ISSN-2815-5823

Hai cổ phiếu cao su tăng trần nhờ đất khu công nghiệp

(KDPT) - Việc chuyển đổi đất cao su thành đất khu công nghiệp tạo kỳ vọng lớn cho nhóm cổ phiếu cao su, nhất là GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam hay DPR của Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú.

GVR và DPR mang sắc tím

Doanh nghiệp cao su tự nhiên sở hữu quỹ đất trồng cao su lớn, họ tận dụng tốt lợi thế này để thúc đẩy phát triển mảng bất động sản khu công nghiệp - điểm sáng tăng trưởng trên thị trường BĐS nói chung trong những năm qua và thời gian tới.

Chốt phiên giao dịch ngày 12/3, một loạt cổ phiếu cao su xanh sàn, đáng chú ý là hai mã tím GVR và DPR với mức tăng gần 7%. Cuối ngày, cả hai mã cổ phiếu này đều cháy hàng khi GVR còn tới 61 ngàn đơn vị dư mua, còn DPR là trên 370 ngàn đơn vị dư mua, chiều dư bán hoàn toàn trắng bẳng.

GVR và DPR cùng một số mã cổ phiếu cao su đều tăng mạnh
GVR và DPR cùng một số mã cổ phiếu cao su đều tăng mạnh

Cụ thể, hơn 3,5 triệu cổ phiếu DPR khớp lệnh, con số kỷ lục của mã này tính từ thời điểm lên sàn đến nay. Trong khi GVR có trên 9,4 triệu cổ phiếu khớp lệnh, cao nhất kể từ năm 2021 đến nay.

Phiên giao dịch này đã kéo mạnh đà tăng của cả hai cổ phiếu cao su trên, giúp GVR ghi nhận mức tăng gần 25% trong tháng qua, và trên 100% kể từ đầu năm 2023. DPR khiêm tốn hơn khi tăng gần 8% trong tháng và hơn 50% trong một năm qua.

Thực tế, hoạt động kinh doanh trong năm 2023 của các doanh nghiệp cao su không đạt kỳ vọng. Tại GVR, hoạt động sản xuất mủ cao su (mảng kinh doanh chính) đã giảm 20% so với cùng kỳ. Song nhờ vào hoạt động tài chính mà công ty này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, giảm 30% so với năm trước đó và giảm so với kế hoạch đã điều chỉnh giảm trước đó vì tình hình kinh doanh khó khăn, song GVR vẫn hoàn thành kế hoạch.

Báo cáo tài chính đã kiểm toán của DPR cho thấy, lợi nhuận cả năm 2023 là 108 tỷ đồng, đạt 86% so với năm 2022. Nguyên nhân xuất phát từ việc doanh thu giảm do sản lượng tiêu thụ giảm, cây cao su thanh lý cũng giảm.

Việc hai mã cổ phiếu này tăng trong thời gian gần đây đến từ kỳ vọng của nhà đầu tư trước chủ trương chuyển đổi đất cao su sang làm khu công nghiệp để bổ sung nguồn cung đất khu công nghiệp cho nhiều địa phương còn đang hạn chế do các vấn đề về định giá đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng.

Chẳng hạn tại Đồng Nai, Thủ tướng phê dụng sử dụng đất cao su chuyển đổi là 6,700 ha (chiếm 91% tổng diện tích) đến năm 2025 và 2.000 ha trong giai đoạn 2025-2030 (chiếm 48% tổng diện tích). Tại Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu cũng sẽ có hàng nghìn ha được chuyển đổi.

GVR hiện đang nắm giữ cổ phần tại nhiều doanh nghiệp cao su, như hơn 55% cổ phần tại DPR, 66% tại Công ty cao su Phước Hòa, 98% tani cao su Tân Biên… Đây đều là các doanh nghiệp có phần diện tích chuyển đổi lớn.

SSI Research phân tích, chi phí đền bù đất trồng cây cao su có thể tăng từ 30-50% so với ngày trước nhờ áp dụng theo các phương pháp định giá từ Luật Đất đai sửa đổi. Như vậy, đây trở thành một lợi thế lớn cho các doanh nghiệp cao su. Song, các chuyên gia khuyến cáo, vẫn có khả năng việc chuyển đổi đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp sẽ bị chậm trễ, ngoài ra nhu cầu cao su có thể giảm vì ảnh hưởng từ nền kinh tế toàn cầu, dẫn tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành này không tốt.

Chi phí đền bù đất trồng cây cao su có thể tăng từ 30-50% so với trước đây
Chi phí đền bù đất trồng cây cao su có thể tăng từ 30-50% so với trước đây

Cổ phiếu GVR đã tác động tích cực lên thị trường trong giai đoạn này. VN-Index vào cuối phiên 12/3 đã lấy lại hơn 10 điểm sau 2 phiên giảm sâu. Nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư nên tranh thủ bán để hạ tỷ trọng danh mục về ngưỡng an toàn nhân cơ hội mã này đang hồi phục.

Tăng diện tích đất khu công nghiệp

Từ làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đã tạo ra lợi thế lớn cho BĐS khu công nghiệp. Việt Nam là quốc gia thu hút FDI và tăng trưởng liên tục qua từng năm, đồng thời là điểm đến trong xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng từ ngoài vào nhờ sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, nền kinh tế - chính trị - xã hội ổn định, đầu tư mạnh vào hạ tầng cải thiện, lao động trẻ dồi dào, chi phí đầu tư cạnh tranh…

Từ nhiều năm nay, nhiều địa phương đã “dọn tổ đón đại bàng”, thể hiện tiềm năng của BĐS khu công nghiệp. Tại phía Bắc, với lợi thế gần với Trung Quốc, chi phí thấp và quỹ đất sạch còn nhiều. Tại phía Nam, khu vực được đánh giá cao nhờ tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ sở hạ tầng phát triển…

Một trong những hoạt động trọng tâm của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam  - VRG (mã GVR) là phát triển khu công nghiệp. Theo một chuyên gia trong ngành, VRG sẽ hưởng lợi lớn từ việc nhận tiền đền bù đất trồng cây cao su khu chuyển sang đất khu công nghiệp. Việc doanh nghiệp này tự phát triển khu công nghiệp sẽ khó khăn hơn vì hoạt động chuyển đổi phải thông qua đấu giá.

VRG sẽ hưởng lợi lớn từ việc nhận tiền đền bù đất trồng cây cao su khu chuyển sang đất khu công nghiệp
VRG sẽ hưởng lợi lớn từ việc nhận tiền đền bù đất trồng cây cao su khu chuyển sang đất khu công nghiệp

Vị chuyên gia cho rằng, yếu tố pháp lý là rào cản lớn nhất. Tại phía Nam hiện chỉ có Bình Dương vẫn còn nhiều dư địa mở rộng quỹ đất khu công nghiệp vì có nhiều đất trồng cao su, tuy nhiên việc chuyển đổi mục đích sử dụng thông qua đấu giá còn diễn ra chậm khiến nguồn cung bị hạn chế. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có sẵn đất khu công nghiệp có lợi thế hơn so với các công ty làm thủ tục chuyển đổi vì giá đền bù đất tăng cao, thủ tục kéo dài.

Trên thực tế, nguồn cung đất khu công nghiệp tại phía Nam kể từ năm 2022 đến nay đã giảm mạnh vì nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề chậm giải phóng mặt bằng. Đến năm 2024, kỳ vọng tiến độ hoàn thành thủ tục pháp lý sẽ được xử lý nhanh chóng khi các vấn đề quy hoạch từ địa phương đang được xử lý rốt ráo./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/12/2024