Khắc phục tính mùa vụ cho sản phẩm du lịch khu vực ven biển Bắc Trung Bộ
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, hoạt động du lịch không liên tục trong năm (du lịch mùa vụ) ở khu vực ven biển Bắc Trung Bộ chịu sự tác động mạnh mẽ bởi yếu tố con người và thiên nhiên. Việc tìm hiểu rõ các yếu tố tác động, cơ chế tác động là cơ sở quan trọng để đề xuất các giải pháp khắc phục tính mùa vụ, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động du lịch. Hiểu rõ tính mùa vụ có thể giúp các nhà quản lý du lịch, chính quyền địa phương và các bên liên quan xây dựng chiến lược phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, tận dụng cơ hội từ tính mùa vụ để thúc đẩy du lịch phát triển.
Nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của khu vực Bắc Trung Bộ phong phú, đa dạng nhưng hệ thống sản phẩm du lịch chưa độc đáo, đặc sắc và chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, khí hậu... là thách thức lớn để địa phương phát triển du lịch quanh năm.
Với 9 di sản thế giới được UNESCO công nhận, bao gồm cả di sản văn hóa, thiên nhiên, vật thể và phi vật thể, khu vực Bắc Trung Bộ giữ vị trí rất quan trọng trong hệ thống phát triển tour và tuyến du lịch của Việt Nam. Hiện nay, hạ tầng đường bộ cao tốc các trục kết nối khu vực đang dần hoàn thiện, đường hàng không, đường sắt, đường biển ngày càng có nhiều cải thiện, tạo thuận lợi cho việc di chuyển. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch của vùng vẫn còn phát triển rời rạc, thiếu sự liên kết, chuỗi giá trị du lịch chưa được định hình chắc chắn, làm giảm tính hấp dẫn và hiệu quả.
Bên cạnh đó, khu vực Bắc Trung Bộ tuy có nhiều loại hình du lịch phổ biến nhưng hầu hết đều bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ. Du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng biển thường đông khách về mùa hè và hầu như không có khách trong mùa đông. Du lịch về nguồn, tham quan tìm hiểu lịch sử - cách mạng phụ thuộc vào các mốc thời gian, sự kiện. Du lịch di sản, tham quan - nghỉ dưỡng có thể diễn ra quanh năm nhưng vào những tháng mùa đông, thời tiết lạnh giá, mưa gió hạn chế khả năng di chuyển và trải nghiệm của du khách. Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cũng chưa được đầu tư xứng tầm. Du lịch lễ hội - tín ngưỡng thường tập trung vào những tháng sau Tết Nguyên đán. Du lịch khám phá đảo ven bờ bị hạn chế do các đảo gần bờ có diện tích rất nhỏ, nguồn nước ngọt không dồi dào, việc đầu tư khai thác khó mở rộng. Du lịch chữa bệnh, phục hồi sức khỏe thường tập trung ở những nơi có nguồn nước khoáng nóng với mục đích nghỉ ngơi và chữa bệnh…
Tại Hội thảo, trên cơ sở đánh giá thực trạng hoạt động du lịch theo mùa vụ tại khu vực Bắc Trung Bộ và phân tích các giải pháp đang được một số địa phương áp dụng, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh tổng hòa của tài nguyên thiên nhiên và nhân văn nơi đây.
Trong đó, tập trung vào một số giải pháp như: đẩy mạnh phát triển các dòng sản phẩm có thể khai thác quanh năm như: du lịch lễ hội; du lịch MICE; du lịch vui chơi giải trí, thể thao, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh; xây dựng chính sách giá bán và các gói sản phẩm linh hoạt với từng nhóm khách hàng trong mùa thấp điểm; Tăng cường hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng do khả năng thích ứng cao của mô hình này đối với tính mùa vụ…
Ngoài ra, các địa phương có thể mở rộng hoạt động chợ sản phẩm nông sản địa phương (OCOP), tham quan trải nghiệm làng nghề, khai thác du lịch gắn với thể thao, các cuộc thi sáng tạo cho nhóm khách... để tạo nên sản phẩm du lịch phù hợp, thúc đẩy du lịch địa phương phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp lữ hành. Đồng thời, đây sẽ là những cơ sở quan trọng giúp vùng đưa ra định hướng chiến lược đúng đắn trong tương lai, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo phát triển bền vững./.
- Tìm giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa ngành du lịch
- IFN xúc tiến hợp tác du lịch y tế Việt Nam - Nhật Bản