Dung hòa giữa “ao làng” và “biển lớn”

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm trong lịch sử, nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam đã kết tinh và lắng đọng được nhiều giá trị tích cực, như truyền thống yêu nước và lòng dũng cảm, khả năng thích ứng cao với sự thay đổi của hoàn cảnh, tinh thần cộng đồng, trọng nghĩa tình, cần cù, siêng năng. Trong bối cảnh chuyển đổi mang tính bước ngoặt của Việt Nam, sự “va đập” giữa cái mới và cái cũ tạo nên một lực hấp dẫn đặc biệt của văn hóa Việt Nam, vừa hướng đến việc kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu những giá trị mới, hướng tới tương lai, như dân chủ, hiện đại, khai phóng, khoan dung, rộng mở.

Việc giải quyết quan hệ giữa truyền thống và hiện đại như thế nào trong nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam có lẽ là bài toán mà mỗi thời kỳ cần đi sâu để tìm lời giải.

Chia sẻ về câu chuyện này, ông Nguyễn Huy Hoàng nói: “So với vài thập niên trước đây, văn hóa Việt Nam hiện nay, ở tất cả các dạng hoạt động và với các loại hình nghệ thuật của nó, đều có những thay đổi theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực. Việc hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng giao lưu văn hóa, bùng nổ thông tin, lớp trẻ ham thích cái mới lạ là chuyện bình thường. Cũng đâu ai thích ở mãi cái ao làng, phải ra biển lớn mà vẫy vùng nữa chứ”.

Trong một vài năm gần đây, các phương tiện truyền thông đã nêu lên khá nhiều những biểu hiện đáng báo động của sự xuống cấp đạo đức, khi tiêu cực xã hội gia tăng, với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Những đại án hình sự, các vụ án kinh tế, hay những chủ đề về “cướp-giết-hiếp” tràn lan trên báo mạng mỗi ngày là minh chứng tiêu biểu nhất. Phim ảnh, gameshow trên các kênh truyền hình chính thống ngày càng vô bổ, cãi nhau thiếu văn hóa, phổ biến cảnh sex hoặc bạo lực đẫm máu cốt để câu khách. Dường như chính những yếu tố cấu thành nên văn hóa đang ngày càng trở nên thiếu văn hóa.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Viện trưởng Viện phim Việt Nam.

Ông Hoàng cho biết: “Đó không còn là sự biến dạng của nhân cách, mà là sự tan vỡ của rất nhiều hệ giá trị đạo đức truyền thống trong nền tảng văn hóa, như quan hệ trong gia đình, quan hệ thầy trò và nhiều mối quan hệ xã hội khác”.

Văn hóa của mỗi dân tộc luôn là một dòng chảy không ngừng và ở đó, quan hệ giữa truyền thống với hiện đại có vai trò rất quan trọng, kể cả trong các tác phẩm nghệ thuật. Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng; cùng với mặt tích cực mà xã hội hiện đại mang lại, thì kéo theo đó là nguy cơ về sự mai một các giá trị truyền thống dân tộc; những ảnh hưởng tiêu cực đáng ngại như đạo đức xuống cấp, con người bị tha hóa, sự lệch lạc về giá trị, giả dối lại được coi là bình thường và niềm tin bị suy giảm. Việc giải quyết quan hệ giữa truyền thống và hiện đại như thế nào trong nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam có lẽ là bài toán mà mỗi thời kỳ cần đi sâu để tìm ra lời giải.

Với cương vị là một người có nhiều năm hoạt động trong ngành văn hóa, sáng tác nghệ thuật, ông Nguyễn Huy Hoàng có một niềm tin: “Những con người tôi từng gặp cũng như sự kiên cường và gắn kết của cả một dân tộc đã mang đến cho tôi nguồn cảm hứng vô tận trong các sáng tác. Vì vậy dù đất nước có thay da đổi thịt từng ngày thì tôi tin nét đẹp văn hóa truyền thống ấy vẫn ẩn hiện đâu đó trong từng nếp nhà, từng lối sống và từng hơi thở của người Việt”.

“Nghệ thuật” cần hướng đến “vị nhân sinh”

Đảng ta đã từng nhấn mạnh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội. Văn hóa tạo ra hệ thống các giá trị làm chuẩn mực cho con người vươn tới, từ đó hình thành các phẩm chất của con người. Nói cách khác văn hóa hình thành nên nhân cách con người – mà con người chính là chủ thể của mọi sự phát triển. Việc phát huy vai trò của văn hóa nghệ thuật trong việc bồi đắp, xây dựng đạo đức con người Việt Nam hiện nay không chỉ là trách nhiệm của văn nghệ sĩ với vai trò chủ thể sáng tạo mà còn là trách nhiệm của tất cả những người làm công tác văn hóa, văn học nghệ thuật.

Nhắc về tầm quan trọng của văn hóa nghệ thuật, ông Hoàng nhận định: “Nghệ thuật có các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ và giải trí. Điều đó chứng tỏ nghệ thuật có mục đích vị nhân sinh, vì con người, phục vụ con người”.

Cuốn sách “Quà cho con” của ông Nguyễn Huy Hoàng.

Nếu sách truyện thiếu nhi truyền thống thường ru trẻ trong giấc mơ cổ tích êm đềm, lí tưởng hóa cuộc sống bằng các câu chuyện có hậu, cái thiện luôn thắng cái ác, người tốt luôn nhiều hơn kẻ xấu, thì trong các sáng tác của tác giả Nguyễn Huy Hoàng đã dám làm điều ngược lại truyền thống, dám “nói thẳng, nói thật” với con trẻ về cuộc đời luôn bất công và nhiều trắc trở. Như tập thơ “Quà cho con” của ông, gồm 100 bài thơ tương ứng với 100 kỹ năng sống dành cho đối tượng thiếu niên và nhi đồng. Và mặc dù đối tượng là trẻ em, nhưng ông không cố gắng che đậy những vấn đề mặt trái của xã hội để con trẻ có cái nhìn toàn diện, nhiều chiều về cuộc sống, từ đó có cách ứng xử phù hợp.

“Tôi mong muốn các sáng tác của mình ngày càng gần gũi hơn với độc giả. Với tôi, nghệ thuật cần gắn với thị trường, gần với công chúng, thẩm thấu vào mỗi người dân. Người làm nghệ thuật không được quên rằng mình làm nghệ thuật vì những giá trị nhân văn, vì những hơi thở thiết thực nhất trong cuộc sống”, ông Hoàng chia sẻ.

MINH HẠ