ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 09h43 02/04/2021

H&M bị xóa sổ khỏi Internet ở Trung Quốc và bài toán lợi ích cho các nhà bán lẻ khác

(KDPT) – Thương hiệu thời trang Thụy Điển H&M đã vấp phải làn sóng tẩy chay dữ dội của người tiêu dùng Trung Quốc, đỉnh điểm là các mặt hàng của H&M đều bị xóa sạch trên các nền tảng mua sắm online như Alibaba và JD.com . Đây giống như một lời cảnh báo dành cho các nhà bán lẻ quốc tế khác trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang đang đẩy mạnh kêu gọi tẩy chay các nhãn hàng phương Tây.

Gốc gác của làn sóng tẩy chay

Theo New York Times, vào tháng 9 năm ngoái, trên trang web chính thức, H&M tuyên bố ngừng dùng bông vải từ Tân Cương vì “lo ngại sâu sắc về những cáo buộc cưỡng ép lao động, vi phạm nhân quyền và phân biệt đối xử các nhóm sắc tộc tôn giáo thiểu số ở Tân Cương”.

Tuyên bố được đưa ra sau khi BBC đưa tin rằng hàng trăm nghìn người thuộc cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang bị lao động khổ sai. Kể từ đó, các báo cáo đã xuất hiện cáo buộc các quan chức tiếp tục bức hại người Duy Ngô Nhĩ với việc giam giữ trong các trại tập trung ở Tân Cương, cũng như cưỡng bức triệt sản. Chính quyền Bắc Kinh đã phủ nhận tuyên bố đó và nói rằng đây chỉ là “trung tâm giáo dưỡng cung cấp đào tạo nghề”.

Sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc là Taobao đã gỡ các kết quả tìm kiếm về H&M. (Ảnh: timesargus).

Tuy nhiên, đến ngày 24/3 vừa qua, vụ việc bỗng bùng lên tranh cãi dữ dội ở Trung Quốc với nhiều lời kêu gọi mọi người tẩy chay sản phẩm của H&M. Hashtag “Tôi ủng hộ bông Tân Cương” hiện đang là chủ đề thịnh hành nhất trên Weibo với hơn 1,8 tỷ lượt xem.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và nhiều cơ quan truyền thông khác đã đăng tải bài viết phản đối, chỉ trích H&M đã có “một nước đi sai lầm khi cố gắng đóng vai anh hùng chính nghĩa”, và mỉa mai H&M chắc chắn sẽ phải trả giá đắt cho hành động này. Các cư dân mạng khác thì gọi lập trường của H&M là “ngu dốt và kiêu ngạo”.

Cùng ngày, hàng loạt sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Taobao, JD, Tmall, Pinduoduo, Jingdong đã gỡ các kết quả tìm kiếm về H&M và gỡ các sản phẩm của thương hiệu này khỏi trang web bán hàng.

Ứng dụng bản đồ Trung Quốc Baidu Maps và dịch vụ bản đồ của Alibaba cũng xóa định vị của 500 cửa hàng H&M tại Trung Quốc.

Theo ghi nhận của người dùng ở Bắc Kinh, bất kỳ tìm kiếm nào về H&M ở cả bản đồ Apple trên iPhone hay ứng dụng bản đồ trên Baidu đều không cho ra kết quả. Trong khi đó, khi tìm cửa hàng của những đối thủ cạnh tranh với H&M như Uniqlo, các kết quả hiện lên bình thường.

Sau đó, nhiều cửa hàng thời trang H&M ở Trung Quốc đã bị chủ cho thuê mặt bằng yêu cầu phải đóng cửa, hàng loạt biển quảng cáo bị gỡ bỏ.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 25/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định bông Tân Cương là “một trong những loại bông tốt nhất thế giới, không sử dụng nó là gây thiệt hại cho các công ty này”. Bà nói thêm rằng các báo cáo về “lao động cưỡng bức” ở Tân Cương là tin đồn sai sự thật do lực lượng chống Trung Quốc tung ra.

“Phát tán tin đồn tẩy chay bông Tân Cương khi đang cố gắng kiếm tiền ở Trung Quốc ư? Thật là mộng tưởng!” Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc đăng trên Weibo, theo tờ Global Times của Trung Quốc.

Sau H&M, đến lượt Nike cũng bị “réo gọi” vì liên quan đến bông Tân Cương. Nguyên nhân bắt đầu từ tổ chức BCI (Better Cotton Initiative) tạm thời ngừng cấp chứng nhận bông Tân Cương do gặp khó khăn trong việc kiểm tra hàng hóa. Điều này có nghĩa là tất cả các thành viên của BCI bao gồm Nike, Converse, Fila, Puma, New Balance, Uniqlo, Adidas, Burberry… đều sẽ không sử dụng loại bông này.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 28/2, một người phát ngôn của chính quyền Khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc) yêu cầu “H&M nên xem xét vấn đề Tân Cương của Trung Quốc một cách nghiêm túc, và không nên đưa chính trị vào các hoạt động thương mại của mình”.

Người này cho biết các công ty không nên chính trị hóa các hoạt động kinh tế của mình và “H&M sẽ không thể kiếm tiền ở thị trường Trung Quốc nữa”.

Ông cũng nói thêm “Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) và Canada đã sử dụng vấn đề nhân quyền ở Tân Cương như một cái cớ ngụy tạo, tham gia vào thao túng chính trị để gây mất ổn định tình hình ở Trung Quốc”.

Được biết Trung Quốc có “bề dày thành tích” trong việc trừng phạt các công ty và người nổi tiếng nếu có quan điểm chính trị đối lập, đặc biệt là về các vấn đề Tây Tạng, Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương.

Sự xuống nước của H&M và bài học cho các nhà bán lẻ khác

Dựa trên số liệu của Inditex, H&M là nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc cũng là thị trường lớn thứ tư của H&M, sau Đức, Mỹ và Anh. Tính đến tối 24/3, H&M có 520 cửa hàng ở quốc gia đông dân nhất hành tinh, chiếm 5,2% tổng doanh thu ròng của hãng.

H&M là nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc cũng là thị trường lớn thứ tư đầy tiềm năng của H&M. (Ảnh: Business Insider).

Trong khi đó, trước phản ứng dữ dội của ngưởi dân về những thương hiệu lớn của phương Tây, một số công ty ở Trung Quốc đã bắt đầu quảng cáo việc sử dụng bông sản xuất tại Tân Cương, theo CNN.

Thương hiệu thời trang thể thao Trung Quốc Anta Sports đã tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục sử dụng mặt hàng bông vải từ Tân Cương, trong khi nhà bán lẻ Nhật Bản Muji bắt đầu quảng cáo các sản phẩm làm bằng “bông Tân Cương”.

Có lẽ chính vì điều này mà H&M phải tìm cách “xuống nước” nhằm xoa dịu Trung Quốc để có thể “sống sót” ở đây.

Bà Hoa Xuân Oánh đã nhấn mạnh: “Bắc Kinh coi việc H&M và Nike tẩy chay bông Tân Cương là gây thiệt hại cho chính họ”.

Cũng trong một tuyên bố hôm 31/3, tập đoàn H&M đã khẳng định tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc và cho biết họ đang nghiên cứu các chiến lược để tìm nguồn cung ứng nguyên liệu.

“Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng đối với chúng tôi và cam kết lâu dài của chúng tôi đối với đất nước này vẫn mạnh mẽ. Chúng tôi đang làm việc cùng với các đồng nghiệp của mình ở Trung Quốc để làm mọi thứ có thể để giải quyết những thách thức hiện tại và tìm ra con đường phía trước. Chúng tôi nỗ lực hết mình để lấy lại niềm tin và sự tin cậy của khách hàng, đồng nghiệp và đối tác kinh doanh của chúng tôi ở Trung Quốc”, tuyên bố H&M đưa ra.

Đáng nói là tuyên bố không hề đề cập tới vấn đề bông Tân Cương, vốn là căn nguyên dẫn tới làn sóng tẩy chay H&M tại Trung Quốc. Điều này khiến cư dân mạng Trung Quốc tiếp tục chỉ trích hãng thiếu “sự chân thành” khi không đưa ra lời xin lỗi trực tiếp. “Rõ ràng không thấy được lời xin lỗi và sự chân thành nào từ hãng cả”, một bình luận trên mạng cho biết.

H&M không phải là thương hiệu quốc tế duy nhất nhận được phản ứng dữ dội vì có quan điểm công khai chống lại bông có nguồn gốc từ Tân Cương. Ít nhất 11 thương hiệu Mỹ và châu Âu , bao gồm Burberry, Nike và Adidas, cũng đang phải đối mặt với tình trạng sa sút. Tencent đã xóa trang phục cho các nhân vật trong game online do Burberry thiết kế.

Dường như sự biến mất của H&M đã thể hiện sức mạnh mà Trung Quốc có thể phô bày đối với các nhà bán lẻ nước ngoài, bằng cách áp trừng phạt vào 10 cá nhân châu Âu, bao gồm nhà ngoại giao, quan chức, học giả và chính trị gia cũng như bốn thực thể châu Âu. Những lời chỉ trích chính thức của Trung Quốc đối với H&M đã phản ánh một giọng điệu bất bình khi bị đối tác EU làm tổn thương.

Ngược lại, trước đó, ngày 22/3, Mỹ, EU, Anh và Canada đã phối hợp trừng phạt các quan chức Trung Quốc với cáo buộc vi phạm nhân quyền nhằm vào cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Cụ thể, EU cho biết sẽ áp dụng lệnh trừng phạt cấm đi lại và đóng băng tài sản với 4 quan chức Trung Quốc là những người giữ các chức vụ lãnh đạo tại vùng Tân Cương, và một công ty xây dựng tại Tân Cương. Động thái này đánh dầu lần đầu tiên kể từ năm 1989 EU ra các lệnh trừng phạt nhằm vào Trung Quốc với các cáo buộc nhân quyền.

Nếu tính về bài toán kinh tế, H&M đã làm rất tốt trong việc khéo léo “xoa dịu” Trung Quốc để giữ vững việc kinh doanh của hãng. Còn ở bài toán chính trị, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh hay Canada đều đã tỏ thái độ không nhượng bộ, dứt khoát “trừng phạt” Trung Quốc trong các vấn đề bảo vệ nhân quyền dù đó bị coi là “sự can thiệp thô bạo vào vấn đề nội bộ của quốc gia”(trích lời của Bộ Ngoại giao Trung Quốc), thì rõ ràng đây là một hành động đáng được ca ngợi.

MINH HẠ

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024