ISSN-2815-5823
Thứ tư, 00h59 19/08/2020

Hoàn thiện pháp luật, khơi thông vốn để phát triển hạ tầng giao thông

(KDPT) – Muốn thu hút được nguồn vốn xã hội tham gia vào các dự án giao thông trong thời gian tới, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo hài hoà lợi ích của nhân dân, nhà nước, nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: muốn ngân hàng tham gia vào dự án giao thông thì chính dự án đó phải có hiệu quả và “không thể dùng mệnh lệnh để ép ngân hàng cho vay”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Sáng 18/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan về tình hình triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, đối với 6 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công, hiện 3 dự án đoạn Cao Bồ-Mai Sơn, Cam Lộ-La Sơn và đường đầu cầu Mỹ Thuận 2 đã triển khai thi công từ tháng 9/2019, phần cầu chính cầu Mỹ Thuận 2 sẽ khởi công ngày 19/8 tới.

Với 3 dự án chuyển đổi sang đầu tư công (đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây) hiện các Ban Quản lý dự án đã phát hành hồ sơ mời thầu, dự kiến sẽ khởi công các gói thầu đầu tiên trong tháng 9/2020.

Với 5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), Bộ GTVT cho biết dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao vai trò của Bộ GTVT thời gian vừa qua đã triển khai các công việc liên quan để triển khai dự án cao tốc Bắc-Nam tuyến phía Đông. Đến nay, ngoài 3 dự án đang triển khai thi công, đã hoàn thiện xong thiết kế kỹ thuật và thực hiện đấu thầu 8 dự án còn lại.

Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu trong Chiến lược phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam là đến năm 2020 phải đưa vào khai thác 2.000 km đường cao tốc thì kết quả này đang chậm. Hiện, mới có khoảng 1.400 km đường cao tốc đang được khai thác. Như vậy, nếu dồn toàn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai, thì phải hết năm 2021 mới có thể cơ bản hoàn thành mục tiêu.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về việc Bộ GTVT khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để có thể khởi công 3 dự án thành phần đã chuyển đổi sang đầu tư công ngay trong tháng 9/2020.

Khó huy động vốn ngân hàng

Riêng với 5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, theo hồ sơ mời thầu, tổng vốn đầu tư 5 dự án khoảng 39.530 tỷ đồng (vốn ngân sách tham gia là 20.136 tỷ đồng, chiếm 51%; vốn nhà đầu tư huy động là 19.394 tỷ đồng, chiếm 49%). Nhu cầu vốn tín dụng trung bình khoảng 3.100 tỷ đồng/dự án.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, hiện “khó có thể xem xét, tài trợ vốn cho các dự án giao thông mới”.

Bởi, hầu hết các dự án BOT, BT giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài… tiềm ẩn rủi ro cho các ngân hàng. Trên thực tế, những vướng mắc phát sinh trong thời gian qua về thu phí tại các trạm BOT dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến, gây nợ xấu tạo áp lực lớn cho các tổ chức tín dụng.

Việc cho vay của các tổ chức tín dụng đối với các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông thực hiện theo cơ chế thương mại hiện hành, các Ngân hàng sẽ tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, trong giai đoạn 2021 – 2030, Việt Nam phải đưa vào vận hành khoảng 3.000km đường cao tốc nữa. Giai đoạn 5 năm (2021-2025), phải hoàn thành được từ 1.300-1.500 km đường cao tốc, tương ứng với nhu cầu vốn khoảng 260.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT dự kiến sẽ được giao 300.000-350.000 tỷ đồng vốn, tuy nhiên chỉ 30% số tiền này được dùng để làm đường bộ cao tốc (khoảng 100.000 tỷ đồng). Như vậy, sẽ thiếu khoảng 160.000 tỷ đồng nữa mới đủ nguồn lực để thực hiện mục tiêu.

“Chúng ta phải huy động nguồn lực từ các nhà đầu tư, trong đó vai trò của ngân hàng là đặc biệt quan trọng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để các ngân hàng tham gia vào các dự án giao thông?”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các dự án giao thông phải hiệu quả, hấp dẫn nhà đầu tư

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, muốn ngân hàng tham gia vào dự án giao thông thì chính dự án đó phải có hiệu quả và “không thể dùng mệnh lệnh để ép ngân hàng cho vay”.

Trước hết, các bộ, ngành liên quan cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo trách nhiệm và quyền lợi của các chủ thể rõ ràng, minh bạch. Bộ KH&ĐT phải nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật PPP vừa được Quốc hội ban hành, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa người dân, nhà nước và nhà đầu tư.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải hoàn thiện hệ thống quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc một cách tổng thể, đồng bộ, trên cơ sở đó kế hoạch hoá đầu tư, tính toán được thời gian thu hồi vốn.

Đồng thời, phải nâng cao chất lượng các dự án đầu tư xây dựng, từ khâu thiết kế, chuẩn bị, đầu tư, thi công, vận hành, khai thác nhằm mục tiêu giảm thiểu chi phí, nâng cao chất lượng công trình.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT giao thông thời gian qua.

“Những vấn đề của các dự án BOT trước đây chúng ta gặp phải không thể để ảnh hướng tới các dự án hiện tại. Bởi các dự án mới này đều được xây dựng bài bản, nghiên cứu kỹ càng trên cơ sở khoa học, chúng ta tính toán làm sao có phương án thu phí tối ưu, đảm bảo cho nhà đầu tư thu hồi vốn hiệu quả, đảm bảo để ngân hàng tham gia tích cực”, Phó Thủ tướng nói.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ GTVT xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn tới, tăng tỉ lệ các dự án đầu tư công để giải quyết những vấn đề cấp bách trong bối cảnh hiện nay.

Bộ KH&ĐT phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan hoàn thiện pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng. Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT khẩn trương xây dựng, ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật PPP bởi “đây là cơ hội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BOT nói chung”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đề xuất chính sách cụ thể tháo gỡ cho các Ngân hàng thương mại để có cơ chế tham gia các dự án giao thông trong thời gian tới.

Về phía Bộ GTVT, Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan này tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, năng lực của các chủ thể tham gia quá trình đầu tư, xây dựng như tư vấn, thẩm định dự án, quy hoạch, các Ban quản lý dự án…

Riêng với kiến nghị của Bộ GTVT về việc thống nhất quan điểm Bộ GTVT là cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đối với toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam để đảm bảo thống nhất và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý với quan điểm để Bộ GTVT là cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm cao nhất đối với hệ thống đường cao tốc quốc gia.

PHAN TRANG – ĐOÀN BẮC

Bạn đang đọc bài viết Hoàn thiện pháp luật, khơi thông vốn để phát triển hạ tầng giao thông
tại chuyên mục Thời sự.
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
0369452904 – 0977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]

Nguồn link gốc: https://baochinhphu.vn/Thoi-su/Hoan-thien-phap-luat-khoi-thong-von-de-phat-trien-ha-tang-giao-thong/404676.vgp



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 04/12/2024