ISSN-2815-5823
BẢO PHONG
Thứ hai, 10h04 05/09/2022

Hơn 300.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các nền tảng số Make in Việt Nam

(KDPT) - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến ngày 19/8/2022, Chương trình SMEdx (Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số) đã có khoảng 379.865 doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận và trải nghiệm các nền tảng số Make in Việt Nam xuất sắc do Chương trình tuyển chọn.
Ứng dụng CNTT phát triển thành phố thông minh tại Đà Lạt.
Ứng dụng CNTT phát triển thành phố thông minh tại Đà Lạt.

Trước đó, sơ kết 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong lĩnh vực kinh tế số, lũy kế trong 6 tháng đã có hơn 318.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tham gia chương trình chuyển đổi số, tăng trưởng 760% so với năm 2021. Cùng với sự tăng trưởng số lượng doanh nghiệp tiếp cận, tham gia, lượng doanh nghiệp sử dụng nền tảng số SMEdx trong 6 tháng cũng có mức tăng trưởng bứt phá gần 197,3%, đạt hơn 95% kế hoạch năm 2022 đặt ra (50.000 doanh nghiệp).

Đến nay đã có 45 nền tảng số Make in Việt Nam của 27 doanh nghiệp được lựa chọn tham gia Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Các nền tảng được tập hợp, đánh giá trước khi giới thiệu để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa dùng thử và vận dụng vào những nghiệp vụ cụ thể.

Với Chương trình phát triển nền tảng số quốc gia: đã có 24 doanh nghiệp đăng ký với 184 nền tảng số, đạt 35/35 nền tảng thuộc Chương trình nền tảng số quốc gia. Có 26/35 nền tảng số đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Kế hoạch triển khai.

Quan sát mức độ doanh nghiệp tiếp cận tham gia chương trình từ đầu năm tới nay cho thấy, lượng doanh nghiệp tăng mạnh nhất từ tháng 6/2022 (đạt hơn 318 nghìn doanh nghiệp); tháng 7 (319,5 nghìn doanh nghiệp). Trong khi các tháng 4 và 5/2022 chỉ đạt lần lượt 188 nghìn và 198 nghìn doanh nghiệp.

Nếu như tháng 3/2022, cả nước mới chỉ có 3.000 doanh nghiệp sử dụng nền tảng SMEdx thì sang tháng 4/2022, con số này đã tăng lên hơn 9 lần (hơn 27 nghìn doanh nghiệp). Tỷ lệ này tiếp tục tăng qua các tháng 5,6,7 và đạt 56.267 doanh nghiệp trong tháng 8/2022.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết thêm, có 49/63 địa phương đã triển khai xây dựng mô hình tổ công nghệ số cộng đồng với 42.469 tổ được thành lập. Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số.

Về mức độ tăng trưởng doanh nghiệp công nghệ số đến hết tháng 8/2022, số lượng doanh nghiệp công nghệ số ước đạt 68.400, tăng hơn 500 doanh nghiệp so với tháng 7/2022, đạt tỷ lệ xấp xỉ 0,695 doanh nghiệp/1.000 dân.

Trong năm 2021 đã có 27 địa phương ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin, doanh nghiệp công nghệ số. Đến năm 2022 có 43/63 địa phương đã ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đôn đốc để toàn bộ các địa phương ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số trong năm 2022.

Tính đến ngày 20/8/2022, tổng số dịch vụ hành chính công trực tuyến do các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh cung cấp đạt 119.464. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 84.286. Đặc biệt, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ là 51,49%, tăng 4,6% so với tháng 7/2022.

Theo lãnh đạo Cục Tin học hoá (Bộ Thông tin và Truyền thông), chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/12/2024