Huy động tài chính carbon để điện khí hóa giao thông ở Việt Nam
Thị trường tín chỉ carbon toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, với giá trị giao dịch kỷ lục đạt 881 tỷ euro vào năm 2023, là cơ hội để Việt Nam tận dụng các cơ chế tài chính như ITMO và JCM nhằm thu hút đầu tư cho xe điện và hạ tầng sạc.
Giải pháp bán tín chỉ carbon từ xe điện, hỗ trợ tài chính thông qua thuế và trợ cấp, phát triển hệ thống sạc và khuyến khích các khu vực không khí sạch (LEZs) là cơ sở để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn. Kết hợp chính sách tài chính carbon với chiến lược giao thông bền vững là cơ sở để Việt Nam thúc đẩy quá trình điện khí hóa, giảm ô nhiễm không khí và đáp ứng các cam kết khí hậu quốc tế.

1. Thị trường carbon phát triển mở ra cơ hội huy động tài chính carbon để giải quyết ô nhiễm không khí ở Việt Nam
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội và nhiều thành phố lớn đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Ngày 20/2/2025, Hà Nội ghi nhận mức ô nhiễm không khí cao nhất thế giới, với chỉ số bụi mịn PM2.5 lên tới 153 µg/m³, cao gấp 30 lần mức khuyến nghị của WHO, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư phổi và các bệnh về hô hấp.
Theo UNEP, ô nhiễm không khí gây tổn thất kinh tế toàn cầu lên đến 8,1 nghìn tỷ USD mỗi năm, làm giảm năng suất lao động và là nguyên nhân dẫn đến 4,5 triệu ca tử vong sớm. Tại Đông Á và Đông Nam Á, hơn 90% dân số sống trong môi trường ô nhiễm vượt mức an toàn, trong đó Việt Nam thuộc nhóm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, với gần 100.000 ca tử vong mỗi năm liên quan đến ô nhiễm không khí. Bụi mịn PM2.5 có khả năng xâm nhập sâu vào phổi và máu, gây ra những tác động nghiêm trọng lâu dài đối với sức khỏe.
Đầu tư vào năng lượng tái tạo và đẩy mạnh điện khí hóa giao thông là giải pháp quan trọng nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và cải thiện chất lượng không khí. Các chính sách hỗ trợ phát triển xe điện, mở rộng hệ thống hạ tầng sạc và kiểm soát nghiêm ngặt nguồn phát thải sẽ giúp Việt Nam và các quốc gia trong khu vực giảm ô nhiễm, bảo vệ môi trường và hướng đến một tương lai xanh, bền vững hơn.
Xếp hạng trực tiếp thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới:

Quảnh Khánh là khu vực ô nhiễm nhất với AQI ở mức nguy hại 471

Tín chỉ carbon là công cụ quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu nhằm giảm phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tận dụng cơ chế tài chính carbon có thể đóng vai trò then chốt trong quá trình điện khí hóa giao thông, giúp giảm ô nhiễm không khí và đáp ứng các cam kết khí hậu theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Giao thông vận tải là một trong những lĩnh vực phát thải CO₂ lớn nhất tại Việt Nam. Chuyển đổi từ phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện đã trở thành vấn đề cấp bách trong bối cảnh ô nhiễm không khí liên tục ở mức nguy hại ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo NDC cập nhật, lượng phát thải CO₂ từ giao thông đã tăng từ 30,5 triệu tấn năm 2014 lên 47 triệu tấn vào năm 2020 và có thể đạt 88 triệu tấn vào năm 2030 nếu không có các biện pháp giảm thiểu mạnh mẽ. Để đáp ứng mục tiêu Net Zero vào năm 2050, điện khí hóa giao thông cần được đẩy mạnh thông qua các cơ chế tài chính sáng tạo như thị trường tín chỉ carbon, trong đó các doanh nghiệp có thể bán lượng khí thải giảm được từ phương tiện điện vào thị trường này để tạo nguồn tài chính cho phát triển xe điện.
Thị trường carbon toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ với giá trị giao dịch đạt kỷ lục 881 tỷ euro (948,75 tỷ USD) vào năm 2023, tăng gần 25% so với năm 2022. Hệ thống giao dịch phát thải của Liên minh Châu Âu (EU ETS) chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt 770 tỷ euro, chiếm 87% tổng giá trị thị trường carbon toàn cầu. Giá tín chỉ carbon tại EU ETS đạt mức cao nhất mọi thời đại, vượt 100 euro/tấn vào tháng 2 năm 2022, trong khi Bắc Mỹ và Trung Quốc cũng ghi nhận mức giá kỷ lục với WCI đạt 39 USD/tấn, RGGI vượt 15 USD/tấn, và thị trường Trung Quốc lên đến 80,51 nhân dân tệ (11,19 USD)/tấn vào tháng 10 năm 2023.
Việt Nam có thể tận dụng sự tăng trưởng này bằng cách tham gia vào thị trường tín chỉ carbon quốc tế thông qua các cơ chế như Cơ chế chuyển nhượng giảm phát thải quốc tế (ITMO) theo Điều 6 của Hiệp định Paris, giúp các doanh nghiệp và chính phủ huy động tài chính để thúc đẩy điện khí hóa giao thông.
Thách thức lớn nhất trong quá trình điện khí hóa giao thông ở Việt Nam là chi phí ban đầu cao và hạ tầng sạc chưa đồng bộ. Thông qua việc bán tín chỉ carbon từ các phương tiện giao thông điện hóa, chính phủ và doanh nghiệp có thể thu về nguồn vốn đáng kể để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng sạc và hỗ trợ chính sách khuyến khích sử dụng xe điện.
Theo báo cáo MSCI năm 2024, thị trường tín chỉ carbon có thể tăng trưởng từ 7-35 tỷ USD vào năm 2030, và có khả năng đạt 250 tỷ USD vào năm 2050. Điều này mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc xây dựng mô hình tài chính carbon dành cho xe điện, nơi mà các nhà sản xuất ô tô điện, doanh nghiệp taxi, và các công ty vận tải có thể tham gia vào thị trường tín chỉ carbon và sử dụng nguồn thu này để giảm chi phí vận hành.
2. Huy động tài chính carbon để thực hiện NDC và điện khí hóa giao thông ở Việt Nam
Cập nhật NDC năm 2022 của Việt Nam nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành giao thông vận tải trong việc giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan, với các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 nhằm hạn chế tác động tiêu cực của lĩnh vực này đối với môi trường. Mục tiêu chính là giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu của phương tiện cơ giới nhằm cắt giảm lượng CO₂ phát thải, trong đó xe máy được giới hạn ở mức 2,3 lít/100 km, ô tô con dưới 1400cc là 4,7 lít/100 km, ô tô trung bình từ 1400-2000cc là 5,3 lít/100 km và ô tô lớn trên 2000cc là 6,4 lít/100 km nhằm khuyến khích việc sử dụng phương tiện tiết kiệm nhiên liệu và tạo động lực thúc đẩy phát triển xe điện để đáp ứng các yêu cầu giảm phát thải.
Việt Nam đặt mục tiêu chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm không khí. Mở rộng hệ thống xe buýt điện, tàu điện ngầm và BRT là những giải pháp quan trọng giúp nâng tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng tại các thành phố lớn. Việt Nam hướng đến phát triển xe điện và xe máy điện như một giải pháp dài hạn nhằm giảm phát thải khí nhà kính, với mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ ô tô điện đạt 30%, xe máy điện chiếm 22% tổng số xe máy sử dụng và xe buýt điện chiếm 30%.
Việt Nam cần có một chiến lược tài chính carbon toàn diện, trong đó tập trung vào việc kết nối các nhà sản xuất xe điện, nhà đầu tư, và thị trường tín chỉ carbon. Chính phủ có thể ban hành cơ chế định giá carbon, áp dụng mức thuế carbon đối với xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch để tạo nguồn quỹ hỗ trợ phát triển xe điện. Các dự án xe buýt điện và taxi điện có thể được cấp chứng chỉ giảm phát thải để tham gia thị trường tín chỉ carbon quốc tế, giúp thu hút đầu tư từ các quỹ tài chính xanh và tạo động lực cho doanh nghiệp trong nước phát triển sản phẩm xe điện với giá cả cạnh tranh hơn.
Xây dựng hệ thống hạ tầng sạc điện rộng khắp cần được hỗ trợ thông qua mô hình tài chính carbon. Các công ty đầu tư vào trạm sạc nhanh cần được cho phép bán tín chỉ carbon để bán lại trên thị trường quốc tế, giúp thu hồi vốn nhanh hơn và đẩy nhanh quá trình triển khai hạ tầng sạc. Theo Deloitte, các tín chỉ loại bỏ carbon (CDR) có giá trị cao hơn so với tín chỉ giảm phát thải, vì vậy Việt Nam có thể tập trung vào phát triển các giải pháp như xe điện kết hợp năng lượng tái tạo để tạo ra tín chỉ CDR có giá trị cao trên thị trường.
Điện khí hóa hệ thống xe buýt công cộng cũng có thể tận dụng tài chính carbon. Chính phủ có thể triển khai chương trình trợ giá tín chỉ carbon cho xe buýt điện, trong đó mỗi km vận hành của xe buýt điện sẽ được quy đổi thành tín chỉ carbon và bán trên thị trường, giúp giảm chi phí vận hành, khuyến khích doanh nghiệp vận tải chuyển đổi từ xe chạy diesel sang xe điện. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể áp dụng các khu vực không khí sạch (Low Emission Zones - LEZs), chỉ cho phép xe điện và phương tiện giao thông công cộng hoạt động, qua đó thúc đẩy sự dịch chuyển sang phương tiện không phát thải.
Để tối ưu hóa hiệu quả của tài chính carbon trong điện khí hóa giao thông, Việt Nam cần thúc đẩy sự hợp tác công tư (PPP) trong phát triển xe điện và cơ sở hạ tầng. Chính phủ có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào trạm sạc nhanh và hệ thống đổi pin, đồng thời miễn giảm thuế cho các công ty tham gia vào thị trường tín chỉ carbon. Xây dựng sàn giao dịch carbon trong nước là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp trong nước dễ dàng giao dịch tín chỉ carbon mà không cần phụ thuộc vào thị trường quốc tế.
Thỏa thuận tín chỉ carbon giữa Thụy Sĩ và Thái Lan vào tháng 1 năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cơ chế giao dịch phát thải toàn cầu theo Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris. Lần đầu tiên một công ty tư nhân, Energy Absolute của Thái Lan, bán tín chỉ carbon theo hệ thống mới của Thỏa thuận Paris và cũng là lần đầu tiên một quốc gia có chủ quyền, Thụy Sĩ, mua tín chỉ carbon để đáp ứng cam kết giảm phát thải quốc gia (NDC). Thỏa thuận được phê duyệt vào ngày 24/6/2022 và đến tháng 12/2023, các tín chỉ carbon đã được chuyển giao cho Quỹ Bảo vệ Khí hậu và Bù trừ Carbon KliK thông qua hệ thống đăng ký phát thải của Thụy Sĩ.
Hợp tác này nhằm hỗ trợ chương trình Bangkok E-Bus, dự án tiên phong tại châu Á theo Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris, với mục tiêu điện khí hóa giao thông công cộng, cắt giảm phát thải CO₂ và cải thiện chất lượng không khí tại Bangkok. Energy Absolute triển khai khoảng 4.000 xe buýt điện thay thế xe chạy dầu và xăng, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng sạc để thúc đẩy ngành giao thông bền vững tại Thái Lan. KliK Foundation cam kết mua tín chỉ carbon từ chương trình này, với kế hoạch bù trừ đến 1,5 triệu tấn CO₂ cho đến năm 2030, góp phần quan trọng vào mục tiêu trung hòa carbon của Thụy Sĩ.
Quan hệ hợp tác này không chỉ giúp Thụy Sĩ đạt được cam kết giảm phát thải mà còn tạo động lực cho các công ty tư nhân và các quốc gia khác tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, thúc đẩy sự phát triển của các dự án giảm phát thải bền vững. Chương trình Bangkok E-Bus cũng đặt nền tảng cho hệ thống đo lường, báo cáo và thẩm định (MRV) kỹ thuật số, góp phần nâng cao khả năng giám sát và quản lý các hoạt động giảm phát thải trong tương lai. Với chiến lược tài chính vững chắc và cam kết điện khí hóa giao thông, Bangkok đang hướng tới một tương lai không phát thải, đồng thời trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác trong việc tận dụng tín chỉ carbon để thúc đẩy sự chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Việt Nam và Thụy Sĩ đang đứng trước cơ hội hợp tác đầy tiềm năng trong lĩnh vực giảm phát thải khí nhà kính thông qua cơ chế tín chỉ carbon theo Điều 6.2 của Thỏa thuận Paris, đặc biệt là việc sử dụng Kết quả Giảm nhẹ được Chuyển giao Quốc tế (ITMO). Cả hai quốc gia đều cam kết thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), trong đó Thụy Sĩ có nhu cầu bù trừ lượng khí thải từ ngành giao thông bằng cách mua tín chỉ carbon từ các dự án giảm phát thải ở nước ngoài. Quỹ KliK, tổ chức tài chính carbon của Thụy Sĩ, đang đặt mục tiêu giảm 20 triệu tấn CO2 vào năm 2030 thông qua các dự án hợp tác quốc tế, và Việt Nam là một trong những quốc gia được xem xét để triển khai các sáng kiến của Thụy Sỹ.
Nếu hợp tác được thực hiện, Quỹ KliK dự kiến mua vài triệu ITMO từ Việt Nam, với tổng giá trị hợp đồng có thể lên đến 100 triệu USD đến năm 2030. Đồng thời, sự tham gia của quỹ này có thể mở đường cho dòng vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD từ nhiều nguồn khác nhau vào các dự án giảm phát thải tại Việt Nam. Đây là một cơ hội quan trọng giúp Việt Nam tận dụng nguồn tài trợ quốc tế để triển khai các công nghệ sạch, thúc đẩy các giải pháp phát triển bền vững, từ đó không chỉ thực hiện cam kết khí hậu mà còn nâng cao vị thế của quốc gia trong thị trường carbon toàn cầu.
Để được tài trợ, các dự án giảm phát thải phải đáp ứng những tiêu chí nghiêm ngặt nhằm đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả. Các dự án phải mang lại tác động giảm phát thải bổ sung so với những gì đã cam kết trong NDC của Việt Nam, có nghĩa là không thể thực hiện nếu không có nguồn thu từ tín chỉ carbon và chưa được triển khai trước đó. Quy mô của mỗi dự án phải đủ lớn để có thể giảm ít nhất 500.000 tấn CO2 tích lũy vào năm 2030.
Quỹ KliK không đầu tư trực tiếp mà chỉ tài trợ thông qua việc mua ITMO, đồng thời yêu cầu các dự án phải tuân thủ những tiêu chuẩn cao nhất về tính toàn vẹn môi trường và phù hợp với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc. Một số công nghệ không được hỗ trợ, chẳng hạn như thủy điện quy mô lớn, năng lượng hạt nhân hay các dự án phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, để đảm bảo tính bền vững lâu dài của dự án.
Các lĩnh vực ưu tiên của Quỹ KliK bao gồm năng lượng mặt trời, nhiên liệu sạch cho nấu ăn, tưới ngập - khô xen kẽ trong nông nghiệp, quản lý chất thải, hệ thống làm mát xanh, khí sinh học, và đặc biệt là giao thông điện (E-mobility). Trong lĩnh vực xe điện, đây là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển hệ thống giao thông bền vững với sự hỗ trợ tài chính từ thị trường carbon. Các phương tiện như xe buýt điện, xe tải điện, taxi điện và xe máy điện không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn có thể tạo ra doanh thu đáng kể từ việc bán tín chỉ carbon.
Mỗi xe buýt điện có thể mang lại khoảng 2.000 USD mỗi năm hoặc 20.000 USD trong vòng đời hoạt động từ thị trường tín chỉ carbon. Hà Nội đang đặt mục tiêu phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông công cộng, đặc biệt là chuyển đổi xe buýt sang sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện chất lượng môi trường đô thị. Theo kế hoạch, thành phố cần mở rộng và phát triển hệ thống hạ tầng giao thông để có thể đáp ứng điều kiện vận hành cho khoảng 5.000 xe buýt vào năm 2030. Tỷ lệ xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh dự kiến đạt 70-90% vào năm 2030 và tiến tới 100% vào năm 2033.
Để thực hiện mục tiêu này, Hà Nội đã xây dựng ba kịch bản chuyển đổi, với chi phí đầu tư tương ứng. Kịch bản 1, trong đó 100% xe buýt điện được triển khai, đòi hỏi tổng nguồn lực 52.354 tỷ đồng. Kịch bản 2, với 70% xe buýt điện và 30% xe buýt LNG/CNG, yêu cầu 47.003 tỷ đồng. Kịch bản 3, với 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG, cần 43.940 tỷ đồng. Trước mắt, UBND thành phố đề xuất thực hiện theo Kịch bản 3, sau đó phấn đấu thực hiện Kịch bản 2 khi điều kiện cho phép, và đến năm 2040 sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang Kịch bản 1 với 100% xe buýt điện.
Nếu tận dụng cơ chế tín chỉ carbon, Hà Nội có thể thu về nguồn tài chính đáng kể để bù đắp chi phí đầu tư ban đầu. Mỗi xe buýt điện có thể tạo ra 2.000 USD mỗi năm hoặc 20.000 USD trong vòng đời hoạt động từ thị trường tín chỉ carbon. Với Kịch bản 1, khi toàn bộ 5.000 xe buýt đều là xe điện, thành phố có thể nhận được 10 triệu USD mỗi năm hoặc 100 triệu USD trong vòng đời hoạt động từ tín chỉ carbon.
Nếu thực hiện Kịch bản 2, với 3.500 xe buýt điện, nguồn tài chính thu về sẽ là 7 triệu USD mỗi năm hoặc 70 triệu USD trong vòng đời hoạt động. Với Kịch bản 3, trong đó 2.500 xe buýt điện, Hà Nội nhận được 5 triệu USD mỗi năm hoặc 50 triệu USD trong vòng đời hoạt động từ thị trường tín chỉ carbon. Số tiền này có thể được sử dụng để tái đầu tư vào phát triển hạ tầng sạc, hỗ trợ doanh nghiệp vận hành xe buýt điện và giảm chi phí vận hành phương tiện trong giai đoạn chuyển đổi.
Kết hợp chính sách tín chỉ carbon với chiến lược phát triển xe buýt điện không chỉ giúp Hà Nội đạt được các mục tiêu giảm phát thải mà còn tạo ra nguồn tài chính bền vững, giảm áp lực lên ngân sách thành phố. Đây là một bước đi quan trọng trong việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và định hình Hà Nội trở thành một đô thị xanh trong tương lai.
Hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trong lĩnh vực tín chỉ carbon mở ra cơ hội tài chính và giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang giao thông điện và phát triển năng lượng sạch. Tận dụng các nguồn đầu tư từ thị trường carbon không chỉ giảm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp mà còn góp phần xây dựng một hệ thống giao thông xanh và bền vững. Tận dụng hiệu quả cơ chế ITMO, Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu giảm phát thải trong nước và trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong khu vực về thu hút đầu tư carbon và phát triển giao thông không phát thải.
Huy động tài chính carbon cho điện khí hóa giao thông giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp xe điện nội địa. Với sự hỗ trợ từ các chính sách tài chính phù hợp, cùng với sự tham gia của khu vực tư nhân, Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra một hệ sinh thái giao thông bền vững, với xe điện trở thành phương tiện phổ biến, góp phần cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ môi trường. Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để xây dựng cơ chế tài chính xanh, giúp ngành giao thông chuyển đổi nhanh hơn sang năng lượng sạch và đạt được các mục tiêu khí hậu quan trọng./.
- Giao thông xanh là giải pháp giúp giải bài toán ô nhiễm không khí trầm trọng hiện nay
- Xanh SM công bố hợp tác với 9 đối tác lớn tại Indonesia về giao thông xanh bền vững
- Phát triển giao thông xanh gắn liền với xây dựng kinh tế xanh