Việt Nam tiên phong về phát triển các công nghệ phát thải carbon thấp
Chiến lược phát triển kinh tế xanh, phát thải carbon thấp
Kinh tế tuần hoàn hoạt động theo một vòng tròn, chất thải của hoạt động này là nguyên liệu của hoạt động mới, tạo ra một vòng lặp lại mang tính khép kín. Nhờ đó, các giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế ở mức độ lâu nhất, nhằm tối thiểu việc sử dụng tài nguyên là nguyên liệu đầu vào và lượng phế thải, mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải cũng giảm đi đáng kể.
Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, nhấn mạnh: “Kinh tế tuần hoàn có vai trò quan trọng để thực hiện tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, qua đó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước ta coi thực hiện kinh tế tuần hoàn là một trong những nội dung quan trọng của định hướng phát triển”.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030 đã nêu ra các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội trong đó có phát triển kinh tế tuần hoàn như một mô hình kinh tế để quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam, mang lại nhiều cơ hội lớn.
Phát triển trường tín chỉ carbon
Thị trường carbon là cơ chế để thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế trung hòa carbon.
Các tập đoàn, doanh nghiệp sẽ thông qua thị trường này để bù đắp lượng phát thải khí nhà kính của họ bằng cách mua hạn ngạch phát thải hoặc tín chỉ carbon từ các đơn vị loại bỏ hoặc giảm phát thải khí nhà kính.
Thị trường carbon tồn tại theo hai hình thức, thị trường tự nguyện và thị trường bắt buộc.
Đối với thị trường carbon tự nguyện phục vụ mục tiêu của doanh nghiệp, trên thực tế từ giữa những năm 2000 đến nay đã có nhiều doanh nghiệp cung cấp tín chỉ ra thế giới trên thị trường tự nguyện, đặc biệt là tín chỉ carbon từ các chương trình, dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM).
Đối với thị trường carbon tuân thủ phục vụ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, hiện nay Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ liên quan đang triển khai các nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện pháp lý, quy định kỹ thuật và các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ thí điểm thị trường từ năm 2025 và tiến tới vận hành chính thức.
Các hoạt động trao đổi tín chỉ carbon hay kết quả giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính ra nước ngoài từ năm 2021 trở đi có thể ảnh hưởng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia cam kết với cộng đồng quốc tế theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), đặc biệt là các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính sử dụng ngân sách nhà nước hay các biện pháp tăng hấp thụ carbon từ rừng do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu.
3 giải pháp thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon
Đề xuất 3 giải pháp thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon, đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, cần tuyên truyền sâu rộng để giúp người dân hiểu rõ về giá trị to lớn cũng như việc giảm rác thải khí nhà kính và thị trường carbon, xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, các chính sách để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia thị trường carbon.
Cụ thể, một là cần tuyên truyền sâu rộng tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon; giao các trường đại học, học viện xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức, cung cấp các nghiệp vụ cơ bản về giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, sinh viên đại học và học sinh phổ thông; tập huấn thực hành ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính và giao dịch thị trường carbon.
Hai là, nghiên cứu sâu sắc tác động của quy định thị trường carbon của một số quốc gia đến việc xuất khẩu nông sản Việt Nam khi quy định này được áp dụng từ tháng 1/2026, từ đó đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Ba là, xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, có chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thị trường carbon./.
- "Thị trường carbon là cơ chế nội lực, Nhà nước là định hướng và doanh nghiệp là lực lượng tiên phong trong triển khai"
- Phát triển thị trường tín chỉ Carbon tại Việt Nam: Những thách thức pháp lý cần giải quyết