ISSN-2815-5823
Thứ hai, 09h28 16/09/2019

Hội thảo góp ý kiến về bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng 2014

(KDPT) – Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy Ban khoa học, Công nghệ và Môi trường của quốc Hội phối hợp với Viện đào tạo, tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) và Hiệp Hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng. Hội thảo lần này tập trung thảo luận về vấn đề cải thiện môi trường pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và phát triển bất động sản hiện nay.

Hội thảo có sự tham dự của Ông Phan Xuân Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Ông Lê Quang Huy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Hoàng Quang Nhu – Cục trưởng Cục quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng); ông Nguyễn Quốc Hải – Viện trưởng Viện Đào tạo, tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE); Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp Hồ Chí Minh (HoREA) cùng sự tham dự của gần 100 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Bất động sản và Xây dựng trên cả nước.

Ông Phan Xuân Dũng – UVTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo, ông Phan Xuân Dũng – UVTW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã nói về tính cấp thiết của việc sửa đổi Luật xây dựng lần này. Ông Phan Xuân Dũng cho biết: Luật Xây dựng 2014 đã trải qua 05 năm, qua 05 năm, luật Xây dựng đã có nhiều đóng góp rất tích cực cho lĩnh vực xây dựng cũng như phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên sau 05 năm thực thi, luật Xây dựng cũng đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới, nhiệm vụ mới và phù hợp với quá trình hội nhập sâu hơn, rộng hơn của đất nước.

“Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra sơ bộ vào ngày 11.9 vừa qua. Sau khi thẩm tra sơ bộ, thường trực Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã nhất trí trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin ý kiến vào ngày 18.9.2019. Hội thảo lần này mong muốn được tiếp nhận những ý kiến đóng góp quý báu của các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà khoa học… để hoàn thiện hơn các nội dung của dự thảo luật. Sự tham gia của quý vị đại biểu hôm nay đã chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của xã hội đối với một nội dung Luật rất quan trọng, có tác động rất lớn đến sự phát triển của kinh tế nước nhà” – ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) – cho biết; Hiệp hội đánh giá rất cao dự thảo luật sửa đổi lần này bởi vì Chính phủ và Bộ xây dựng đã tiếp thu rất nhiều các ý kiến đóng góp, kiến nghị của Hiệp hội; chẳng hạn như vấn đề tích hợp lại quy trình cấp giấy phép xây dựng với quy trình thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật – điều mà trước đây bị tách thành 03 quy trình. Dự thảo Luật lần này đã trả lại quy trình thiết kế kỹ thuật về cho doanh nghiệp, cho chủ đầu tư – tức là chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp sẽ là người chịu trách nhiệm về việc thẩm định thiết kế kỹ thuật, đây là một điều mới của dự thảo Luật lần này.

Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung thêm một số nội dung cơ bản của Dự thảo luật lần này, trong đó có đề xuất về việc Luật Xây dựng chỉ nên là luật điều chỉnh các hoạt động trong lĩnh vực về xây dựng bởi vì trong chương 2 (gồm 36 điều) của luật này có nói về quy hoạch xây dựng, trong khi đó chúng ta lại đang có Luật Quy hoạch đô thị, do đó theo ý kiến Hiệp hội thì việc này là chưa phù hợp. Hiệp hội đề xuất đưa chương II của Luật Xây dựng bổ sung vào Luật Quy hoạch đô thị cho phù hợp.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) trình bày tham luận của Hiệp hội về dự án luật Xây dựng (sửa đổi).

Nói về sự cần thiết phải tích hợp quy trình cấp phép xây dựng với quy trình thẩm định thiết kế xây dựng, Hiệp hội đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 5 điều 58, khoản 3 điều 82, khoản 4 điều 91 cho phù hợp Luật xây dựng 2014 theo hướng “tích hợp quy trình cấp giấy phép xây dựng” đồng thời với công tác thẩm định thiết kế cơ sở. Phân cấp và giao quyền cho cơ quan chuyên môn về xây dựng (ở đây là Sở Xây dựng) thẩm định thiết kế cơ sở và cấp giấy phép xây dựng các công trình xây dựng trên địa bàn, trừ công trình cấp đặc biệt, công trình có ảnh hưởng đến an toàn lợi ích cộng đồng.

Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến.

Hiệp hội cũng kiến nghị sửa đổi một số điều của Luật Xây dựng 2014 như khoản 2 điều 91 (về cấp phép xây dựng), khoản 1.c điều 106 (về quyền và nghĩa vụ của người đề nghị cấp giấy phép xây dựng), các điều 107 (về điều kiện khởi công công trình), điều 108 (quy định về chuẩn bị mặt bằng xây dựng). Ngoài ra đại diện Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị Luật sửa đổi lần này phân tách khái niệm “ chủ đầu tư “và “nhà đầu tư” (khoản 9 điều 3 của Dự thảo luật) để tránh hiểu nhầm, gây khó khăn trong các thủ tục hành chính, tốn kém cho doanh nghiệp và kéo dài thời hạn thi công công trình.

Ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm đóng góp ý kiến.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Đô thị Từ Liêm đề nghị sửa đổi lại khoản 2 điều 89 quy định về các trường hợp được miễn cấp phép xây dựng.Theo Luật xây dựng 2014 các dự án nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2 thì được miễn cấp giấy phép xây dựng là chưa phù hợp. Ngoài ra theo ông Kha, các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng thuộc các dự án nhà ở đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và đã được thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng chủ đầu tư phải làm thủ tục xin cấp phép xây dựng là chưa hợp lý bởi lẽ điều này sẽ tạo thêm cơ chế xin – cho và làm mất thời gian cũng như tăng thêm chi phí của doanh nghiệp.

Đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh tham gia góp ý.

Hội thảo còn ghi nhận sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng khác như đại diện Sở xây dựng TP. Hồ Chí Minh, Công ty địa ốc Đất Lành, Tập đoàn Him Lam, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn, tập đoàn Sun Group…đối với các điều khoản liên quan trong dự án Luật sửa đổi lần này.Các ý kiến đóng góp của các đại biểu trong hội thảo lần này đều rất thiết thực, đúng với thực tiễn hiện nay. Các đại biểu đều hy vọng trong dự thảo luật Xây dựng mới sẽ có nhiều ưu điểm, khởi sắc hơn, giúp cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực này được cải thiện hơn.

Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phan Xuân Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã ghi nhận sự đóng góp ý kiến của các đại biểu. Theo ông Phan Xuân Dũng: các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo này đều rất tâm huyết, trí tuệ và đầy trách nhiệm. Các ý kiến không chỉ góp ý rất cụ thể vào luật Xây dựng mà còn chỉ rõ mối liên hệ đối với các luật khác như Luật đầu tư, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên – Môi trường… Tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường tổng hợp và trình bày với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Đinh Khương

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024