ISSN-2815-5823

Kết nối hệ thống giao dịch phát thải (ETS) bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện ở Việt Nam

(KDPT) - Việt Nam đang từng bước xây dựng và phát triển thị trường carbon, nhằm thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy kinh tế xanh, bền vững.

Theo Quyết định số 232/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/01/2025, việc thành lập thị trường carbon tại Việt Nam là một bước đi chiến lược nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, đặc biệt là mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. 

Việt Nam cần hướng tới việc xây dựng một hệ thống giao dịch phát thải bắt buộc (ETS) và thị trường carbon tự nguyện (VCM) nhằm tối ưu hóa nguồn lực trong lộ trình giảm phát thải khí nhà kính. ETS sẽ áp dụng hạn ngạch phát thải đối với các doanh nghiệp lớn, trong khi VCM cho phép các tổ chức và cá nhân mua tín chỉ carbon từ các dự án giảm phát thải. Kết nối hai hệ thống này giúp tăng tính thanh khoản, tạo động lực đầu tư vào công nghệ sạch và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, giúp Việt Nam tận dụng cơ hội từ thị trường carbon toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều quốc gia triển khai các cơ chế điều chỉnh biên giới carbon như CBAM của EU. Thách thức lớn nằm ở việc xây dựng khung pháp lý đồng bộ, đảm bảo tính minh bạch và kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín chỉ carbon. Khi được triển khai hiệu quả, sự kết nối giữa ETS và VCM không chỉ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 mà còn thúc đẩy nền kinh tế xanh và bền vững.

1. Giới thiệu thị trường carbon bắt buộc và hệ thống giao dịch phát thải (ETS) toàn cầu

Thị trường carbon bắt buộc trên thế giới, vận hành dưới hình thức Hệ thống giao dịch phát thải (ETS), là công cụ quan trọng trong chiến lược giảm thiểu biến đổi khí hậu của nhiều quốc gia trên thế giới. Có 36 hệ thống ETS đang được triển khai và 22 hệ thống ETS đang trong giai đoạn phát triển. Các hệ thống ETS chiếm khoảng 18% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, 58% GDP thế giới với một phần ba dân số toàn cầu.

Ở khu vực Mỹ Latinh, Brazil đã đề xuất một dự luật về ETS, Argentina đang cân nhắc áp dụng cơ chế thị trường carbon cho ngành năng lượng. Mexico hiện đang vận hành chương trình thử nghiệm ETS và dự kiến sẽ triển khai đầy đủ trong năm nay. Chile và Colombia đang xem xét khả năng thiết lập hệ thống ETS dựa trên kinh nghiệm từ thuế carbon. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ đã xây dựng lộ trình thiết lập thị trường carbon, trong đó ETS đóng vai trò chủ đạo, kết hợp với các hoạt động tín chỉ carbon tự nguyện. Indonesia đã triển khai ETS cho ngành sản xuất điện, trong khi Việt Nam đang chuẩn bị thực hiện chương trình thử nghiệm ETS trong những năm 2025. Các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Pakistan, Philippines và Thái Lan cũng đang cân nhắc hoặc trong quá trình phát triển ETS.

Ở châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ thử nghiệm ETS vào năm 2024. Canada đã công bố kế hoạch xây dựng hệ thống trần phát thải và giao dịch dành riêng cho ngành dầu khí, bổ sung vào hệ thống định giá carbon hiện có. Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua ETS mới dành cho lĩnh vực xây dựng, giao thông đường bộ và các ngành khác, dự kiến có hiệu lực vào năm 2027. Australia đã cải cách cơ chế khí hậu, chuyển đổi Cơ chế An toàn thành hệ thống tín chỉ phát thải. Nhật Bản cũng đã triển khai hệ thống GX-ETS tự nguyện, với lộ trình tiến tới ETS bắt buộc.

Ở cấp độ địa phương tại Mỹ, bang Washington đã khởi động chương trình giới hạn và đầu tư vào năm 2023, trong khi New York và Colorado đang xây dựng các hệ thống ETS mới. Maryland cũng đang xem xét áp dụng ETS trên phạm vi toàn bang. Triển khai ETS không phải lúc nào cũng thuận lợi. Tranh cãi chính trị đã gây ra nhiều trở ngại, như những thách thức đối với Sáng kiến Khí nhà kính Khu vực (RGGI) ở Pennsylvania, North Carolina và Oregon, cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng các giải pháp hiệu quả nhằm đảm bảo sự chấp nhận của xã hội đối với cơ chế định giá carbon.

Hệ thống ETS đang được triển khai trên toàn cầu. (Nguồn: ICAP)
Hệ thống ETS đang được triển khai trên toàn cầu. (Nguồn: ICAP)

Sự phát triển của các ETS hiện nay đang tạo ra một thế hệ hệ thống lai và sáng tạo hơn, đôi khi khác biệt so với mô hình trần phát thải và giao dịch truyền thống. Các hệ thống định giá dựa trên cường độ phát thải đang gia tăng, điển hình là ETS quốc gia của Trung Quốc và hệ thống định giá phát thải theo sản lượng ở Canada. Một số hệ thống ETS mới cũng kết hợp các yếu tố thiết kế đa dạng, chẳng hạn như hệ thống "trần - thuế - giao dịch" của Indonesia hoặc mô hình kết hợp giữa tín chỉ tự nguyện và bắt buộc ở Nhật Bản và Ấn Độ. Chính phủ các nước không chỉ cam kết triển khai ETS mới mà còn tăng cường các hệ thống hiện có để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ. Các biện pháp như nâng chuẩn phát thải đối với nhiệt điện than ở Trung Quốc, cải cách ETS tại California, Québec, Anh và Hàn Quốc cho thấy sự điều chỉnh mạnh mẽ để hệ thống ETS trở nên hiệu quả hơn. Gói cải cách "Fit for 55" của EU, hoàn tất vào năm 2023, bao gồm các điều chỉnh quan trọng như tăng tốc độ giảm phát thải, mở rộng ETS sang lĩnh vực hàng hải và củng cố Quỹ Ổn định Thị trường. Doanh thu từ ETS toàn cầu trong năm 2023 đạt 74 tỷ USD, cung cấp nguồn tài chính quan trọng cho các hoạt động giảm phát thải bổ sung và hỗ trợ cộng đồng chịu ảnh hưởng từ chi phí sinh hoạt cao. Các quốc gia như California và New Zealand sử dụng nguồn thu để đầu tư vào công nghệ carbon thấp và hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương. EU có hơn một thập kỷ kinh nghiệm trong việc tái đầu tư doanh thu ETS vào đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa hạ tầng và các biện pháp giảm phát thải bổ sung. Canada và Áo đã áp dụng cơ chế phân phối lại doanh thu ETS, trả lại phần lớn khoản thu này cho các hộ gia đình nhằm giảm áp lực tài chính.

Hợp tác quốc tế đóng vai trò then chốt trong việc phát triển và liên kết các ETS. Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU đang thúc đẩy các đối tác thương mại của khối xem xét hoặc củng cố chính sách định giá carbon trong nước nhằm tránh bị áp thuế nhập khẩu carbon. Anh, Australia và Mỹ cũng đang nghiên cứu triển khai các biện pháp tương tự. Các hệ thống ETS liên kết, như giữa EU và Thụy Sĩ hay giữa California và Québec, là minh chứng cho lợi ích của hợp tác trong giao dịch phát thải. Nhiều hệ thống mới, như ở Washington và New York, cũng đang xem xét khả năng liên kết với các ETS khác. Việc sử dụng tín chỉ carbon cũng đang được nhiều nước quan tâm, nhưng hiện nay hầu hết hệ thống mới chỉ ưu tiên tín chỉ nội địa thay vì tín chỉ quốc tế. Ngoại lệ đáng chú ý là ETS của Hàn Quốc, hiện là hệ thống duy nhất cho phép sử dụng tín chỉ carbon quốc tế.

Trong thời gian tới, Điều 6 của Thỏa thuận Paris sẽ đóng vai trò chính trong việc tạo ra và chuyển nhượng tín chỉ carbon có thể được sử dụng trong các hệ thống ETS trên toàn cầu. Chậm trễ trong triển khai Điều 6, cùng với các ưu tiên chính sách khác, có thể giải thích xu hướng tập trung vào tín chỉ nội địa hiện nay. Nếu những thách thức này được giải quyết, Điều 6 có thể mở rộng khả năng huy động tín chỉ carbon từ các dự án loại bỏ carbon trên phạm vi quốc tế, đặc biệt có lợi cho những quốc gia có ít cơ hội giảm phát thải trong nước.

Bối cảnh định giá carbon toàn cầu đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong hợp tác giữa các quốc gia thông qua các sáng kiến như Thách thức Định giá Carbon Toàn cầu, Chương trình Hợp tác Thị trường của Ngân hàng Thế giới, và các diễn đàn như Định giá Carbon tại Châu Mỹ. ETS có thể được triển khai ở nhiều cấp độ chính quyền, từ thành phố như Thẩm Quyến (Trung Quốc) đến cấp siêu quốc gia như EU ETS. Một số quốc gia có nhiều hệ thống ETS cùng tồn tại, như Đức và Áo, nơi vừa áp dụng EU ETS vừa có ETS quốc gia. Trung Quốc cũng có ETS quốc gia dành cho ngành điện, trong khi các hệ thống ETS cấp tỉnh và thành phố tại Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thượng Hải, Thẩm Quyến, Thiên Tân quản lý các lĩnh vực khác. Bắc Mỹ có nhiều hệ thống ETS cấp bang và tỉnh, một số trong đó được liên kết với nhau. Tính đến năm 2024, 36 hệ thống ETS đang hoạt động, 14 hệ thống khác đang trong quá trình phát triển và dự kiến triển khai trong vài năm tới, bao gồm ETS tại Colombia, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. 12 khu vực pháp lý khác cũng đang cân nhắc vai trò của ETS trong chính sách khí hậu của họ.

2. Khuynh hướng phát triển của thị trường carbon tự nguyện toàn cầu

Thị trường carbon tự nguyện đã trải qua sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây để thúc đẩy bởi tham vọng khí hậu toàn cầu. Các cơ chế vận hành thị trường carbon bắt buộc và tự nguyện đã được công nhận là công cụ mạnh mẽ để khuyến khích giảm phát thải. Sự gia tăng số lượng quốc gia áp dụng cơ chế định giá carbon, sự trưởng thành của thị trường carbon tự nguyện và nhu cầu ngày càng lớn từ các tập đoàn trong việc bù trừ lượng khí thải cũng như tài trợ cho các dự án hành động vì khí hậu định hình sự gia tăng giao dịch, thể chế, quy định, tiến bộ công nghệ và những thay đổi động lực thị trường và khả năng kết nối thị trường tự nguyện với thị trường bắt buộc và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế.

Tăng cường các quy định và hướng dẫn đang đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính toàn vẹn về môi trường và xã hội của các tín chỉ carbon, cũng như cách thức mà các công ty có thể sử dụng chúng để đưa ra các tuyên bố về tính bền vững. Các tiêu chuẩn chất lượng cao hơn đối với phương pháp luận dự án, yêu cầu công bố thông tin minh bạch hơn và các quy định rõ ràng về việc sử dụng tín chỉ carbon đang dần được thiết lập. Những bước phát triển quan trọng bao gồm việc hoàn thiện Điều 6 của Thỏa thuận Paris tại COP 29, các nguyên tắc hướng dẫn của Mỹ và Anh về thị trường carbon có tính toàn vẹn cao, Chỉ thị Green Claims của EU, luật công bố thông tin AB 1305 của California, và nỗ lực của Hội đồng Liên minh Thị trường Carbon Tự Nguyện (IC VCM) trong việc thiết lập Nguyên tắc carbon cốt lõi (Core Carbon Principles, CCP). Sự mở rộng nhanh chóng của các thị trường carbon trên phạm vi quốc tế, quốc gia, khu vực và tự nguyện đang làm tăng độ phức tạp của thị trường. Sự hội tụ và chia sẻ kiến thức giữa các thị trường khác nhau có thể tạo cơ hội cho sự đồng nhất hóa tiêu chuẩn và gia tăng tính minh bạch.

Xu hướng đáng chú ý là sự chuyển đổi tín chỉ carbon thành một loại tài sản tài chính có giá trị, thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, tổ chức tài chính và công ty bảo hiểm. Việc công nhận tín chỉ carbon như một tài sản hợp pháp sẽ thúc đẩy sự trưởng thành của thị trường, mang lại tính thanh khoản cao hơn, khả năng khám phá giá tốt hơn và sự minh bạch trong giao dịch. Công nghệ số đang cách mạng hóa thị trường carbon, giúp đơn giản hóa quá trình phát triển dự án, đo lường - báo cáo - xác minh (MRV), và giao dịch tín chỉ. Công nghệ blockchain mang lại tiềm năng nâng cao tính minh bạch, bảo mật và truy xuất nguồn gốc của tín chỉ carbon. Số hóa các hệ thống đăng ký và nền tảng giao dịch đang trở thành yếu tố cốt lõi giúp tăng hiệu quả, cải thiện sự minh bạch của thị trường và tạo điều kiện cho các giao dịch diễn ra suôn sẻ hơn.

Để tận dụng hiệu quả thị trường carbon trong tương lai, các doanh nghiệp cần xây dựng danh mục đầu tư tín chỉ carbon đa dạng, không chỉ về loại dự án mà còn về vị trí địa lý, nhằm giảm thiểu rủi ro và mở rộng tác động của tài chính carbon đến nhiều sáng kiến khác nhau. Đảm bảo nguồn cung tín chỉ chất lượng cao cũng là một yếu tố quan trọng khi nhu cầu ngày càng tăng. Các công ty cần thiết lập quan hệ đối tác dài hạn với các nhà phát triển dự án đáng tin cậy, đồng thời tìm kiếm các chiến lược cung ứng sáng tạo như thỏa thuận thu mua dự án và đầu tư trực tiếp. Cải thiện tính minh bạch trong báo cáo sẽ giúp duy trì tính toàn vẹn của thị trường và giảm rủi ro bị coi là "tẩy xanh" (greenwashing). Các doanh nghiệp nên công khai vai trò của tín chỉ carbon trong chiến lược khử carbon tổng thể của họ, cách thức đánh giá và lựa chọn dự án, cũng như những bài học rút ra từ thực tiễn trong các báo cáo thường niên.

Có chuyển dịch đáng kể từ việc ưu tiên khối lượng sang tính toàn vẹn của tín chỉ, tạo ra một thị trường tinh vi hơn, chính thức hơn và ổn định hơn trên thị trường carbon tự nguyện (VCM). Triển khai Điều 6 của Thỏa thuận Paris và mở rộng của các thị trường tuân thủ sẽ thay đổi cán cân cung - cầu, đẩy giá tín chỉ carbon lên cao hơn. Khi các tiêu chuẩn chung được thiết lập và mức độ giám sát tăng cường, ranh giới giữa thị trường tự nguyện và thị trường tuân thủ sẽ ngày càng bị xóa nhòa, hướng tới các tín chỉ carbon có tính tuân thủ cao. Công nghệ như AI sẽ tiếp tục cải thiện tính minh bạch và độ tin cậy của thị trường, trong khi blockchain vẫn chưa chứng minh được tính hiệu quả do tốc độ áp dụng còn chậm. Nhu cầu đối với tín chỉ carbon chất lượng cao đang tăng mạnh, đặc biệt là từ các tập đoàn lớn đang ưu tiên các tín chỉ có sự xác minh chặt chẽ và tính bổ sung cao, chẳng hạn như công nghệ loại bỏ carbon và các giải pháp dựa vào thiên nhiên. Các tiêu chuẩn xác minh nghiêm ngặt hơn sẽ loại bỏ các tín chỉ chất lượng thấp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các giải pháp minh bạch và đáng tin cậy hơn. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên như trồng rừng và bảo vệ rừng được kỳ vọng sẽ chiếm ưu thế do khả năng mở rộng, chi phí hợp lý và sự phù hợp với các yêu cầu báo cáo ESG, mặc dù vẫn còn những thách thức như đảm bảo tính lâu dài.

Ngành hàng không được dự đoán sẽ trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy thị trường carbon, khi kế hoạch CORSIA bước vào giai đoạn bắt buộc vào năm 2027. Các hãng hàng không có thể sẽ bắt đầu tích lũy tín chỉ carbon từ sớm để đáp ứng quy định, góp phần thúc đẩy nhu cầu. Giá tín chỉ carbon cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi sự mất cân đối giữa cung và cầu, đặc biệt là đối với các tín chỉ có tính toàn vẹn cao. Giá trung bình toàn cầu của tín chỉ carbon tự nguyện dự kiến sẽ tăng mạnh, có thể vượt mốc 100 USD/tấn vào năm 2030, trong khi giá trung bình chung ổn định trong khoảng 30-50 USD/tấn. Về lâu dài, khi thị trường trở nên thanh khoản hơn và các tiêu chuẩn được thống nhất, thị trường carbon tự nguyện có thể đạt quy mô từ 45 tỷ USD đến 250 tỷ USD vào năm 2050, với sự đóng góp đáng kể từ các giải pháp loại bỏ carbon và công nghệ thu giữ trực tiếp từ không khí.

Tích hợp thị trường carbon tự nguyện vào các khung pháp lý là một xu hướng quan trọng, khi các cơ chế tuân thủ quốc gia, chẳng hạn như Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), ngày càng kết hợp thị trường tự nguyện vào hệ thống của mình. Điều 6 của Thỏa thuận Paris tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm hài hòa hóa các thị trường carbon, đồng thời tăng cường giám sát chất lượng tín chỉ. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, đặc biệt là khi các quy định như Chỉ thị Báo cáo Bền vững của Doanh nghiệp (CSRD) của EU yêu cầu minh bạch hơn trong công bố thông tin môi trường.

3. Kết nối thị trường carbon bắt buộc và tự nguyện ở Việt Nam

Việt Nam đang trong quá trình phát triển thị trường carbon. Khả năng kết nối giữa Hệ thống giao dịch phát thải bắt buộc (ETS) và thị trường carbon tự nguyện (VCM) sẽ tạo ra một cơ chế đồng bộ, đáp ứng các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và phù hợp với xu hướng toàn cầu. Với cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách quan trọng để thiết lập hệ thống định giá carbon, trong đó ETS đóng vai trò là công cụ chính sách bắt buộc đối với các doanh nghiệp có mức phát thải lớn, còn VCM là một thị trường bổ trợ, giúp các tổ chức và cá nhân có thể tham gia vào các dự án giảm phát thải tự nguyện. Việc kết nối hai cơ chế này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực mà còn đảm bảo tính minh bạch, nhất quán và hiệu quả của thị trường carbon tại Việt Nam.

Hệ thống ETS của Việt Nam dự kiến triển khai theo lộ trình ba giai đoạn, với giai đoạn thử nghiệm từ năm 2025 đến 2028 và chính thức hoạt động từ năm 2029. Đây sẽ là cơ chế kiểm soát phát thải thông qua việc cấp hạn ngạch phát thải cho các doanh nghiệp lớn trong các ngành công nghiệp nặng như sản xuất điện, thép, xi măng và hóa chất. Các doanh nghiệp có thể mua bán hạn ngạch trên thị trường nếu phát thải vượt hoặc thấp hơn mức quy định. Thị trường carbon tự nguyện hoạt động song song với ETS, cho phép doanh nghiệp không thuộc danh sách kiểm kê khí nhà kính hoặc cá nhân có nhu cầu bù trừ lượng phát thải tham gia bằng cách mua tín chỉ carbon từ các dự án giảm phát thải trong và ngoài nước. Tín chỉ này có thể đến từ các chương trình như Cơ chế Phát triển Sạch (CDM), Cơ chế Tín chỉ Chung (JCM), hoặc các dự án theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris.

Kết nối giữa ETS và VCM tại Việt Nam không chỉ giúp tạo ra một thị trường linh hoạt hơn mà còn mở rộng cơ hội tài chính khí hậu cho các doanh nghiệp trong nước. Một trong những cách kết nối hai hệ thống này là việc cho phép các doanh nghiệp thuộc ETS có thể sử dụng một tỷ lệ tín chỉ carbon từ thị trường tự nguyện để bù trừ phát thải của mình, tương tự như các mô hình ở châu Âu và Hàn Quốc. Điều này sẽ giúp nâng cao tính thanh khoản của thị trường VCM, đồng thời tạo động lực để các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án giảm phát thải nhằm tạo ra tín chỉ có chất lượng cao.

Yếu tố quan trọng khác trong việc kết nối hai hệ thống là việc thiết lập một cơ chế giám sát, báo cáo và xác minh (MRV) chung để đảm bảo tính minh bạch và nhất quán của các tín chỉ carbon. Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đang xây dựng hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon, giúp theo dõi và kiểm soát các giao dịch tín chỉ từ cả thị trường bắt buộc và tự nguyện, giúp giảm thiểu rủi ro gian lận, đầu cơ hoặc giao dịch tín chỉ chất lượng thấp, đồng thời đảm bảo rằng tất cả các tín chỉ được sử dụng trong ETS và VCM đều đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về bổ sung tính, đo lường và báo cáo phát thải.

Việc kết nối ETS và VCM cũng sẽ giúp Việt Nam tận dụng các cơ hội từ thị trường carbon quốc tế. Trong bối cảnh nhiều quốc gia và khu vực như EU đang triển khai Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), Việt Nam có thể hưởng lợi từ việc thiết lập một thị trường trong nước mạnh mẽ và có khả năng liên kết với các hệ thống ETS lớn trên thế giới. Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành sản xuất có cường độ phát thải cao như thép và xi măng, sẽ có cơ hội giao dịch và mua tín chỉ carbon từ VCM để giảm thiểu tác động của các biện pháp điều chỉnh biên giới carbon từ các thị trường nước ngoài.

Kết nối ETS và VCM cũng đặt ra nhiều thách thức, bao gồm việc đảm bảo tính nhất quán giữa các tiêu chuẩn của hai hệ thống, hạn chế tình trạng trùng lặp trong việc cấp phát tín chỉ, và ngăn chặn các hành vi lợi dụng thị trường để mua bán tín chỉ chất lượng thấp. Để giải quyết những vấn đề này, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý chặt chẽ, đảm bảo rằng chỉ những tín chỉ có chất lượng cao và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế mới có thể được sử dụng trong ETS, đồng thời tăng cường kiểm soát đối với các giao dịch trên thị trường tự nguyện.

Kết nối giữa hệ thống giao dịch phát thải bắt buộc và thị trường carbon tự nguyện là một hướng đi chiến lược giúp Việt Nam vừa đáp ứng mục tiêu giảm phát thải, vừa phát triển một thị trường tài chính khí hậu linh hoạt, minh bạch và hiệu quả. Khi được triển khai đúng cách, mô hình này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với các yêu cầu giảm phát thải mà còn mở ra cơ hội hội nhập vào thị trường carbon quốc tế, đóng góp tích cực vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Thị trường carbon đang ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới, với sự chuyển đổi mạnh mẽ về cấu trúc, chất lượng và giá trị tài chính. Những xu hướng này không chỉ định hình thị trường trong những năm tới mà còn góp phần quan trọng trong nỗ lực giảm phát thải toàn cầu./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/03/2025