Học sinh trung học được trải nghiệm thực tế với lập trình robot
Với chủ đề “Khám phá sao Hỏa”, cuộc thi thu hút học sinh tham dự không chỉ đến từ Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, mà còn từ các tỉnh thành xa xôi như Cao Bằng hay Ninh Thuận.
Cô Huỳnh Thục Yến, trưởng nhóm Tiếp cận và tương tác số trực thuộc CODE, cho biết chủ đề “hot” này sẽ truyền cảm hứng giúp các em học sinh khám phá thêm về ngành thiên văn học.
“Qua việc kiến tạo cuộc sống của con người trên một hành tinh khác, các em học sinh có cơ hội nâng cao khả năng sáng tạo và mở rộng chân trời khoa học của bản thân”, cô Yến chia sẻ.
“Cuộc thi được thiết kế với kiến thức STEM đơn giản thích hợp cho học sinh trung học. Chúng tôi đem đến cho các em kênh thực hành lập trình robot miễn phí trước mỗi vòng thi nhằm đảm bảo các em được trang bị đầy đủ kỹ năng lập trình cơ bản quan trọng. Chúng tôi còn đưa công nghệ thực tế tăng cường (AR) vào các thử thách để các em học sinh có thêm trải nghiệm thú vị bên cạnh việc lập trình robot”.
Trong quá trình tham gia cuộc thi, các em học sinh không chỉ cải thiện kỹ năng bản thân mà còn có được khoảng thời gian vui vẻ và trải nghiệm các công nghệ mới.
Đội chiến thắng cuộc thi Lập trình robot trực tuyến toàn quốc đến từ trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk). |
Em Nguyễn Huy Hoàng - Học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk), thành viên của đội thắng cuộc NTTN, thể hiện sự biết ơn khi có cơ hội được phát triển kỹ năng làm việc nhóm và học thêm kiến thức mới mà em chưa có trước đây.
“Em muốn cảm ơn Đại học RMIT đã tổ chức một cuộc thi vui vẻ và thú vị như vầy cho chúng em, giúp chúng em trải nghiệm và có thêm kiến thức mới, đồng thời thắp sáng đam mê trong chúng em về mảng lập trình robot”, Hoàng nói.
Trong khi đó, Phạm Hoàng Hiệp - thành viên khác của đội thắng cuộc - chia sẻ khoảnh khắc bạn tự hào nhất ở vòng bán kết chính là “khi chúng em hoàn thành xuất sắc vòng thi trong chỉ 25 giây và đạt điểm tối đa 20 trong ngay lần chấm điểm đầu tiên”.
“Chúng em đối diện với nhiều thách thức trong toàn bộ quá trình thi, chẳng hạn như việc phối hợp trong nhóm, áp dụng các câu lệnh vào chương trình. Tuy nhiên, cuối cùng thì em cũng học được cách làm thế nào để phối hợp với mọi người hiệu quả và làm thế nào để ứng dụng kiến thức vừa học được vào chương trình học”, Hiệp nói.
Theo thầy Nguyễn Như Cường, giáo viên trường Phổ thông Dân tộc nội trú Tây Nguyên, cuộc thi còn hữu ích cho giáo viên trong việc lên kế hoạch cho các hoạt động liên quan đến các chủ đề STEM. “Tôi nghĩ đây là sân chơi cần thiết cho các trường ở xa với điều kiện còn khó khăn”, thầy Cường cho biết.
“Cuộc thi thách thức các em học sinh thử công nghệ mới, đồng thời truyền cảm hứng cho không chỉ các em tham gia thi mà còn các em học sinh khác trong trường hứng thú với môn tin học. Các em chủ động học về STEM hơn. Qua cuộc thi, tôi còn có thể kết nối với đồng nghiệp trên khắp Việt Nam và biết thêm về các kỹ năng khoa học và chuyên môn quan trọng để tổ chức cuộc thi tương tự cho trường tôi”.
Khởi tranh lần đầu vào năm ngoái, cuộc thi Lập trình robot trực tuyến toàn quốc năm 2021 lúc ấy đã thu hút được 8 đội đến từ sáu trường trung học ở Việt Nam. Cuộc thi là một phần trong những nỗ lực của CODE để “mang giáo dục STEM đến với cộng đồng và hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới.”