, đa số các chuyên gia cho rằng, để khai thác hiệu quả phân khúc du lịch tiềm năng này, việc định hướng phát triển du lịch Halal cần có chiến lược bài bản, không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, mà còn phù hợp với xu thế phát triển du lịch bền vững, đa dạng và toàn diện trên phạm vi toàn cầu.

Ông Nguyễn Quý Phương - Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế và Xúc tiến du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho rằng, các địa phương trong đó có Hà Nội nên chú ý xây dựng những cơ sở hạ tầng đạt chuẩn Halal, trong đó cần lưu ý các tiêu chuẩn về phòng cầu nguyện, thực phẩm dành riêng cho khách đạo Hồi, các sản phẩm du lịch xanh bền vững.
Việc phát triển du lịch Halal cần được đặt trong khuôn khổ quy hoạch tổng thể, gắn với bảo đảm an ninh tôn giáo và chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực còn mới mẻ, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các đối tác trong, ngoài nước./.
- Xây dựng hệ sinh thái Halal, Hà Nội mong muốn trở thành điểm đến đa dạng văn hóa
- Đắk Lắk: Nâng cao năng lực tiếp cận, khai thác thị trường Halal cho doanh nghiệp